05:19 14/05/2014

Chính phủ ban hành Chương trình hành động về hội nhập quốc tế

Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 10/4/2013 của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về hội nhập quốc tế.

Ngày 13/5, Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 10/4/2013 của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về hội nhập quốc tế.

Nghị quyết 22 về hội nhập quốc tế là Nghị quyết có ý nghĩa rất quan trọng, cụ thể hóa đường lối đối ngoại và chủ trương “chủ động, tích cực hội nhập quốc tế” mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đã đề ra. Nghị quyết 22 khẳng định chủ động, tích cực hội nhập quốc tế là định hướng chiến lược lớn của Đảng nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Nghị quyết đã chỉ rõ mục tiêu, quan điểm chỉ đạo và những định hướng chủ yếu để triển khai công tác hội nhập quốc tế toàn diện trong thời gian tới.

Tiếp tục cụ thể hóa các nhiệm vụ chủ yếu nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết 22, Chương trình hành động của Chính phủ sẽ xác định các nội dung công việc cụ thể, lộ trình, thời gian thực hiện mà các cơ quan hành chính nhà nước ở Trung ương và địa phương cần tập trung triển khai trong thời gian tới.

Để đạt được mục tiêu trên, trong thời gian tới, bên cạnh các nhiệm vụ thường xuyên, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần tổ chức phổ biến, quán triệt, tuyên truyền rộng rãi và sâu rộng nội dung của Nghị quyết 22, các yêu cầu hội nhập quốc tế, cơ hội và thách thức, phương hướng, nhiệm vụ trọng yếu của hội nhập quốc tế trong từng ngành, từng lĩnh vực đến các Bộ, ngành, địa phương, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức Đảng các cấp, doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân.

Tuyên truyền rộng rãi chủ trương “chủ động, tích cực hội nhập quốc tế” đến các đối tác, cộng đồng quốc tế và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, nắm bắt và thông báo kịp thời dư luận cho các cơ quan liên quan trong nước. Tăng cường quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam , thông tin về Việt Nam tới các nước trên thế giới. Tiếp tục triển khai hiệu quả Chiến lược phát triển thông tin đối ngoại giai đoạn 2011 - 2020.

Một trong những nội dung quan trọng trong Chương trình hành động là hội nhập kinh tế quốc tế. Cụ thể, sẽ tiến hành rà soát, cập nhật và tổ chức thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ nhằm tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa X về một số chủ trương để nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững sau khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), bảo đảm hài hòa, đồng bộ với Chương trình hành động về hội nhập quốc tế; bổ sung các nhiệm vụ mới để đáp ứng được những yêu cầu đặt ra đối với sự phát triển của đất nước từ nay đến năm 2020.

Đồng thời, xây dựng và triển khai Chiến lược hội nhập kinh tế quốc tế đến năm 2020, trong đó lồng ghép các định hướng chiến lược về hội nhập quốc tế trong lĩnh vực tài chính – tiền tệ. Xây dựng định hướng nâng cao hiệu quả tham gia và phát huy vai trò của Việt Nam tại các định chế kinh tế, thương mại, tài chính - tiền tệ như Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức thương mại thế giới (WTO), Ngân hàng phát triển châu Á (ADB)...; tham gia tích cực các cơ chế hợp tác khác như Diễn đàn hợp tác Á - Âu (ASEM)...

Cải thiện môi trường thu hút đầu tư nước ngoài đồng thời bảo đảm an ninh kinh tế, hiệu quả kinh tế - xã hội - môi trường; xây dựng và triển khai đồng bộ các biện pháp thu hút các tập đoàn xuyên quốc gia vào đầu tư, kinh doanh ở Việt Nam; đẩy nhanh tái cơ cấu đầu tư công, khuyến khích các hoạt động đầu tư tư nhân và hợp tác công – tư; nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư, quản lý chặt chẽ nợ công. Xây dựng cơ chế, chính sách phát triển kinh tế xanh ở Việt Nam .

Các Đại sứ ASEAN tại Nam Phi bày tỏ tinh thần đoàn kết nhất trí của ASEAN đối với các vấn đề quốc tế. Ảnh:Minh Đức - TTXVN.


Về hội nhập quốc tế trong lĩnh vực chính trị, Chương trình nêu rõ, cần đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn quan hệ với các đối tác, nhất là các đối tác có tầm quan trọng chiến lược đối với phát triển và an ninh của đất nước, tăng cường đan xen lợi ích trên các lĩnh vực.
Tích cực, chủ động tham gia và phát huy vai trò của nước ta tại các thể chế đa phương, nhất là trong việc đóng góp xây dựng Cộng đồng ASEAN và định hướng phát triển Cộng đồng sau năm 2015, nâng cao hiệu quả tham gia Cộng đồng chính trị - an ninh ASEAN, thúc đẩy hợp tác trong các cơ chế khu vực do ASEAN giữ vai trò trung tâm như ASEAN+1, ASEAN+3, Diễn đàn an ninh khu vực (ARF), Cấp cao Đông Á (EAS)...; nâng cao hiệu quả tham gia của Việt Nam trong việc thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm xây dựng Bộ quy tắc ứng xử (COC). Chủ động đóng góp có trách nhiệm tại các diễn đàn quan trọng như Liên hợp quốc, Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Diễn đàn Hợp tác Á - Âu (ASEM), Phong trào Không liên kết, Hợp tác Nam-Nam, Tổ chức các nước sử dụng tiếng Pháp (Francophonie), các cơ chế hợp tác tiểu vùng...

Về nội dung hội nhập quốc tế trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, sẽ xây dựng và triển khai Chiến lược hội nhập quốc tế trong lĩnh vực quốc phòng đến năm 2020, khai thác hiệu quả các nguồn lực bên ngoài, vị thế quốc tế của đất nước nhằm góp phần xây dựng quân đội từng bước hiện đại và tăng cường sức mạnh quốc phòng của đất nước, đồng thời nâng cao chất lượng dự báo, tham mưu chiến lược, tăng cường khả năng bảo đảm an ninh, quốc phòng của đất nước.

Về Hội nhập quốc tế trong lĩnh vực văn hoá, xã hội, dân tộc, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ và các lĩnh vực khác, sẽ lồng ghép các hoạt động hội nhập quốc tế vào quá trình xây dựng và triển khai các chiến lược, kế hoạch, đề án về phát triển văn hóa - xã hội, khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo, lao động, y tế, thể thao..., nhằm tranh thủ sự hợp tác, hỗ trợ quốc tế, tiếp thu tri thức, tinh hoa văn hóa nhân loại, quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam với bạn bè quốc tế, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước.
Tăng cường tham gia các cơ chế hợp tác giải quyết vấn đề môi trường, đề xuất các sáng kiến của Việt Nam nhằm đóng góp tích cực cho nỗ lực chung ứng phó biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, rừng, nguồn nước, động vật, thực vật, phòng chống thiên tai.


TTXVN/Tin tức