08:08 09/08/2012

'chiến tranh dường như vẫn còn đó'

Cách đây mấy năm về trước, vụ kiện các công ty sản xuất chất độc da cam/điôxin của Mỹ của các nạn nhân chất độc da cam/điôxin VN đã thu hút sự quan tâm của dư luận trong nước cũng như thế giới...Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, hẳn nhiều người không thể quên hình ảnh người phụ nữ VN đã cao tuổi...

Cách đây mấy năm về trước, vụ kiện các công ty sản xuất chất độc da cam/điôxin của Mỹ của các nạn nhân chất độc da cam/điôxin VN đã thu hút sự quan tâm của dư luận trong nước cũng như thế giới, gây lên làn sóng ủng hộ mạnh mẽ. Ai cũng biết, cuộc chiến đấu đòi công bằng cho các nạn nhân chất độc da cam/điôxin VN còn rất lâu dài.


Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, hẳn nhiều người không thể quên hình ảnh người phụ nữ VN đã cao tuổi nhưng vẫn kiên cường đứng lên đấu tranh mạnh mẽ đòi sự công bằng cho lẽ phải. Bà chính là GS Phan Thị Phi Phi. Mới đây, có dịp ngồi lại với bà trong một buổi chiều thảnh thơi hiếm có, PV đã được GS Phan Thị Phi Phi tâm sự về vấn đề này. GS cho biết:


Chiến tranh đã qua lâu rồi, nhưng với những nạn nhân chất độc da cam/điôxin VN thì chiến tranh dường như vẫn còn đó. Nó không bao giờ đi ra khỏi họ được! Nó là những cơn đau, những méo mó, dị dạng của hình hài; là bệnh tật, là nỗi đau khổ của nhiều thế hệ…


Là người trực tiếp đi ra khỏi cuộc chiến tranh, sau này, vì công việc GS đã đi và đến nhiều nơi trên khắp mọi miền đất nước. Hơn ai hết, GS là người hiểu được đến tận cùng nỗi đau do chiến tranh mang lại, nhưng di chứng của nó đang từng ngày, từng giờ hành hạ, dày vò cả tâm hồn lẫn thể xác của nạn nhân chất độc da cam/điôxin…


GS Phan Thị Phi Phi cùng luật sư của nạn nhân chất độc da cam/điôxin VN tại Mỹ trong những ngày theo đuổi vụ kiện.


Khi tham gia vào các dự án đi khám và chữa bệnh cho các nạn nhân chất độc da cam/điôxin, tôi đã thấu hiểu tận cùng nỗi bất hạnh mà những gia đình có người bị ảnh hưởng thứ chất độc chết người này đang phải chịu đựng. Có những vùng quê, nhận thức của người dân còn hạn chế, cũng có thể do họ thiếu hiểu biết… không ít gia đình đã phải chịu sự kỳ thị của hàng xóm láng giềng vì họ cho rằng cha mẹ, ông bà… kiếp trước đã ăn ở thất đứa nên mới sinh ra những đứa con dị tật như vậy (!?).


Đó là nỗi đau tinh thần rất âm ỉ với không ít bậc làm cha mẹ. Còn nỗi khổ vật chất của gia đình có người nhiễm chất độc da cam/điôxin hầu hết đối mặt với đói nghèo, vì sức lao động của họ bị hạn chế. Những căn bệnh như ung thư, xương khớp, thần kinh… bủa vây lấy họ. Tật bệnh hành hạ khiến cho họ không thể ngóc đầu lên được!


Trong những chuyến đi như vậy, trường hợp- hoàn cảnh nào khiến GS nhớ nhất?


Hầu hết các nạn nhân chất độc da cam/điôxin đều có hoàn cảnh đặc biệt. Nhưng trong một cuộc hành trình về Quảng Trị, có một gia đình nạn nhân chất độc da cam/điôxin đã khiến tôi bị ám ảnh cho đến tận bây giờ. Ở đó, tôi gặp một gia đình có bốn con đều bị bại não, những đứa trẻ là thế hệ thứ 2 bị nhiễm chất độc da cam/điôxin. Bố mẹ của bốn đứa trẻ phải cột một sợi dây thừng từ ngoài cổng vào sân nhà để các con vịn vào đấy mà tập đi. Vậy mà vẫn ngã bổ nháo bổ nhào. Ngã rồi cha mẹ đau, còn các con lại cười ngờ nghệch…


Có một gia đình khác, tháng trước tôi đưa luật sư vào tìm họ để thu thập tài liệu, chứng cứ. Tháng sau quay lại, ảnh họ đã được đặt trên bàn thờ. Họ chết vì bệnh ung thư! Hay ngay cả hai nạn nhân chất độc da cam/điôxin đầu tiên cùng đệ đơn lên tòa án Liên bang Mỹ với tôi, đến nay đều mất cả rồi… (im lặng hồi lâu)


Là một trong những nạn nhân chất độc da cam/điôxin đầu tiên đệ đơn lên tòa án Hoa Kỳ và chính bản thân GS cũng đã đến Hoa Kỳ tham gia phiên tranh tụng đầu tiên giữa luật sư hai bên nhằm đòi công lý cho các nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam/điôxin VN. GS có thể cho biết con số cụ thể số người nhiễm chất độc da cam/điôxin ở VN?


Theo thống kê không đầy đủ, VN có khoảng 4 triệu người bị ảnh hưởng chất độc da cam/điôxin, trong đó có khoảng 3 triệu người có bệnh. Thế hệ thứ 2, thứ 3 có khoảng 200 ngàn trẻ em bị ảnh hưởng chất độc da cam/điôxin.


Một con số quá lớn và thiết nghĩ, không gì có thể bù đắp nổi, thưa GS. Đau lòng nhất là trẻ em thế hệ thứ 2, thứ 3… lại là nạn nhân của thứ chất độc quái ác này và có lẽ con số sẽ không chỉ dừng lại ở đó, mặc dù không một ai trong chúng ta mong muốn có thêm bất cứ một trẻ em nào được sinh ra là nạn nhân của chất độc da cam/điôxin nữa? Ngay bản thân GS cũng đã từng mất đi bốn người con khi mới tượng hình…


Ở chiến trường, tôi từng chứng kiến cái chết của những thanh niên to, khỏe nhất. Có người chết trên tay tôi. Đó là những cái chết làm cho tôi đau xót nhất! Họ quá trẻ, quá đẹp, và chưa từng biết yêu…


Đất nước mình còn nghèo, mấy năm nay lại quá nhiều thiên tại, lũ lụt… nên sự giúp đỡ dành cho các nạn nhân chất độc da cam/điôxin cũng phần nào bị hạn chế. Nhưng tôi tin rằng tất cả chúng ta đều thấu hiểu, dù có thế nào thì nỗi đau dai dẳng của họ vẫn còn đấy. Con số nói trên nhắc chúng ta điều gì ư? Con số nói trên nhắc chúng ta rằng hàng ngàn người làm cha, làm mẹ đau đớn khi phải chứng kiến những đứa con mình ra đời không lành lặn về hình hài, không bình thường về trí tuệ…


Và, càng đau đớn hơn khi nghĩ rằng lúc mình không còn trên cõi đời này nữa thì ai sẽ chăm sóc cho chúng? Chúng ta tiếp tục có những đứa trẻ sinh ra sau chiến tranh vẫn bị nhiễm chất độc da cam/điôxin vì nhiều vùng đất, vùng nước ở những nơi đã từng bị quân đội Mỹ rải chất độc hóa học vẫn chưa được làm sạch hoàn toàn.


Về vụ kiện các công ty sản xuất chất độc da cam/điôxin của Mỹ. Chúng ta, cụ thể là các nạn nhân chất độc da cam/điôxin có thể hy vọng điều gì, thưa GS?


Cuộc chiến đòi công bằng cho các nạn nhân chất độc da cam/điôxin sẽ còn rất lâu dài. Tôi không hy vọng chúng ta sẽ thắng tuyệt đối ở vụ kiện các công ty sản xuất hóa chất Mỹ. Nhưng chúng ta hy vọng từ vụ kiện này sẽ kêu gọi được nhiều hơn nữa những viện trợ nhân đạo cho các nạn nhân da cam/điôxin VN cũng là thành công rồi.


Khi mỗi người dân VN và các tổ chức nước ngoài vào cuộc, chúng ta sẽ có thể cải thiện phần nào đời sống cho những người đang phải gánh chịu thiệt thòi vì chiến tranh…


GS từng nói rằng, những mất mát về tuổi trẻ, về thiên chức phụ nữ vì chiến tranh đã dạy cho GS bài học phải biết chấp nhận số phận. Cả cuộc đời gắn bó với nghề y, rồi sau này đi sâu vào tìm hiểu và đồng hành cùng những nạn nhân chất độc da cam/điôxin, GS có thể chia sẻ những suy nghĩ của mình về nghề, và những trăn trở về cuộc sống?


Cả cuộc đời gắn bó với nghề y, tôi cảm thấy hạnh phúc vì mình vẫn còn giúp đỡ được nhiều người. So với nhiều nạn nhân chất độc da cam/điôxin khác, tôi vẫn là người may mắn và hạnh phúc vì còn có một người con trai lành lặn, bây giờ nối nghiệp cha mẹ (con trai GS Phan Thị Phi Phi hiện là Chủ nhiệm Khoa thận- lọc máu, BV Việt Đức, Hà Nội- PV).


Tôi thường nói với con rằng, một thầy thuốc giỏi nhất cũng không phải là thần thánh. Làm sao chúng ta vừa phải kết hợp việc khám, chữa bệnh cho người, vừa có thể giải quyết được những lo âu về mặt tinh thần cho người bệnh mới là điều quan trọng.


Nghĩa là, con người chúng ta vừa nỗ lực vượt qua bệnh tật, số phận nhưng đồng thời lại phải biết chấp nhận số phận. Với những người không may mắn mắc phải những căn bệnh hiểm nghèo mà y học không thể giúp họ được, tôi luôn an ủi họ và cố gắng làm thế nào đó để học chấp nhận nỗi đau đớn của mình, vượt qua nó bằng một niềm tin tinh thần. Tôi nghĩ, tất cả chúng ta không ai có thể chống lại được quy luật sinh- lão- bệnh- tử… ở đời!


Xin cảm ơn GS!



Linh Anh(thực hiện)