09:22 18/09/2012

Chiến dịch vơ vét các kho báu nghệ thuật của Đức quốc xã - Kỳ 3: Bộ sưu tập của Hitler

Nhận ra số phận tương tự đang chờ đón, các nước châu Âu đã chuẩn bị cho kịch bản tồi tệ nhất. Hàng ngàn bảo tàng, phòng trưng bày nghệ thuật, các nhà buôn, các chủ bộ sưu tập cá nhân, các nhà thờ, thánh đường đã tập trung những tác phẩm quý giá nhất để đem cất giấu.

Nhận ra số phận tương tự đang chờ đón, các nước châu Âu đã chuẩn bị cho kịch bản tồi tệ nhất. Hàng ngàn bảo tàng, phòng trưng bày nghệ thuật, các nhà buôn, các chủ bộ sưu tập cá nhân, các nhà thờ, thánh đường đã tập trung những tác phẩm quý giá nhất để đem cất giấu.

Chiến dịch vơ vét diễn ra ở khắp các quốc gia bị phát xít Đức chiếm đóng.

 Trong chiến dịch sơ tán này, vô số các tác phẩm nghệ thuật đã được phân tán khắp châu Âu và thế giới. Hầu hết các tác phẩm nghệ thuật ở Pháp, bao gồm bức “Mona Lisa” của Leonardo da Vinci, bức tượng Venus de Milo của Michelangelo, đã được rải ra khắp vùng tây và nam nước này. Anh cũng sơ tán đa số các kho báu nghệ thuật tới những mỏ đá ở xứ Wales cũng như một loạt viện bảo tàng ở Mỹ và Canađa. Tại Hà Lan, nhiều viện bảo tàng đã chuyển những báu vật quý giá nhất xuống tàu để đưa lên miền bắc hoặc xuống các hầm ngầm trên khắp đất nước. Mỗi quốc gia đều có những nơi cất giấu bí mật cho những kho báu nghệ thuật của mình, nhưng đa số những nơi cất giấu không giữ bí mật được lâu.


Sau khi Đức xâm chiếm Áo, Ba Lan không còn nhiều thời gian để chuẩn bị đối phó. Tháng 9/1939, Đức tuyên chiến với Vácsava. Khi những đội quân phát xít đầu tiên đặt chân tới Ba Lan, chiến dịch phá hủy đã được bắt đầu ngay lập tức. Một lực lượng lớn quân đội phát xít được huy động cho chiến dịch kiểm soát người Do Thái và những người đối lập, phá hủy các tượng đài, công trình kiến trúc, nghệ thuật, và bất cứ ai hay bất cứ thứ gì bị coi là “hạ cấp”.

Adolf Hitler và Hermann Göering xem một bức tranh bị quân đội tịch thu.

Các chiến dịch vơ vét được lên kế hoạch và thực hiện bởi nhiều tổ chức khác nhau của Đức quốc xã, như Einsatzstab Reichsleiter Rosenberg (“Lực lượng đặc nhiệm” ERR), do “nhà tư tưởng” hàng đầu của Hilter là Alfred Rosenberg chỉ huy, hoặc Sounderauftrag, Kunstschutz hay Ahnenerbe. Các tổ chức nhỏ hơn của quân đội thì chủ yếu tập trung vào những tác phẩm nghệ thuật và tài sản cá nhân có giá trị gây tranh cãi. Chỉ riêng tại Vácsava, tổng cộng 13.512 bức họa và 1.379 tác phẩm điêu khắc đã bị sung công, cùng với hàng chục ngàn tác phẩm nghệ thuật khác. Nhiều tác phẩm đã bị cướp, mất tích hoặc phá hủy, trong đó có cả bức họa nổi tiếng “Chân dung một thanh niên” (A Portrait of a Young Man) của Raphael, những cuốn sách vô giá và nhiều bản thảo quý hiếm đã bị biến thành tro khi Đức quốc xã đốt Thư viện Krasinski ở Vácsava…


Các cuộc vơ vét hàng loạt không chỉ diễn ra tại Áo và Ba Lan mà ở tất cả các nước châu Âu bị Đức quốc xã chiếm đóng khác như Hà Lan, Lúcxămbua, Bỉ, Pháp và Italia. Nhiều tác phẩm nghệ thuật đã không bao giờ được tìm thấy nữa.


Sẵn máu nghệ thuật, Hitler đương nhiên không thể đứng ngoài cuộc chiếm hữu này. Ngay từ năm 1938, chủ một phòng trưng bày ở Dresden là Hans Posse đã được hắn giao trọng trách lên danh sách các tuyệt tác cần phải đánh cắp từ các viện bảo tàng châu Âu và các lâu đài của Hoàng tộc Anh quốc. Năm 1939, người đứng đầu đảng Quốc xã thành lập một lực lượng chuyên trách cho “Sonderauftrag Linz” (Dự án đặc biệt Linz) có nhiệm vụ thu gom các tác phẩm đưa về quê hương Hitler ở Linz (Áo) để thực hiện mơ ước thành lập một viện bảo tàng nghệ thuật. Đơn vị này hoạt động tới tận năm 1945 khi Thế chiến thứ II kết thúc.


“Linzersammlung” (Bộ sưu tập Linz) là một bộ sưu tập khổng lồ. Trong vòng 5 năm, kho tàng nghệ thuật vơ vét được của Hitler đã lên tới con số gần 8.000 bức tranh, trong đó có những tác phẩm nổi tiếng nhất của các danh họa Leonardo da Vinci, Raphael, Bruegel và Rembrandt… Để tránh những vụ không kích của quân Đồng minh, bộ sưu tập “nghệ thuật đích thực” của Hitler đã được giấu trong mỏ muối gần Salzburg, miền bắc Áo, và chỉ được phát hiện ra sau khi chiến tranh kết thúc.


Người duy nhất còn lại sở hữu một bộ sưu tập nghệ thuật tư nhân lớn như vậy là Bộ trưởng Nội vụ Hermann Göering. Xuất thân từ một gia đình giàu có và rất hiểu biết về nghệ thuật, hắn đặc biệt yêu thích hội họa, nhất là những bức tranh phụ nữ khỏa thân, và đã bắt đầu sưu tập tranh từ những năm 1920. Thế chiến thứ II nổ ra, Göering có cơ hội tiếp xúc với vô số tác phẩm của những nghệ sĩ vĩ đại nhất châu Âu. Hắn đã tìm cách sở hữu hàng ngàn tác phẩm bị Đức quốc xã tịch thu từ các viện bảo tàng, nhà buôn và các bộ sưu tập cá nhân.

 

Hầu hết bộ sưu tập của nhân vật quyền lực số 2 sau Hitler được cất giữ tại lâu đài Carinhall ở phía nam Berlin.


Chiến dịch vơ vét của Göering được tổ chức cực kỳ chuyên nghiệp, với hàng loạt mật thám chuyên dò la và tìm cách mua bằng được những tác phẩm mà hắn yêu thích trên khắp châu Âu. Göering cũng rất quan tâm tới hoạt động buôn bán các tác phẩm nghệ thuật. Hắn tiếp nhận hoặc mua những hiện vật bị sung công, rồi bán lại với giá cao hơn rất nhiều. Từ năm 1939 đến 1945, Göering đã sưu tập được gần 2.000 tác phẩm. Chính chiến dịch vơ vét, khai thác của hắn đã châm ngòi cho một cuộc bùng nổ của thị trường nghệ thuật châu Âu trong vài năm trước khi chiến tranh kết thúc.


Bạch Đàn

 

Đón đọc kỳ 4: Thị trường “bùng nổ”