Đảm bảo quyền lợi cho người tham gia BHYT

Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) năm sau cao hơn năm trước và luôn hoàn thành chỉ tiêu được Quốc hội, Chính phủ giao. Quỹ BHYT được quản lý, sử dụng hiệu quả; chất lượng dịch vụ về khám chữa bệnh (KCB) BHYT không ngừng được cải thiện… đảm bảo tốt quyền lợi cho người tham gia BHYT theo quy định.

Bảo đảm cung ứng thuốc, kinh phí KCB BHYT

Với quan điểm luôn đặt quyền và lợi ích của người tham gia BHYT lên hàng đầu, thời gian qua, BHXH Việt Nam đã chủ động, kịp thời triển khai nhiều giải pháp như: Đề xuất, tham mưu xây dựng chính sách, pháp luật BHYT; phối hợp với các Bộ, ngành liên quan (Bộ Y tế; Bộ Công an, UBND các tỉnh, thành phố…) tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn, triển khai hiệu quả chính sách BHYT đồng bộ từ Trung ương tới địa phương; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính… tạo thuận lợi cho người tham gia và thụ hưởng chính sách BHYT.

Chú thích ảnh
Đăng ký khám chữa bệnh bằng căn cước công dân có gắn chip tại bệnh viện Xanh Pôn, Hà Nội.  Ảnh: XC

Trong đó, BHXH Việt Nam đã tăng cường phối hợp với ngành Y tế tập trung khắc phục tình trạng thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế (VTYT); xử lý các vấn đề vướng mắc, đảm bảo việc thanh quyết toán chi phí KCB BHYT đúng quy định. Đơn cử như, ngay từ khi dịch COVID-19 lắng xuống, xác định tình trạng thiếu thuốc có thể xảy ra, BHXH Việt Nam đã chủ động có các văn bản gửi Bộ Y tế, chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố về việc đảm bảo cung ứng thuốc, VTYT phục vụ KCB BHYT.

Để khắc phục tình trạng thiếu thuốc, VTYT, BHXH Việt Nam đã kịp thời tham mưu, phối hợp với Bộ Y tế báo cáo trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 144/NQ-CP ngày 5/11/2022 về bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế và thanh toán chi phí KCB BHYT; góp ý kiến vào Nghị quyết số 80/2023/QH15 của Quốc hội về việc “tiếp tục thực hiện một số chính sách trong phòng, chống dịch Covid-19 và sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 01/01/2023 đến ngày 31/12/2024”… nhằm bảo đảm cung ứng thuốc, kinh phí KCB BHYT phục vụ người bệnh.

Mặt khác, BHXH Việt Nam còn ban hành nhiều văn bản quán triệt, chỉ đạo BHXH các địa phương nêu cao tinh thần trách nhiệm, phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế kịp thời hướng dẫn giải quyết các khó khăn, vướng mắc. Đáng chú ý, BHXH Việt Nam đã ban hành Công văn số 544/BHXH-CSYT ngày 1/4/2023 yêu cầu BHXH các tỉnh, thành phố căn cứ tình hình thực tế địa phương, đề xuất với UBND tỉnh quyết định mở rộng danh mục thuốc đấu thầu tập trung cấp địa phương cho phù hợp nhằm giảm bớt khó khăn cho các cơ sở KCB; đồng thời có ý kiến kịp thời với Sở Y tế, các cơ sở KCB, tránh tình trạng chậm tổ chức đấu thầu dẫn đến thiếu thuốc phục vụ người bệnh…

Theo đó, tại nhiều tỉnh, cơ sở KCB đã thực hiện mua bổ sung thuốc bằng các hình thức đấu thầu khác như: chỉ định thầu, mua sắm trực tiếp, chào hàng cạnh tranh, mua bổ sung 20%, điều tiết thuốc, tổ chức đấu thầu bổ sung các mặt hàng trượt thầu…. Do đó đã cơ bản khắc phục được tình trạng thiếu thuốc, đảm bảo quyền lợi của người bệnh BHYT.

Đặc biệt, BHXH Việt Nam đã thành lập các Đoàn Công tác do Tổng Giám đốc và các Phó Tổng Giám đốc làm Trưởng đoàn làm việc với 63 BHXH tỉnh, thành phố trong đó có nội dung tháo gỡ vướng mắc trong công tác KCB BHYT. Thực hiện chỉ đạo của BHXH Việt Nam, BHXH các tỉnh đã thực hiện quyết toán hằng quý để chuyển tiền thanh toán và tạm ứng kinh phí quý sau, tạo thuận lợi cho các cơ sở KCB hoạt động. Trong năm 2023, thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, hướng dẫn của Bộ Tài chính, BHXH Việt Nam đã chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố thanh toán toàn bộ số tiền Thủ tướng đã phê duyệt cho các cơ sở KCB và quyết toán số chi vượt dự toán trong các năm 2018, 2019, 2020 vào quyết toán tài chính năm 2022 với tổng số tiền là 1.977 tỷ đồng.

Với sự chủ động, nỗ lực đó, nhiều khó khăn, vướng mắc trong KCB và thanh toán chi phí KCB BHYT thuộc thẩm quyền giải quyết của BHXH Việt Nam đã cơ bản được giải quyết, phục vụ hiệu quả cho công tác KCB và đảm bảo tốt quyền lợi BHYT cho người tham gia theo Luật định.

Người dân được hưởng lợi từ chính sách BHYT

Quyền lợi hưởng BHYT ngày càng được mở rộng, chất lượng dịch vụ y tế được cải thiện theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp, thân thiện với người dân. Theo đánh giá của Tổ chức y tế thế giới (WHO), Việt Nam là một trong số ít các nước trên thế giới có Danh mục thuốc tương đối đầy đủ, toàn diện và mở rộng so với mức phí đóng BHYT và các nước trong khu vực ASEAN.

Chú thích ảnh
Quét thẻ căn cước công dân có gắn chip tích hợp BHYT. Ảnh: XC

Theo quy định, danh mục thuốc BHYT sử dụng tại Việt Nam có 1037 thuốc hóa dược, sinh phẩm, 59 thuốc phóng xạ và chất đánh dấu; 229 thuốc đông y, thuốc từ dược liệu, 349 vị thuốc y học cổ truyền. Việc lựa chọn thuốc thành phẩm được quỹ BHYT thanh toán tại các cơ sở KCB không bị giới hạn bởi chủng loại thuốc với giá rẻ hay đắt, thuốc nội hay thuốc ngoại. Căn cứ vào mô hình bệnh tật, nhu cầu KCB và khả năng chi trả của quỹ BHYT, cơ sở KCB xây dựng Danh mục thuốc sử dụng tại đơn vị để mua sắm lựa chọn sử dụng thuốc cho phù hợp.

Về cơ bản, hiện tại danh mục thuốc thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia BHYT đã bao phủ đầy đủ tại các cơ sở KCB đa khoa, chuyên khoa, các hạng bệnh viện và các chuyên ngành, các lĩnh vực điều trị.

Nhằm đáp ứng ngày càng đầy đủ, chất lượng hơn về nhu cầu sử dụng thuốc của người bệnh có thẻ BHYT, hiện Bộ Y tế đã ban hành Quyết định thành lập Ban soạn thảo, Tổ biên tập, xây dựng nguyên tắc, tiêu chí sửa đổi, bổ sung danh mục thuốc hóa dược, sinh phẩm, thuốc phóng xạ và chất đánh dấu; thuốc đông y, thuốc từ dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia BHYT. Trong đó, chú trọng việc mở rộng danh mục thuốc nhằm đáp ứng nhu cầu điều trị, bảo đảm quyền lợi của người tham gia BHYT được chăm sóc tốt hơn nhưng vẫn bảo đảm phù hợp với khả năng chi trả của quỹ BHYT.

Bên cạnh đó, người tham gia BHYT cũng ngày càng được hưởng lợi nhiều hơn từ chất lượng dịch vụ BHYT; thủ tục trong KCB BHYT theo hướng cải cách, đơn giản, tiết kiệm thời gian cho người tham gia. Đặc biệt, với việc cải cách như: sử dụng thẻ căn cước công dân, hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VssID để đi KCB BHYT thay cho thẻ giấy; ứng dụng sinh trắc học tại cơ sở KCB BHYT… đã và đang được người dân, các cơ sở KCB BHYT hưởng ứng, đánh giá cao.

Với những tiện ích, lợi ích được hưởng từ chính sách BHYT, hầu hết người dân đều tích cực, chủ động tham gia BHYT. Do đó, tỷ lệ bao phủ BHYT năm sau luôn cao hơn năm trước, tăng từ 91,01% dân số (năm 2021) lên 92,04% (năm 2022) và 92,4% (9 tháng đầu năm 2023). Theo thống kê, thực tế có khoảng 60-70% người tham gia BHYT sử dụng thẻ BHYT để KCB; tần suất KCB của người dân từ 2-2,1 lần/năm. Theo đó, số người hưởng chế độ, chính sách BHYT ngày càng tăng. Tính hết tháng 9/2023, cả nước đã có 127.475.188 lượt người đi KCB BHYT, tăng 19,8% so với cùng kỳ năm 2022; số tiền quỹ BHYT thanh toán là hơn 88,3 nghìn tỷ đồng, tăng 15,9% so với cùng kỳ năm 2022.

Với tinh thần sẵn sàng tạo mọi điều kiện tốt nhất cho người tham gia, thụ hưởng chính sách BHYT theo quy định, thời gian tới, BHXH Việt Nam tiếp tục đồng hành chặt chẽ cùng ngành Y tế, nhất là trong việc xây dựng, sửa đổi Luật BHYT; giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức, thực hiện… để đảm bảo đầy đủ, kịp thời quyền lợi của người tham gia BHYT và khả năng cân đối, phát triển bền vững của quỹ BHYT.

HL/Báo Tin tức
32 triệu người dùng ứng dụng VssID kiểm soát đóng, hưởng chế độ BHXH
32 triệu người dùng ứng dụng VssID kiểm soát đóng, hưởng chế độ BHXH

Ứng dụng VssID - Bảo hiểm xã hội (BHXH) số là một bước đột phá mạnh mẽ trong công tác chuyển đổi số của ngành BHXH Việt Nam. Sau gần 3 năm triển khai, với hơn 32 triệu người dùng, ứng dụng VssID ngày càng phát huy vai trò hữu ích trong việc cung cấp thông tin về chính sách BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN)... cho người dân.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN