06:11 02/06/2012

Chiến lược quân sự của Mỹ tại châu Á-TBD

Những năm tới, Mỹ sẽ tái bố trí hạm đội hải quân với mục tiêu đến năm 2020, có 60% số tàu chiến Mỹ hoạt động tại châu Á-Thái Bình Dương. Ngoài ra, 6 trong số 11 tàu sân bay của Mỹ sẽ tiếp tục duy trì hoạt động tại khu vực này...

Những năm tới, Mỹ sẽ tái bố trí hạm đội hải quân với mục tiêu đến năm 2020, có 60% số tàu chiến Mỹ hoạt động tại châu Á-Thái Bình Dương. Ngoài ra, 6 trong số 11 tàu sân bay của Mỹ sẽ tiếp tục duy trì hoạt động tại khu vực này...

 

Trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao An ninh châu Á (còn gọi là Đối thoại quốc phòng Shangri-La) lần thứ 11 tại Xinhgapo, ngày 2/6, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta đã lần đầu tiên công bố chi tiết chiến lược quân sự của quốc gia này tại châu Á-Thái Bình Dương.

 

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta (trái) trò chuyện với người đồng cấp Australia Stephen Smith tại Đối thoại Shangri-La 11 ở Xinhgapo. Nguồn: Internet.

 

Ông Panetta cho biết trong vòng vài năm tới, Mỹ sẽ tái bố trí hạm đội hải quân với mục tiêu đến năm 2020, có 60% tàu chiến Mỹ hoạt động tại châu Á-Thái Bình Dương. Ngoài ra, sáu trong số 11 tàu sân bay của Mỹ sẽ tiếp tục duy trì hoạt động tại khu vực này. Hải quân Mỹ hiện có một hạm đội với 282 tàu, trong đó có cả tàu hộ tống. Theo một dự án đóng tàu được công bố hồi tháng Ba, hạm đội sẽ được phát triển lên tổng cộng 300 tàu sau khi dự án kéo dài 30 năm này hoàn tất.

 

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cũng khẳng định lại một loạt các cam kết quân sự tại châu Á-Thái Bình Dương, gồm các hiệp ước với các đồng minh Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Philíppin, Ôxtrâylia và các đối tác Ấn Độ, Xinhgapo, Inđônêxia cùng nhiều nước khác. Ông cho biết Mỹ sẽ nỗ lực xây dựng quan hệ quân sự khu vực thông qua những hoạt động hợp tác tương tự như thỏa thuận luân chuyển bố trí quân mà Mỹ đã đạt được với Ôxtrâylia và đang tiến hành với Philíppin. Ngoài ra, Oasinhtơn còn tăng số lượng cũng như quy mô các cuộc tập trận quân sự song phương và đa phương tại khu vực. Theo các số liệu thống kê, năm 2011, Mỹ đã tiến hành 172 cuộc tập trận với 24 quốc gia tại châu Á-Thái Bình Dương. Bên cạnh đó, nhằm làm giảm quan ngại về việc Oasinhtơn có thể không kham nổi các cam kết quân sự trong khu vực do nước này đang phải cắt giảm ngân sách quốc phòng, ông Panétta tuyên bố Bộ Quốc phòng Mỹ đã lên kế hoạch ngân sách 5 năm để thực hiện chiến lược quân sự tại châu Á-Thái Bình Dương, thực hiện đầy đù các trách nhiệm tài chính và những mục tiêu dài hạn được đề ra trong chiến lược này.

 

Phát biểu tại Shangri-La 11, ông Panetta bác bỏ những nhận định cho rằng việc chuyển hướng trọng tâm quân sự sang châu Á-Thái Bình Dương là một phần trong kế hoạch của Oasinhtơn nhằm kiềm chế vai trò của Trung Quốc tại khu vực. Ông tuyên bố việc Mỹ tăng cường sự hiện diện quân sự tại châu Á-Thái Bình Dương sẽ cải thiện an ninh khu vực và điều này đem lại lợi ích cho Trung Quốc. Ông cam kết Mỹ sẽ xây dựng quan hệ hợp tác quân sự ổn định, đáng tin cậy, lành mạnh và lâu dài với Trung Quốc. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của Bắc Kinh trong việc duy trì an ninh, ổn định khu vực. Ông Panetta kêu gọi Bắc Kinh ủng hộ hệ thống công ước quy định chủ quyền ở khu vực và giải quyết các tranh chấp khu vực một cách hòa bình.

 

Mỹ là một trong những quốc gia có phái đoàn hùng hậu nhất tại Đối thoại quốc phòng Shangri-La 11, trong đó có sự xuất hiện ba quan chức quân sự hàng đầu gồm Bộ trưởng Quốc phòng Panetta, Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Martin Dempsey và Tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương Samuel Locklear.

 

Theo kế hoạch, sau hội nghị, Bộ trưởng Quốc phòng Panetta sẽ thực hiện chuyến công du bảy ngày đến các quốc gia châu Á, trong đó có Việt Nam và Ấn Độ, nhằm làm rõ với các đồng minh và đối tác trong khu vực về chiến lược quân sự được công bố hồi tháng Một về việc tái lập sức mạnh quân sự của Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương.

 

 

TTXVN/Tin tức