11:22 28/11/2011

Chiến lược marketing trong thời khủng hoảng

Trong nhận thức của một số doanh nghiệp (DN) Việt Nam, chi phí cho hoạt động marketing (tiếp thị) là những chi phí gắn với doanh số bán được nên khi doanh số bán hàng giảm trong thời kỳ khủng hoảng thì những chi phí này cũng phải giảm.

Trong nhận thức của một số doanh nghiệp (DN) Việt Nam, chi phí cho hoạt động marketing (tiếp thị) là những chi phí gắn với doanh số bán được nên khi doanh số bán hàng giảm trong thời kỳ khủng hoảng thì những chi phí này cũng phải giảm. Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, trong giai đoạn kinh tế suy thoái như hiện nay, DN nào có chiến lược marketing hiệu quả, phù hợp sẽ có cơ hội vượt lên trước đối thủ trong việc thu hút khách hàng

Tiếp thị để thu hút khách hàng, duy trì tăng trưởng

Chuyên gia marketing Philip Kotler, cho rằng, trong giai đoạn khó khăn các công ty nên chi nhiều tiền hơn cho hoạt động tiếp thị. Khủng hoảng kinh tế gây nên sự hỗn loạn, nhưng nó cũng mang đến nhiều cơ hội. Chẳng hạn, sự chú ý của người tiêu dùng sẽ chuyển từ những mặt hàng đắt tiền sang những mặt hàng có giá thấp.

“Rất nhiều thương hiệu hàng đầu thế giới hiện nay đã ra đời từ trong khủng hoảng và thành công nhanh chóng bởi họ biết tận dụng bối cảnh kinh tế khó khăn để giành những ưu thế đáng kể trên thị trường. Một số thương hiệu tăng cường hoạt động trong thời kỳ suy thoái, khi các đối thủ đang cắt giảm hoạt động marketing, đã giúp họ tăng thị phần”, chuyên gia marketing Philip Kotler minh chứng.

Nhiều chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, thay vì cắt giảm kinh phí cho hoạt động marketing, hãy khôn ngoan và linh hoạt trong việc chi tiêu cho marketing để khi nền kinh tế khởi sắc trở lại, DN sẽ có nhiều cơ hội vượt lên.

Tìm chiến lược tiếp thị phù hợp

Do chịu tác động tiêu cực của khủng hoảng kinh tế, nhiều doanh nghiệp Việt Nam hiện gặp nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh do chi phí đầu vào cho sản xuất tăng cao, tiếp cận nguồn vốn khó khăn trong khi sức tiêu thụ hàng hóa lại giảm, hàng tồn kho nhiều. Những khó khăn trên buộc nhiều DN phải nhìn nhận lại chính sách sản xuất, kinh doanh...

Theo các chuyên gia kinh tế, trong bối cảnh thị trường XK gặp khó khăn hiện nay, một cách hiệu quả là DN nên chú trọng khai thác thị trường nội địa nhiều tiềm năng với quy mô dân số lớn, mức tiêu thụ hàng hóa tăng nhanh. Thực tế, nhiều DN đã thành công nhờ có chiến lược marketing, kinh doanh hợp lý ở thị trường nội địa.

Với Tân Hiệp Phát, một DN hàng đầu Việt Nam về nước giải khát, để chinh phục thị trường nội địa không phải chỉ cần có kênh phân phối tốt là đủ mà phải hội tụ của nhiều yếu tố: Sản phẩm tốt, giá cả phù hợp, có sự khác biệt trong chiến lược marketing và khác biệt trong dòng sản phẩm của chính mình. Theo lãnh đạo Tân Hiệp Phát, do ảnh hưởng suy thoái kinh tế, việc người tiêu dùng hạn chế chi tiêu và lựa chọn sản phẩm theo giá thành là không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, Tân Hiệp Phát vẫn phải quan tâm nhiều hơn chiến lược riêng về giá sản phẩm, các chính sách chăm sóc khách hàng... Đặc biệt, các hoạt động bán hàng ở thị trường trong nước vẫn được đẩy mạnh. Các chính sách kích cầu ở thị trường nội địa của Tân Hiệp Phát được tung ra trong bối cảnh cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Bộ Chính trị phát động được nỗ lực thực hiện đã giúp DN vượt qua khó khăn của giai đoạn kinh tế khủng hoảng.

Nhờ chiến lược tiếp thị đúng đắn và hiệu quả, Tân Hiệp Phát đã xây dựng thương hiệu DN hàng đầu trong ngành giải khát trong việc cung cấp cho thị trường các sản phẩm đồ uống có nguồn gốc từ thiên nhiên, có lợi cho sức khỏe.

Minh Khuê