05:10 17/05/2017

Chính phủ đã ban hành 50 nghị định về điều kiện đầu tư kinh doanh

Sau 1 năm thực hiện Nghị quyết 35NQ-CP, Chính phủ đã ban hành 50 nghị định về điều kiện đầu tư kinh doanh theo Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp, trong đó tập trung cắt giảm nhiều thủ tục, giấy phép, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Một số lĩnh vực được cải thiện rõ rệt về thủ tục hành chính.

Tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp năm 2017 diễn ra ngày 17/5, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã báo cáo sơ kết tình hình thực hiện Nghị quyết 35. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) báo cáo tổng hợp đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp về việc thực hiện Nghị quyết 35.

Quang cảnh Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp.Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ ngành, địa phương triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp, coi doanh nghiệp là động lực phát triển kinh tế, lấy tinh thần phục vụ doanh nghiệp làm phương châm hoạt động của chính quyền các cấp. Trên cơ sở các nhiệm vụ được giao, Chính phủ, Văn phòng Chính phủ, các Bộ ngành, các địa phương đã tích cực tổ chức thực hiện Nghị quyết.

Định kỳ hàng quý, Chính phủ họp tổng kết, đánh giá, đôn đốc các Bộ ngành tích cực triển khai Nghị quyết. Dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Văn phòng Chính phủ đã xây dựng hệ thống tiếp nhận, trả lời kiến nghị của doanh nghiệp tại địa chỉ http://doanhnghiep.chinhphu.vn để kịp thời tổng hợp, giải quyết các kiến nghị và khó khăn của doanh nghiệp.

Chính phủ đã ban hành 50 nghị định về điều kiện đầu tư kinh doanh theo Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp, trong đó tập trung cắt giảm nhiều thủ tục, giấy phép, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Một số lĩnh vực được cải thiện rõ rệt về thủ tục hành chính.

Thủ tục về thuế và hải quan đã được đẩy mạnh thông qua việc áp dụng  hiện đại hoá, giảm thủ tục, thời gian và chi phí cho doanh nghiệp. Hệ thống khai thuế qua mạng, nộp thuế điện tử đã được triển khai tại 63 Cục thuế và 100% chi cục thuế trực thuộc. Doanh nghiệp kê khai điện tử đạt tỷ lệ 99,64 % và được hỗ trợ nộp thuế xuất nhập khẩu bằng phương thức điện tử. Số thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực thuế năm 2016 đã giảm 85 thủ tục so với 2015…

Cơ chế một cửa quốc gia của Việt Nam đã kết nối kỹ thuật thành công với 04 nước ASEAN (Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Singapore) để trao đổi Giấy chứng nhận xuất xứ mẫu D cho hàng hóa xuất khẩu có xuất xứ ASEAN. Cơ chế một cửa quốc gia đã kết nối chính thức với 11/14 Bộ. Ngoài thủ tục thông quan hàng hóa (Bộ Tài chính), 37 thủ tục hành chính của 9 Bộ còn lại đã được thực hiện thông qua Cơ chế một cửa quốc gia. Tổng số bộ hồ sơ hành chính đã được xử lý trên cổng là 264.000 bộ hồ sơ, với sự tham gia của hơn 8.200 doanh nghiệp. Các giải pháp nhằm cải cách thủ tục hành chính đã đạt được một số kết quả nhất định: 4.527/4.723 thủ tục hành chính (đạt tỷ lệ 95,85%) đã được đơn giản hoá

Tuy nhiên, theo Bộ KH&ĐT công tác tuyên truyền, phổ biến Nghị quyết 35 chưa đầy đủ và sâu sát. Ở một số địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và các hiệp hội doanh nghiệp trên địa bàn còn chưa biết đến nội dung, tinh thần của Nghị quyết 35/NQ-CP, dẫn đến sự chủ động tham gia của doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp ở địa phương chưa cao.

Công tác tổ chức đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp đã được thực hiện ở đa số các địa phương, nhưng còn nặng về hình thức, chưa tổ chức đối thoại theo chuyên đề. Công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán ở một số bộ, ngành, địa phương vẫn còn nhiều bất cập. Hiện tượng chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm tra của các bộ ngành và thanh tra tỉnh vẫn chưa giải quyết dứt điểm, dẫn đến tần suất các cuộc thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp vẫn còn cao.

Bộ KH&ĐT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ ngành khẩn trương rà soát, đề xuất điều chỉnh các chính sách pháp luật, đặc biệt các lĩnh vực về thủ tục đất đai, xây dựng, tài nguyên và môi trường, công thương, thuế, hải quan và bảo hiểm xã hội theo hướng rút gọn và đẩy mạnh phân cấp cho địa phương.

Bộ KH&ĐT cũng đề nghị các Bộ, ngành trả lời các kiến nghị, văn bản của địa phương đúng thời gian quy định, đảm bảo tiến độ để giải quyết các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp; rà soát và công khai đầy đủ các quy định về ngành nghề kinh doanh, đặc biệt là các quy định đối với ngành nghề kinh doanh có điều kiện; cần có cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho hộ kinh doanh chuyển đổi sang doanh nghiệp, đăng ký và hoạt động theo Luật doanh nghiệp.


H.V/Báo Tin Tức