10:15 07/10/2011

Chính danh “hiệp sĩ”

Có thể nói, giữa lúc căn bệnh vô cảm đang tràn lan trong xã hội, phong trào hiệp sĩ đường phố đang là một trong những điểm sáng nhất để người ta còn tin vào tấm lòng “trượng nghĩa” của người Việt Nam xưa nay. Để thấy xã hội vẫn còn những Lục Vân Tiên.

Có thể nói, giữa lúc căn bệnh vô cảm đang tràn lan trong xã hội, phong trào hiệp sĩ đường phố đang là một trong những điểm sáng nhất để người ta còn tin vào tấm lòng “trượng nghĩa” của người Việt Nam xưa nay. Để thấy xã hội vẫn còn những Lục Vân Tiên.

Họ dám đặt mạng sống của mình trong vòng nguy hiểm để đổi lấy sự bình an cho nhân dân, cho đường phố khỏi những kẻ trộm cướp giật nguy hiểm.

Những hiệp sĩ như Nguyễn Văn Minh Tiến, Nguyễn Tăng Tiên... đã không biết bao nhiêu lần trải qua thương tích vì những vụ bắt cướp nguy hiểm, và vì sự trả thù hèn hạ. Có những hiệp sĩ đã ngã xuống như Nguyễn Xuân Chinh. Và mới đây, lại thêm một người có tấm lòng nghĩa hiệp nữa nằm xuống bởi những kẻ thủ ác.


Cảnh trong phim Hiệp sĩ đường phố - Ảnh minh họa

Trong ngày hôm qua 6/10, tại buổi gặp mặt báo chí ở Hà Nội, Trung tướng Nguyễn Đức Nhanh, Giám đốc Công an TP Hà Nội đã nói về cái chết của anh Phạm Văn Chính, sinh năm 1985, ở xã Đồng Phú, huyện Chương Mỹ, Hà Nội. Khoảng 20 giờ tối nga 2/10, khi đang ở nơi thuê trọ ở khối Quyết Tiến, phường Vạn Phúc (quận Hà Đông), nghe tiếng kêu “trộm” thất thanh từ bên ngoài, anh Chính đã lao ngay ra khỏi nhà. Phát hiện 2 thanh niên trộm đi chiếc xe máy màu đen trên vỉa hè trong khi nhiều người đang đuổi tới, anh Chính xông vào bắt giữ tên ngồi sau. Khi khoảng cách còn 3 mét, bất ngờ tên ngồi sau đứng phắt dậy, rút từ trong bụng ra một khẩu súng, nhằm thẳng anh Chính bóp cò. Anh Chính được mọi người đưa ngay vào Bệnh viện Quân y 103 gần đó cấp cứu. Tuy nhiên, do vết thương quá nặng nên anh Chính đã tử vong vào chiều 3/10.

Trung tướng Nguyễn Đức Nhanh khẳng định: “Công an Hà Nội đánh giá rất cao hành động dũng cảm của người dân như anh Chính và sẽ khen thưởng, làm chế độ cần thiết trong thời gian tới”.

Cũng như anh Chính, những người hiệp sĩ tham gia bắt cướp không có nghiệp vụ, không có chế độ chính sách cũng như những công cụ hỗ trợ. Và quan trọng nữa là họ không có một thân phận pháp lý rõ ràng. Chúng ta cứ mãi ca ngợi họ mà quên mất một điều, ở nơi nào có tội ác thì người chống lại chúng cũng rất cần được bảo vệ, hỗ trợ.

Rất may, cũng tại buổi gặp mặt báo chí ngày hôm qua, người đứng đầu ngành Công an Hà Nội, đồng thời cũng là Phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh II - Bộ Công an tỏ ra rất tâm đắc với mô hình hiệp sĩ đường phố ở TP.HCM và Bình Dương. Trung tướng Nguyễn Đức Nhanh nói: “Bản thân tôi rất tâm đắc về câu lạc bộ hiệp sĩ. Tôi đã cử người vào tận những nơi có mô hình này để học hỏi và xem xét cách thức hoạt động như thế nào”.

Theo lời ông, Hà Nội sẽ triển khai mô hình này sau khi họp bàn rút kinh nghiệm từ các mô hình câu lạc bộ hiệp sĩ đang hoạt động. Mô hình này sẽ được nhân rộng trên địa bàn toàn thành phố Hà Nội. Tuy nhiên, Hà Nội sẽ không để hoạt động của câu lạc bộ hiệp sĩ mang tính chất tự phát mà phải có cơ chế, chế độ chính sách rõ ràng đối với những người tham gia trong câu lạc bộ này. Công an quận Hai Bà Trưng là đơn vị đầu tiên triển khai, áp dụng mô hình câu lạc bộ hiệp sĩ này.

Hy vọng, những hiệp sĩ đường phố từ nay sẽ được chính danh khi đấu tranh chống lại cái ác.

Theo thethaovanhoa.vn