04:16 26/04/2012

Chiến thắng Xuân Lộc : Bốn bài học lớn

Nhân cuộc hội thảo khoa học “Mặt trận hướng Đông- từ chiến dịch Xuân Lộc” tại Đồng Nai, phóng viên TTXVN đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Trần Đình Thành - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai về vai trò, ý nghĩa của chiến thắng này và bài học kinh nghiệm trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc...

Nhân cuộc hội thảo khoa học “Mặt trận hướng Đông- từ chiến dịch Xuân Lộc” vào ngày 24- 25/4 tại Đồng Nai, phóng viên TTXVN đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Trần Đình Thành (ảnh) - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai về vai trò, ý nghĩa của chiến thắng này và bài học kinh nghiệm trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc và xây dựng đất nước hiện nay.

Xin đồng chí cho biết vai trò, ý nghĩa của mặt trận hướng Đông với chiến thắng Xuân Lộc trước chiến dịch Hồ Chí Minh?

Để có được thắng lợi hoàn toàn của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, quân dân ta đã trải qua nhiều chặng đường gian khổ, thực hiện nhiều chiến dịch thắng lợi oanh liệt. Sau chiến thắng đột phá của chiến dịch Tây Nguyên và các trận thắng chẻ tre ở Duyên hải miền Trung, đến thời điểm đầu tháng 4/1975, mặt trận hướng Đông quân dân ta đã mở ngõ đến Phan Rang. Ngụy quân cân nhắc tình thế, quyết định bỏ Phan Rang, rút về co cụm kháng cự ở Xuân Lộc, chọn Xuân Lộc làm cứ điểm sống còn, tập trung lực lượng còn lại mạnh nhất hình thành "cánh cửa thép" Đông Sài Gòn, dùng đến hai tiếng "tử thủ" thể hiện quyết tâm cuối cùng. Nhận định về vai trò, ý nghĩa của Xuân Lộc của địch giống như của ta: Xuân Lộc không còn, Sài Gòn mất. Địch cố giữ, ta quyết đánh, xem đây là trận đánh chiến lược, có ý nghĩa quyết định chiến trường. Chiến dịch Xuân Lộc được mở ra khi khí thế quân dân ta rất cao, quân dân Bà Rịa – Long Khánh đã giải phóng, mở vùng làm chủ áp sát thị xã Long Khánh quyết tâm cao, kỳ vọng cũng rất cao. Đập tan "cánh cửa thép Xuân Lộc" không chỉ làm tan rã hệ thống phòng thủ của địch mà còn làm suy sụp ý chí chiến đấu của cả bộ máy cầm quyền, làm thất bại mọi âm mưu cứu vãn tình thế. Chiến thắng Xuân Lộc sẽ tạo thế và lực cho quân dân ta vững tin đi vào chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đập tan các cứ điểm còn lại, tiến về Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn miền Nam. Thực tế đã chứng minh đúng như vậy.

Xin đồng chí cho biết tổng quát về các mặt thắng lợi của mặt trận hướng Đông qua chiến dịch Xuân Lộc ?

Thắng lợi hoàn toàn cả về chính trị, tư tưởng, quân sự và giải quyết mục tiêu chiến dịch. Thực tế, thắng lợi đạt được chẳng phải dễ dàng. Cuộc chiến đấu đã diễn ra gay go, quyết liệt, có thể chia làm hai giai đoạn. Giai đoạn một: Từ đầu chiến dịch 9/4 đến 12/4, đánh trực diện, đối công hỏa lực, tập trung các mũi nhọn chủ lực vào các ổ đề kháng, giằng co với địch từng địa điểm, đôi bên đều có nhiều tổn thất. Giai đoạn hai: Từ 12/4 đến kết thúc chiến dịch 21/4: Bộ Tư lệnh chiến dịch quyết định thay đổi cách đánh, vừa trực diện bao vây, đánh điểm; vừa chặn đánh diệt viện ở chốt chặn Dầu Giây; vừa dùng pháo tầm xa khống chế nguồn lực chi viện ở đường quốc lộ I Trảng Bom, sân bay Biên Hoà, tổng kho Long Bình; vừa làm tốt công tác binh vận thức tỉnh nhân tâm. Vòng vây Xuân Lộc bị siết chặt, viện binh bất lực, tinh thần suy sụp, cùng đường phải tan rã. Sinh lực địch tự diệt chứ không phải bị hủy diệt. Đại tá Tỉnh trưởng Long Khánh Phạm Văn Phúc tháo chạy, bị bắt sống. Chiến dịch Xuân Lộc kết thúc hội đủ điều kiện, tạo thế và lực mở đầu chiến dịch Hồ Chí Minh với niềm tin vững chắc hướng về thắng lợi cuối cùng, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Thưa đồng chí, thắng lợi của chiến dịch Xuân Lộc được nghiên cứu vận dụng thế nào trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ở địa phương?

Trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay cả nước nói chung, tỉnh Đồng Nai nói riêng đang đứng trước những thời cơ và thách thức mới đan xen. Kẻ địch tiếp tục chiến lược “Diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ bằng những thủ đoạn thâm độc và xảo quyệt hơn. Việc mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế vừa là cơ hội lớn vừa là thách thức lớn đối với sự nghiệp xây dựng quốc phòng - an ninh của địa phương. Tác động của nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa ngày càng sâu sắc cả tích cực và tiêu cực, sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến xây dựng thế trận, xây dựng lực lượng vũ trang… Đặc biệt, Đồng Nai được xác định là tỉnh trọng điểm kinh tế, chính trị, quân sự phía Nam, tập trung nhiều đầu mối giao thông nối liền Nam - Bắc, dân cư đông đúc, hiện có 31 dân tộc, đồng bào theo các tôn giáo chiếm trên 60%, nhiều khu công nghiệp có vốn đầu tư của nước ngoài, luôn chịu tác động sâu sắc bởi bối cảnh chung của trong nước và ngoài nước. Bởi vậy, Đồng Nai luôn là địa bàn trọng điểm và tiềm ẩn những phức tạp về nhiều mặt; các thế lực phản động, thù địch đang ra sức lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền, tôn giáo... xúi giục nhân dân, công nhân khiếu kiện, đình công, lãng công, gây bất ổn về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Trong khi đó, xu hướng giản đơn, coi nhẹ, nóng vội trong tăng cường quốc phòng - an ninh trong điều kiện mới còn khá phổ biến. Những khó khăn về đời sống người lao động, mâu thuẫn quyền lợi, phân hóa giàu nghèo, tệ tham nhũng, quan liêu đang là cản trở lớn đến việc xây dựng và hoàn chỉnh thế trận quốc phòng của tỉnh. Điều đó đòi hỏi Đảng bộ, nhân dân và lực lượng vũ trang tỉnh phải đề cao cảnh giác cách mạng, thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng - quân sự, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng khu vực phòng thủ, kết hợp chặt chẽ quốc phòng với an ninh, giữ vững ổn định chính trị tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong những năm qua, Đồng Nai đã thực hiện khá tốt việc phát triển kinh tế - xã hội gắn với quốc phòng - an ninh (từ năm 2000 đến nay có trên 900 dự án kinh tế - xã hội được góp ý kiến về mặt quốc phòng) đã khắc phục được sự phiến diện trong quy hoạch chung của tỉnh. Song vẫn còn một số hạn chế cần khắc phục, điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện phát triển mới của địa phương, cần có sự phối hợp chặt chẽ của các ngành, các cấp trong xây dựng và hoạt động khu vực phòng thủ.

Theo đồng chí, những bài học nào đã được đúc kết và vận dụng thành công ở địa phương trong thời gian qua?

37 năm đã qua, sự kiện lịch sử lùi xa nhưng bài học và giá trị lịch sử còn đọng lại. Theo tôi, có 4 bài học từ mặt trận hướng Đông với chiến thắng Xuân Lộc đã và đang được Đảng bộ Đồng Nai đúc kết, vận dụng ở địa phương:

- Thứ nhất, bài học về việc dự báo, đánh giá, xác định mục tiêu chiến lược, mục tiêu cụ thể, xây dựng kế hoạch hành động, hạ quyết tâm chính trị, huy động lực lượng, chọn giải pháp và đảm bảo điều kiện thực hiện bằng được kế hoạch. Bài học này thể hiện tầm tư tưởng, trí tuệ và bản lĩnh chính trị của Đảng bộ. Đây cũng là phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ đảm bảo thành công trước mọi nhiệm vụ.

- Thứ hai, bài học về xây dựng lực lượng, huy động mọi nguồn lực hình thành sức mạnh tổng hợp để hoàn thành nhiệm vụ. Sức mạnh tạo thắng lợi ở mặt trận hướng Đông là sức mạnh tổng hợp hình thành từ nhiều lực lượng (chủ lực, địa phương, du kích và cơ sở), kết hợp nhiều nhân tố (công tác tư tưởng, chính trị, quân sự, binh vận) phối hợp đồng bộ trên nhiều địa bàn (tỉnh, huyện, xã)... Bài học này đã được vận dụng hiệu quả trong công tác xây dựng Đảng gắn với công tác xây dựng lực lượng vũ trang và xây dựng khối đoàn kết toàn dân, hình thành sức mạnh tổng họp ở địa phương.

- Thứ ba, bài học về xây dựng khu vực phòng thủ. Địch phòng thủ ở Xuân Lộc vì mục tiêu phi nghĩa, trong thế bị động, quá ỷ lại vào khí tài, không thuận lòng dân, nên thảm bại là tất yếu. Trong thời bình, ở Đồng Nai, không vì quá say sưa với phát triển kinh tế, xã hội mà quên việc xây dựng khu vực phòng thủ để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng. Khu vực phòng thủ ở Đồng Nai được thực hiện bằng tầm nhìn xa, chủ động, gắn chặt với mục tiêu phát triển bền vững, với kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội và chính sách an dân trong thế trận lòng dân. Qua nhiều lần diễn tập thực hiện nhiệm vụ quốc phòng cấp tỉnh và huyện ở Đồng Nai, bài học xây dựng khu vực phòng thủ địa phương đã được vận dụng đạt kết quả cao.

- Thứ tư, bài học về sự chủ động, linh hoạt, chọn lựa cách thức, phương pháp thực hiện nhiệm vụ. Nhiệm vụ, mục tiêu được xác định thường là cái "bất biến". Khi thực hiện, phải bám sát thực tế, cần có sự linh hoạt, chủ động, có bản lĩnh chọn lựa hoặc thay đổi cách thức, thực hiện để đạt mục tiêu, hoàn thành nhiệm vụ tốt nhất, hiệu quả nhất, tức là biết "ứng vạn biến" để đạt "cái bất biến". Bài học này thể hiện năng lực lãnh đạo và bản lĩnh thực hành của Đảng bộ Đồng Nai, đã tạo ra nhiều kết quả năng động, sáng tạo, đổi mới vì mục tiêu chung của đất nước.

Xin cảm ơn đồng chí!

Lê Hiền (thực hiện)