Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đối thoại với doanh nghiệp thủy sản

Ngày 13/5, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã chủ trì Đối thoại về việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP) liên quan đến quản lý chuyên ngành của 3 Bộ: Tài chính, Tài nguyên và Môi trường và Y tế.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại buổi đối thoại. Ảnh: Nguyễn Dân/TTXVN

Một trong những trọng tâm của Nghị quyết số 19 về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia là cải cách toàn diện các quy định về quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu.

Thời gian qua, VASEP đã có kiến nghị về một số vướng mắc của doanh nghiệp liên quan tới quản lý chuyên ngành của 3 Bộ: Y tế, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường.

Cụ thể, liên quan đến Bộ Y tế là các vướng mắc trong thực hiện công bố hợp quy và công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm (theo Nghị định 38/2012/NĐ-CP về hướng dẫn thi hành một số điều của Luật an toàn thực phẩm). Bộ Tài chính liên quan đến phí thẩm định (như Thông tư 268/2016/TT-BC; Thông tư 279/20116/TT-BTC; Thông tư 230/20116/TT-BTC và Thông tư 285/2016/TT-BTC). Bộ Tài nguyên và Môi trường liên quan đến những vướng mắc trong thực hiện Tiêu chuẩn nước thải.

Theo đó, liên quan đến Bộ Y tế, VASEP đề nghị bỏ toàn bộ quy định của Nghị định 38 về công bố phù hợp về an toàn thực phẩm với lý do Luật An toàn thực phẩm không quy định, dẫn theo một số quy định và đang gây khó khăn cho doanh nhiệp khi mất tới 15 ngày, không phù hợp với thông lệ quốc tế; đơn giản hóa thủ tục hành chính, tiếp nhận văn bản công bố hợp quy về an toàn thực phẩm, giảm thời gian tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ, cấp giấy chứng nhận hợp quy về an toàn thực phẩm.

Kiến nghị tiếp theo liên quan đến phân công trách nhiệm của Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương trong việc tiếp nhận bản công bố hợp quy thuộc lĩnh vực, nhóm mặt hàng thực phẩm thuộc phạm vi quản lý để đảm bảo nguyên tắc: một cửa, một doanh nghiệp chịu sự quản lý của một bộ.

Đối với đề nghị của VASEP là bỏ toàn bộ quy định về công bố phù hợp theo Nghị định 38, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho biết: Căn cứ Luật an toàn thực phẩm, kiến nghị này hợp lý. Luật chỉ yêu cầu công bố quy chuẩn.

Bộ Y tế đã có nhiều Thông tư, trong đó có mức giới hạn, ví dụ như danh mục thuốc thú y dùng trong thực phẩm (67 loại), thuốc bảo vệ thực vật, trước đây để ở thông tư. Bộ Y tế tiếp thu ý kiến của VASEP và chuyển sang quy chuẩn, đúng Luật an toàn thực phẩm

Về đề nghị đơn giản hóa hồ sơ đăng ký tiếp nhận và trả lời công bố kết quả theo Nghị định 38, Thứ trưởng Trương Quốc Cường khẳng định: Hiện, Bộ Y tế đã, đang áp dụng dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4. Bộ đã triển khai hình thức dịch vụ công trực tuyến từ cuối năm 2014 và tất cả đều đăng ký trên môi trường mạng. Các doanh nghiệp đánh giá rất cao tác dụng cải cách thủ tục hành chính của dịch vụ này.

Liên quan đến lĩnh vực tài nguyên và môi trường, VASEP kiến nghị về bất cập vướng mắc liên quan đến xử lý chất thải rắn, xử lý nước thải, bùn thải trong nhà máy chế biến thủy sản, phương án bảo vệ môi trường; vị trí, vai trò, trách nhiệm của Sở Tài nguyên và Môi trường trong hỗ trợ cho doanh nghiệp; giá trị pháp lý của các số liệu quan trắc tự động.

Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP nêu thực tế có cơ sở thu gom ở địa phương chưa có giấy phép hành nghề hoặc doanh nghiệp thủy sản đã ký hợp đồng cho cơ sở thu gom nhưng vẫn phải cung cấp chứng từ chứng minh cơ sở đã đổ, xử lý chất thải đó ở đâu.

Nếu đã ký hợp đồng, cơ sở thu gom phải có trách nhiệm báo cáo với Thanh tra Tài nguyên và Môi trường, chứ không phải là doanh nghiệp thủy sản. Có doanh nghiệp thủy sản phản ánh kể cả rác thải là bao bì các-tông, không phải chất thải nguy hại nhưng doanh nghiệp vẫn bị xử phạt vì không có quy định.

Theo ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký VASEP, về phí bảo vệ môi trường với nước thải theo Nghị định 154 năm 2016, có hiệu lực từ 1/1/2017: Bổ sung thêm 4 thông số phải tính phí là thủy ngân, asen, cadimium, chì. Nhưng theo Quy chuẩn 11/2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường lại không có các thông số này. Bộ chưa có văn bản hướng dẫn nhưng một số Chi cục Bảo vệ môi trường đã bắt đầu hướng dẫn doanh nghiệp thủy sản kê kai nộp phí theo Nghị định 154.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân nêu rõ: Về quản lý chất thải rắn nguy hại, theo quy định, phải có đơn vị đủ điều kiện xử lý, mới được phép tiếp nhận. Vừa qua có doanh nghiệp đã hợp đồng để cơ sở thu gom rác thải đem đi đổ bừa bãi. Những doanh nghiệp ở vùng xa xôi, hẻo lánh thì cơ sở thu gom chất thải nguy hại phải được ủy thác từ doanh nghiệp có đủ điều kiện xử lý.

Quy định này được áp dụng riêng đối với chất thải rắn nguy hại, không phải là đối với chất thải rắn thông thường. Tiếp thu kiến nghị của VASEP, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ có hướng dẫn cụ thể. Bộ khuyến khích địa phương có quy chuẩn phù hợp thực tế. Bộ cũng sẽ có các phương án để tháo gỡ từng trường hợp cụ thể. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có kế hoạch ban hành thông tư hướng dẫn xử lý chất thải nguy hại và không nguy hại, dự kiến khoảng tháng 8 sẽ ban hành.

Các kiến nghị về phí, lệ phí của VASEP là làm giảm bớt mức phí trong các hoạt động thẩm định; lấy mẫu kiểm tra tại doanh nghiệp; xác nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản; kiểm dịch cho lô hàng nhập khẩu; những bất cập vướng mắc về quản lý thuế theo nguyên tắc kiểm tra trước hoàn thuế sau.

Ông Trương Đình Hòe cho biết: Đến nay, một số kiến nghị của VASEP đã được giải quyết một phần. Vừa qua các Bộ: Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan đã đi khảo sát tại các doanh nghiệp thủy sản ở đồng bằng sông Cửu Long và đang trong quá trình xem xét xử lý kiến nghị của VASEP để giúp doanh nghiệp giảm chi phí.

Đại diện Công ty chế biến thực phẩm Đông Đô dẫn chứng: Nghị định 43 mới ban hành về nhãn mác hàng hóa vừa ra đời nhưng thời điểm có hiệu lực rất nhanh, trong vòng 47 ngày từ khi ban hành đến khi có hiệu lực. Tuy nhiên doanh nghiệp cần thời gian dài hơn để chuẩn bị thực hiện theo quy định. Thậm chí có gửi văn bản hỏi cơ quan chức năng nhưng rất lâu sau mới nhận được trả lời, hoặc chưa có hướng dẫn cụ thể từ cơ quan quản lý. Trong khi đó nhiều đoàn kiểm tra lại chỉ căn cứ vào nghị định nên doanh nghiệp dễ bị xử phạt. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng muốn được các cơ quan quản lý tập huấn trước khi ban hành, thực hiện những văn bản mới.

Ông Trần Văn Vinh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ) khẳng định: Nghị định 43 khi được ban hành hướng dẫn cụ thể và thay thế các thông tư về nhãn mác hàng hóa do các bộ chuyên ngành ban hành trước đây. Do vậy những thông tin chưa rõ, doanh nghiệp cần có văn bản hỏi rõ, gửi sớm để cơ quan chức năng trả lời.

Về nguyên tắc Nghị định 43 không cần ban hành thông tư hướng dẫn của các Bộ Y tế, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Nghị định cũng quy định doanh nghiệp có 2 năm chuyển tiếp.

Về vấn đề này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng các doanh nghiệp phản ánh phải trên tinh thần xây dựng. Theo quy định, Nghị định có hiệu lực sau khi ban hành 45 ngày và theo tinh thần của Chính phủ, Luật hạn chế tối đa ban hành Nghị định; Nghị định hạn chế tối đa phải có Thông tư. Doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu đầy đủ các quy định, văn bản của cơ quan nhà nước ban hành.

Phát biểu tại Đối thoại, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhiều lần nhắc tới yêu cầu xây dựng Chính phủ hành động, kiến tạo; ban hành nhiều văn bản, Chỉ thị về cải thiện môi trường kinh doanh và thực hiện các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp phát triển.

Thực tế, ngoài các hội nghị, Thủ tướng đã thành lập Tổ công tác đặc biệt, các Phó Thủ tướng làm việc với các bộ, ngành, địa phương để có nhiều phương thức làm việc nhằm cải thiện môi trường kinh doanh. Phó Thủ tướng tin tưởng tọa đàm sẽ là nơi để các bộ, ngành trao đổi với doanh nghiệp, với tinh thần tất cả vì công việc chung, tất cả mọi công việc điều hành của Chính phủ đều công khai, minh bạch với nhân dân, với công luận.

Phó Thủ tướng đánh giá việc đối thoại giữa các bộ, ngành và doanh nghiệp đã mang lại hiêu quả. Không phải tất cả kiến nghị của doanh nghiệp đều được chấp thuận vì cơ quan quản lý có lý do riêng nhưng sau khi lý giải, doanh nghiệp rất hài lòng; cũng có những vấn đề do cách diễn đạt nên cách hiểu khác nhau; cũng có những vấn đề ý kiến doanh nghiệp đúng, các bộ ngành tiếp thu. Tinh thần của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là rất cầu thị, thậm chí văn bản ra chưa thi hành mà có vấn đề thì vẫn sửa đổi.

Phó Thủ tướng mong muốn trong tương lai sẽ có nhiều cuộc đối thoại trực tiếp giữa các bộ, ngành và doanh nghiệp; đồng thời đề nghị Văn phòng Chính phủ phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư lựa chọn các vấn đề để các bộ, ngành đối thoại với doanh nghiệp, trên tinh thần xây dựng và cởi mở, với sự tham gia rất quan trọng của báo chí. Thông điệp là doanh nghiệp không nên ngại, nếu có vướng mắc, cứ mạnh dạn kiến nghị.

Phúc Hằng (TTXVN)
Doanh nghiệp thủy sản chưa mặn mà với VietGap
Doanh nghiệp thủy sản chưa mặn mà với VietGap

Để chuẩn bị cho ngành thủy sản chủ động hội nhập với thị trường thế giới, từ năm 2011, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành quy trình VietGap (Thực hành nông nghiệp tốt) trong nuôi trồng thủy sản.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN