Đất nông nghiệp hàng nghìn tỷ đồng chưa được vốn hóa

Hàng nghìn tỷ đồng là giá trị sử dụng đất chưa được vốn hóa để thúc đẩy nông nghiệp “cất cánh”. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp nông nghiệp cũng đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc tích tụ ruộng đất để mở rộng sản xuất.

Vay được 1/10 so với giá trị thực

Nhu cầu vay vốn để phát triển sản xuất nông nghiệp của người nông dân rất lớn. Tuy nhiên, hầu hết nông dân chỉ có mỗi mảnh ruộng để thế chấp. Những mảnh ruộng này lại đang bị các ngân hàng định giá thấp theo khung giá đất nông nghiệp, khiến vốn vay chẳng được bao nhiêu.

Tại huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương, bà Đoàn Thị Đáng (thôn Phạm Xá, xã Ngọc Sơn) có 4 sào ruộng. Với diện tích đất trồng cấy này, gia đình bà Đáng chỉ sản xuất đủ thóc ăn. Một năm hai vụ lúa, vất vả mà lợi nhuận không cao.

Cách đây vài năm, gia đình bà Đáng muốn mở rộng sản xuất, cần vay 120 triệu đồng. Tuy nhiên, khi bà mang sổ đỏ đi thế chấp ngân hàng, chỉ vay được 30 triệu đồng. Bà phải mượn thêm 4 sổ đổ của những người trong họ mới vay đủ số tiền này. 

Theo bà Đáng, có nhiều gia đình trong xã cũng muốn thuê mướn thêm đất để làm kinh tế trang trại, nuôi gà, nuôi lợn, đào ao thả cá. Nhưng để mở được một  trang trại như thế cũng cần ít nhất 50 – 80  triệu đồng. "Trong khi, đất ruộng giá trị thấp, các hộ chủ yếu vay mượn của nhau, ít người đem đất đi thế chấp ngân hàng để vay vốn. Do vậy, nhiều nông dân không thể mở mang sản xuất được”, bà Đáng cho biết.

Tương tự, gia đình chị Nguyễn Thị Hà (thôn Đồng Bào, xã Gia Xuyên, huyện Gia Lộc, Hải Dương) cũng muốn mở rộng quy mô sản xuất nhưng khó khăn do thiếu vốn.

“Nhà tôi có 5 sào ruộng, mỗi năm cấy một vụ lúa, một vụ rau, và phải chăn nuôi thêm mới đủ tiền trang trải, nuôi hai con học đại học. Hai vợ chồng tôi đang muốn xây thêm chuồng trại để chăn nuôi lớn hơn, rất cần vốn vay từ ngân hàng. Do đó, nếu như ngân hàng tạo thuận lợi cho người nông dân thế chấp đất lúa, vay được nhiều vốn hơn thì còn gì bằng”, chị Hà nói.

Chị Nguyễn Thị Hà (xã Gia Xuyên, huyện Gia Lộc, Hải Dương) muốn ngân hàng tạo thuận lợi cho người nông dân thế chấp đất lúa, vay được nhiều vốn để có cơ hội đổi đời. Ảnh: MM

Theo ông Lê Đức Thịnh, Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn: “Việt Nam đang có 16 triệu ha đất nông, lâm nghiệp được định giá chỉ bằng 1/10 so với giá trị thị trường. Vì chúng ta quy định đất nông nghiệp thuộc sở hữu toàn dân. Do vậy các tỉnh không xây dựng các khung giá đất, khung giá hiện nay bằng 1/10 thực tế.  Khiến những mảnh đất này không vốn hóa được”.

Ông Thịnh ví dụ, 1ha đất trồng lúa ở Nam Bộ được định giá khoảng 1,8 - 2 tỷ đồng, nhưng khi nông dân đem đất đi thế chấp, ngân hàng đánh giá theo khung của Nhà nước hiện là 300 triệu đồng. Nông dân được cho vay 70% trên tổng số này. Tính ra, số tiền vay được chỉ trên 200 triệu đồng. Như vậy, 1,8 tỷ đồng theo giá thị trường đã không được vốn hóa. Hàng ngàn tỷ đồng đã không vốn hóa được, trong khi nông dân vẫn đang thiếu vốn.

Tích tụ 10 ha đất, phải đàm phán với 200 hộ

Nói tới chuối Hưng Yên, không ai không biết tới  Công ty TNHH Thuận Tâm Thành ở xã Đại Tập (Khoái Châu). Công ty này đang có 60 ha trồng chuối tại các tỉnh phía Bắc (30 ha tại Hưng Yên, số còn lại nằm rải rác ở Bắc Giang, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Thanh Hoá), sản lượng bình quân khoảng 3.000 tấn quả/năm.

Số lượng này như muối bỏ bể so với nhu cầu của đối tác trong nước (như Vinmart, Fivimart) và các bạn hàng của Hàn Quốc, Nga và thị trường Trung Đông.

Ông Phạm Năng Thành, Giám đốc Thuận Tâm Thành cho biết: “Với năng suất trung bình khoảng 50 tấn/ha, một ha cho doanh thu khoảng 400 triệu đồng. Tuy nhiên, việc mở rộng quy mô sản xuất chuối gặp rất nhiều khó khăn, nhất là vấn đề tích tụ ruộng đất. Bởi diện tích đất ở khu vực đồng bằng sông Hồng quá manh mún, việc thoả hiệp thuê đất với các chủ ruộng vô cùng nan giải”.

Ông Phạm Năng Thành, Giám đốc Thuận Tâm Thành (ngoài cùng bên phải) mong muốn mở rộng diện tích trồng chuối. Ảnh: MM

Do vậy, Thuận Tâm Thành đã liên kết bao tiêu sản phẩm cho hàng trăm hộ trồng chuối lân cận (khoảng 10.000 tấn/năm) với giá trung bình 8.000 đồng/kg.
 
Còn trong lĩnh vực trồng và suất khẩu chanh leo xuất khẩu, khó có công ty nào vượt qua được Nafood với 80% thị phần xuất khẩu chanh leo. Tuy nhiên, Nafood cũng đang gặp nhiều khó khăn trong việc tìm ra quỹ đất để mở rộng sản xuất.
 
Ngành chanh leo được quy hoạch trồng khoảng 15.000 ha, “Chúng tôi đang mong muốn  có được 10-20%  diện tích đó, tương đương 1.500 – 2.000 ha để sản xuất. Nhưng hiện tại, chúng tôi mới chỉ có 100 ha tại Nghệ An, 400 ha ở Tây Nguyên để trồng chanh leo” ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch của Nafood cho biết.

Theo ông Hùng, muốn xuất khẩu nông sản phải có diện tích đủ lớn, chứng chỉ, nguồn gốc xuất xứ, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, công nghệ chế biến nhưng việc tích tụ đất đai ở trong nước rất khó khăn . Do vậy, Nafood đã kết hợp với các đối tác ở Lào để trồng chanh leo.

Hiện “Các mảnh đất lớn đang nằm “trong tay” các công ty, tập đoàn trồng cao su, cây công nghiệp. Đất của nông dân thì nhỏ lẻ. Do vậy, DN không dễ để có được mảnh đất lớn mở rộng sản xuất. Hoặc DN phải bỏ ra rất nhiều tiền, tốn nhiều thời gian và vô cùng rủi ro để có đất. Vì thế, phải có cơ chế mở rộng hạn điền, thông thoáng trong việc cấp giấy phép, thủ tục chủ sở hữu đất cho doanh nghiệp”, ông Hùng nói thêm.

Theo các chuyên gia nông nghiệp, rào cản lớn nhất vẫn là thể chế trong quản lý đất đai. Ông Đào Thế Anh, Phó Viện trưởng Viện cây lương thực và cây thực phẩm cho biết: “DN muốn thuê đất thì phải hỏi từng nhà, chi phí giao dịch rất cao, không hiệu quả. Nguyên nhân là do chưa có sàn giao dịch đất nông nghiệp. Do vậy, muốn thu hút DN đầu tư nông nghiệp thì phải thúc đẩy, khuyến khích cho thuê đất, đồng thời đảm bảo thời gian cho thuê để đảm bảo DN thu hồi vốn”.


Theo Điều 129 của Luật Đất đai 2013 về hạn mức giao đất nông nghiệp. Ở khu vực Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long, mỗi hộ gia đình, cá nhân được giao không quá 3ha đất nông nghiệp để trực tiếp sản xuất. Các khu vực khác được giao không quá 2 ha. Đối với đất trồng cây lâu, hạn mức này là 10 ha đối với khu vực đồng bằng; không quá 30 ha đối với khu vực trung du, miền núi. Tại Điều 130, hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân không quá 10 lần hạn mức giao đất.

H.V - MM
Hiệu quả từ dồn điền, đổi thửa
Hiệu quả từ dồn điền, đổi thửa

Dồn điền, đổi thửa là một phong trào lớn được các cấp, các ngành tỉnh Bắc Giang tập trung thực hiện thời gian qua. Từ những thửa ruộng manh mún, nhỏ lẻ, Bắc Giang đã xây dựng được nhiều cánh đồng mẫu có sự liên kết với doanh nghiệp, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tạo bước đột phá mạnh mẽ trong sản xuất nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho người dân.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN