Bên lề Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV:

Tăng chế tài bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, góp phần lành mạnh hóa thị trường

Bên lề Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV đang diễn ra, chiều 25/10, nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ sự đồng tình với đề xuất của Chính phủ nghiên cứu thông qua Luật Bảo vệ người tiêu dùng.

Chú thích ảnh
Toàn cảnh Quốc hội họp phiên buổi chiều 25/10/2022. Ảnh: TTXVN

Đồng thời, coi dự luật này là cần thiết được ưu tiên xem xét để nhanh chóng tạo hành lang pháp lý cho các hoạt động thương mại phi truyền thống, vốn đang cần thêm nhiều cơ hội để được đẩy mạnh hơn, củng cố thêm niềm tin của người tiêu dùng và góp phần lành mạnh hóa thị trường.

Bà Nguyễn Hoàng Bảo Trân, Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương tán thành nhiều nội dung của dự án Luật Bảo vệ người tiêu dùng. Tuy nhiên, bà Nguyễn Hoàng Bảo Trân còn băn khoăn về tính khả thi của các quy định trong luật. Bởi lẽ, qua thực tiễn cho thấy, đôi khi Luật và thi hành luật cũng chưa sâu sát. Thêm nữa nhận thức của người tiêu dùng về quyền và lợi ích được bảo vệ của mình cũng chưa được đầy đủ dẫn tới khi xảy ra bất kỳ sự vụ phát sinh, người tiêu dùng cũng không biết để kêu, không rõ để đề nghị được giúp đỡ.

Bà Bảo Trân nhận định, dự án luật được thiết kế để bảo vệ tất cả mọi tầng lớp nhân dân và cũng đã bao quát được tối đa đối tượng là người tiêu dùng cần được bảo vệ. Tuy nhiên, với một số người dân có nhận thức chưa cao, hiểu biết pháp luật chưa sâu thì cũng thật sự khó phát huy hiệu quả của luật này bởi chính họ không biết và không hiểu quyền lợi của mình. Do đó, với luật này cần quan tâm nhiều hơn với vấn đề tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân, cùng với đó, tăng cường thêm các chế tài quy định những nội dung bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong lĩnh vực thương mại điện tử.

Còn Đại biểu Quốc hội Trình Lam Sinh, Đoàn An Giang thì nhận định, giao dịch điện tử và bảo vệ người tiêu dùng là 2 dự luật riêng biệt nhau. Nhưng đây lại là 2 mặt của 1 vấn đề và có nhiều nội dung khá đồng nhất khi đề cập tới việc đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng trong giao dịch thương mại điện tử.

 Thực tế, bảo vệ người tiêu dùng vốn là câu chuyện lâu nay được đề cập khá nhiều  nhưng hầu như chưa được xử lý tốt và rốt ráo. Bản thân người tiêu dùng cũng chưa ý thức được việc phải tự bảo vệ bản thân mình và cũng không biết phải liên hệ ở đâu để đảm bảo quyền lợi cho chính mình ngay cả khi mua bán, trao đổi hàng hóa với siêu thị hay mọi kênh thương mại khác.

Điều quan trọng chính theo Đại biểu Quốc hội Trình Lam Sinh phải đồng nhất được 2 dự luật là giao dịch điện tử và bảo vệ người tiêu dùng để cùng đạt tới mục đích chung là giải quyết triệt để những vấn đề khúc mắc mà người tiêu dùng đang gặp phải; gỡ bỏ những bất cập, những băn khoăn, lo lắng của người dân khi tham gia mua bán thông qua các nền tảng điện tử. "Đồng thời việc hoàn thiện 2 dự luật này đang là kỳ vọng của số đông dư luận xã hội để không chỉ thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa hoạt động giao dịch mua bán điện tử mà còn giúp tăng cường quản lý Nhà nước trong lĩnh vực này. Thêm nữa, cũng cần thiết kế thêm các chế tài xử lý vi phạm, bởi hoạt động này luôn tiềm ẩn nguy cơ cao do có sự gian lận, lừa đảo và rủi ro rất lớn…", ông Sinh nhấn mạnh.

Thương mại điện tử ngày càng phát triển. Việt Nam đang trong giai đoạn bùng nổ và sẽ trở thành quốc gia đạt tỷ lệ giao dịch thương mại điện tử lớn nhất trong khu vực và trên toàn cầu. Tuy nhiên, trong bối cảnh, hạ tầng internet và các nền tảng thanh toán số chưa thực sự phát triển song hành; chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển tương ứng với thương mại điện tử thì nguy cơ và rủi ro đối với quyền lợi của người tiêu dùng là khá lớn.

Diệp Anh – Ngọc Quỳnh (TTXVN)
Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là trách nhiệm chung
Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là trách nhiệm chung

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, chiều 25/10, Quốc hội nghe báo cáo về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN