Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ làm việc tại tỉnh Quảng Ninh

Ngày 25/8, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và đoàn công tác của Chính phủ đã làm việc với tỉnh Quảng Ninh về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; công tác thực hiện chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội, ưu đãi người có công và việc triển khai các chỉ đạo của Trung ương về phát triển Khu kinh tế Vân Đồn, xây dựng Đề án thành lập Khu hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nghe đơn vị thi công báo cáo về tiến độ thi công tuyến cao tốc Hạ Long- Hải Phòng. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã thị sát tiến độ thi công của dự án cao tốc Hải Phòng - Hạ Long đang được triển khai theo hình thức BOT. Sau 3 năm khởi công, xây dựng, dự án đường cao tốc dài hơn 20 km nối thành phố Hạ Long với Hải Phòng (tại vị trí cầu Bạch Đằng) đang đi vào các giai đoạn thi công cuối cùng để thông toàn tuyến vào trước Tết Nguyên Đán Mậu Tuất 2018. Tổng mức đầu tư của dự án hơn 13.000 tỷ đồng.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Đức Long cho biết đây là công trình có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của địa phương khi kết nối thuận tiện tới Hải Phòng và Hà Nội, giúp thời gian di chuyển từ thành phố Hạ Long đi Hà Nội chỉ còn 90 phút xe ôtô chạy, thay vì phải mất 200 phút như hiện nay. Là dự án được đầu tư theo hình thức BOT, ông Nguyễn Đức Long khẳng định: người dân có quyền lựa chọn đi cao tốc Hải Phòng - Hạ Long hoặc đi theo đường 10 hiện nay để tới Quảng Ninh.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị tỉnh Quảng Ninh, chủ đầu tư, các nhà thầu bảo đảm chất lượng và tiến độ công trình như đã cam kết để nhanh chóng đưa dự án vào khai thác, đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hoá thuận tiện của người dân, doanh nghiệp. Các nhà thầu đặc biệt quan tâm tới an toàn lao động, không để xảy ra sai sót, tai nạn lao động.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Đức Long cho biết: Sau 2 năm triển khai về “Đổi mới phương thức, nâng cao năng lực, sức chiến đấu của Đảng; thực hiện tinh giản bộ máy, biên chế”, Quảng Ninh đã đổi mới mô hình tăng trưởng từ "nâu" sang "xanh” có hiệu quả (giảm tỷ lệ thu ngân sách nhà nước từ than từ 57% năm 2011 xuống 51% năm 2016; tăng tỷ trọng dịch vụ lên 41,2% năm 2016).

Tỉnh tập trung thực hiện 3 đột phá chiến lược: xây dựng 7 quy hoạch chiến lược bằng tầm nhìn của các nhà tư vấn nước ngoài; xây dựng và ban hành các cơ chế thu hút nguồn lực đầu tư công nghệ cao vào nông thôn; thành lập các trung tâm phục vụ hành chính công cấp tỉnh và 14 địa phương (518/1.146 thủ tục hành chính được cắt giảm, giảm 41% lượng thời gian giải quyết so với quy định, 654/947 thủ tục hành chính được giải quyết theo quy trình cấp độ 3 trở lên).

Công tác quy hoạch cán bộ được tỉnh thực hiện thận trọng, khách quan; bổ nhiệm thông qua thi tuyển 89 chức danh lãnh đạo, quản lý, trong đó tuổi trẻ trên 70%, 100% có trình độ từ thạc sĩ, tiến sĩ, hai bằng đại học trở lên. Đại hội bầu trực tiếp Bí thư cấp ủy tại Đại hội ở 100% đơn vị cấp huyện, 80% cấp cơ sở. Quảng Ninh mạnh dạn luân chuyển bố trí cán bộ trẻ về cơ sở; tăng cường luân chuyển cán bộ ngang, dọc để đào tạo.

Tỉnh tinh giản 499 biên chế theo Nghị định 108/2014/NĐ-CP và Nghị định 26/2015/NĐ-CP; giảm 712 trường hợp do chuyển đổi mô hình không hưởng lương từ ngân sách; giảm 2.178 người (vị trí chưa bố trí) hoạt động không chuyên trách cấp xã so với định mức của Trung ương giao; thực hiện giao biên chế thấp hơn 16,6% so với định mức Trung ương giao đối với giáo dục, y tế. Ngoài ra, khi thực hiện Đề án 25, từ năm 2015, toàn tỉnh không chi trả phụ cấp thường xuyên đối với 18.919 người.

Toàn cảnh buổi làm việc. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Về thực hiện chính chính sách tiền lương, hiện nay, số lượng công chức trong các cơ quan hành chính cấp tỉnh, cấp huyện là 2982; số lượng viên chức trong các đơn vị sự nghiệp là 22.027; hợp đồng 68 là 647; hợp đồng lao động 6.485. Cơ chế quản lý và chi trả tiền lương đã được tỉnh Quảng Ninh thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.

Thực hiện Kết luận số 47-KL/TW ngày 06/5/2009 và Thông báo số 108-TB/TW ngày 01/10/2012 của Bộ Chính trị, Quảng Ninh đã chủ động xây dựng Đề án Khu hành chính-kinh tế đặc biệt Vân Đồn; triển khai nhiều giải pháp đầu tư phát triển khu kinh tế Vân Đồn tạo tiền đề phát triển Khu hành chính-kinh tế đặc biệt Vân Đồn.

Quá trình hoàn thiện Đề án, tỉnh đã thường xuyên kết nối với các Bộ, ngành Trung ương, bám sát các chủ trương, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về xây dựng dự án Luật đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt để cập nhật, bổ sung, hoàn thiện Đề án của tỉnh; đồng thời, đề xuất với các Bộ, ngành liên quan đưa vào dự án Luật các cơ chế, chính sách mà Đề án của tỉnh nghiên cứu, xây dựng. Đến nay, Đề án đã cơ bản hoàn thiện và dự kiến, Tỉnh sẽ báo cáo Hội đồng thẩm định quốc gia trong tháng 8/2017.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định: Quảng Ninh là một trong 4 tỉnh trọng điểm về thu nội địa của cả nước, luôn tìm ra mô hình mới cách làm hay trong bộ máy tổ chức và kinh tế, có đội ngũ cán bộ lãnh đạo dám nghĩ, dám làm, tổ chức chỉ đạo quyết liệt, là mô hình tốt cho trung ương nghiên cứu.

Phó Thủ tướng cũng cho rằng Quảng Ninh là địa phương tiên phong, mạnh dạn nhất của cả nước trong thực hiện đổi mới phương thức, nâng cao năng lực, sức chiến đấu của Đảng; thực hiện tinh giản bộ máy, biên chế, thực hiện chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công. Phó Thủ tướng đánh giá cao những kết quả phát triển kinh tế - xã hội Quảng Ninh đạt được trong 7 tháng đầu năm, đặc biệt là ở lĩnh vực thu ngân sách, thực hiện khẩn trương kết luận 65 của Thủ tướng trong chuyến thăm làm việc của Thủ tướng cuối năm 2016.

Để thực hiện nhiệm vụ những tháng cuối năm, Phó Thủ tướng đề nghị tỉnh tiếp tục rà soát từng lĩnh vực để có giải pháp thực hiện đạt kết quả cao nhất. Quảng Ninh cần có những bứt phá để vừa đóng góp cho tỉnh vừa đóng góp chung cho cả nước; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ cao ở những lĩnh vực, những ngành có thế mạnh như kinh tế biển, du lịch…Tỉnh cần hỗ trợ Tập đoàn công nghiệp Than Khoáng sản Việt Nam tái cơ cấu lại ngành than, quan tâm đến an sinh xã hội, đời sống của công nhân mỏ; quan tâm hơn nữa đến công tác quản lý nhà nước về du lịch, đô thị, đất đai, tài nguyên môi trường…

Đối với khu hành chính kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Chính phủ đã dự kiến trình Quốc hội phương án tổ chức Ủy ban hành chính không Hội đồng nhân dân; bổ sung quy chế giám sát cấp tỉnh đối với Trưởng đặc khu; có sự thống nhất về cơ chế với các đặc khu khác trong nước. Quảng Ninh tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện, bổ sung quy hoạch, tiếp tục góp ý để xây dựng Luật đặc khu hành chính kinh tế; khẩn trương lập đề án, bổ sung quy hoạch để thành lập khu kinh tế Quảng Yên. Phó Thủ tướng giao các bộ nghiên cứu giải quyết đối với các đề xuất của tỉnh Quảng Ninh về vấn đề cải cách tiền lương, bảo hiểm xã hội, chính sách người có công...

Trung Nguyên (TTXVN)
Quảng Ninh phạt vi phạm hành chính 7 công dân Trung Quốc nhập cảnh trái phép
Quảng Ninh phạt vi phạm hành chính 7 công dân Trung Quốc nhập cảnh trái phép

Ngày 23/8, Công an tỉnh Quảng Ninh cho biết đã quyết định xử phạt vi phạm hành chính với mức 4 triệu đồng/người đối với 7 người Trung Quốc về hành vi qua lại biên giới quốc gia mà không làm thủ tục xuất cảnh, nhập cảnh theo quy định.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN