10:09 19/10/2012

Chính phủ và quân nổi dậy Côlômbia FARC bắt đầu đàm phán

Ngày 18/10, chính phủ Côlômbia và các lực lượng Vũ trang Cách mạng Côlômbia (FARC) đã chính thức khởi động cuộc đàm phán tại Ôxlô (Na Uy) trong tiến trình chấm dứt cuộc xung đột kéo dài gần 5 thập kỷ và cướp đi hàng trăm nghìn sinh mạng tại quốc gia Nam Mỹ này.

Ngày 18/10, chính phủ Côlômbia và các lực lượng Vũ trang Cách mạng Côlômbia (FARC) đã chính thức khởi động cuộc đàm phán tại Ôxlô (Na Uy) trong tiến trình chấm dứt cuộc xung đột kéo dài gần 5 thập kỷ và cướp đi hàng trăm nghìn sinh mạng tại quốc gia Nam Mỹ này.


 



Nhà lãnh đạo FARC Ivan Marques (trái), Trưởng đoàn đàm phán chính phủ Côlômbia, Humberto de la Calle (phải) tại cuộc họp báo.

Sau Cuba, Na Uy là quốc gia trung gian hòa giải, tổ chức cuộc đàm phán trực tiếp đầu tiên giữa hai phía trong suốt 10 năm qua. Nguồn tin từ các thành viên hai đoàn đàm phán cho biết sau cuộc đàm phán ở Ôxlô, vòng đàm phán thứ hai sẽ diễn ra tại La Habana (Cuba) vào ngày 15/11 tới.


Địa điểm cuộc đàm phán ở Ôxlô là một khách sạn tại Hurdal, một thị trấn nhỏ về phía Bắc của thủ đô Na Uy. Trưởng đoàn đàm phán chính phủ Côlômbia là ông Humberto de la Calle, trong khi phía quân nổi dậy FARC là nhà lãnh đạo Ivan Marquez. Cả hai đã xuất hiện trong cùng một bàn họp báo trước đàm phán, nhưng không bắt tay nhau. Nhà lãnh đạo Marquez nói: “Chúng tôi đến đây với cành ô liu hòa bình trong tay”, trong khi trưởng đoàn De la Calle tỏ ra lạc quan một cách thận trọng về khả năng đạt được một thỏa ước hòa bình sau 3 lần đàm phán thất bại trước đó.


Một nguồn tin ở Ôxlô tiết lộ rằng sau khi đến Na Uy, hai đoàn đàm phán đã cùng bàn thảo một số vấn đề kỹ thuật như lịch trình đàm phán. Một quan chức chính phủ Côlômbia cho biết, các cuộc thương lượng trước đàm phán đã diễn ra “trong bầu không khí chân thành và tôn trọng lẫn nhau”.


Theo kế hoạch, cuộc đàm phán sẽ tập trung vào 5 chủ đề chính, gồm cải cách đất đai, tương lai của các thành viên FARC trong đời sống chính trị, một quyết định dứt khoát chấm dứt các hành động thù địch, đấu tranh chống buôn lậu ma túy...


Cải cách đất đai được coi là tâm điểm của cuộc bạo động năm 1960 của nông dân Côlômbia, để từ đó ra đời phong trào của FARC. Việc tiếp cận đất đai trồng trọt vẫn là vấn đề gai góc ở một quốc gia có hơn một nửa dân số sống trong cảnh nghèo khó. Nhà lãnh đạo Marquez nói: “Đất đai là nguyên nhân lịch sử cho cuộc xung đột này, và nguyên nhân ban đầu của cuộc đấu tranh vũ trang này đã trở nên xấu đi nhiều. Giới chủ đất đã tạo ra những cơ chế sở hữu đất đai đầy bất công”.


FARC được thành lập năm 1964 và hiện có khoảng 9.200 tay súng, nhóm du kích nổi dậy lớn nhất Mỹ Latinh này có thể đã sẵn sàng cho một thỏa ước hòa bình sau nhiều lần đàm phán với chính phủ đổ vỡ. Từ những năm 80 của thế kỷ trước đến nay, FARC đã ba lần tiến hành đàm phán nhằm tìm kiếm hòa bình với các chính phủ ở Côlômbia, nhưng đều thất bại, trong đó lần gần đây nhất là dưới thời Tổng thống Andres Pastrana (giai đoạn 1998 - 2002).


Ngoài nhóm FARC, tại Côlômbia còn tồn tại một nhóm du kích nổi dậy khác có tên gọi là Quân đội giải phóng quốc gia (ELN) với khoảng 2.500 chiến binh.


T.L - Thùy Dương