04:23 21/04/2011

Chiến dịch săn lùng tên lửa Scud ở Irắc- Kỳ 1: Mối đe dọa mang tên Scud

Trong cuộc chiến tranh Iran - Irắc giai đoạn 1980 - 1988, Tổng thống Irắc Saddam Hussein đã ra lệnh bắn gần 350 tên lửa đạn đạo Scud vào lãnh thổ Iran. Bên cạnh đó, Irắc còn nghiên cứu chế tạo những loại tên lửa có sức công phá lớn.

Trong cuộc chiến tranh Iran - Irắc giai đoạn 1980 - 1988, Tổng thống Irắc Saddam Hussein đã ra lệnh bắn gần 350 tên lửa đạn đạo Scud vào lãnh thổ Iran. Bên cạnh đó, Irắc còn nghiên cứu chế tạo những loại tên lửa có sức công phá lớn. Do đó, một chiến dịch săn lùng tên lửa của Irắc đã trở thành ưu tiên hàng đầu của liên quân trong cuộc chiến tranh này.

Kỳ 1: Mối đe dọa mang tên Scud

Trong những cuộc tấn công Iran, Irắc sử dụng phần lớn các tên lửa R-17 trong tổng số 650 quả tên lửa mua của Liên Xô. Theo thiết kế ban đầu, tên lửa R-17 có tầm bắn tối đa 300 km và có khả năng mang theo một đầu đạn thông thường có trọng lượng 908 kg hoặc một đầu đạn hạt nhân có sức công phá lên đến 100 kilôtôn. Nhưng Bátđa vẫn chưa bằng lòng và đã ra lệnh cho các kỹ sư Irắc phát triển loại tên lửa có khả năng vươn sâu vào lãnh thổ Iran. Để thực hiện nhiệm vụ này, các kỹ sư đã tận dụng những bộ phận tháo ra từ những quả tên lửa R-17 và chế tạo ra 3 quả tên lửa có tầm bắn xa chưa từng có: Một quả tên lửa tầm xa (không được đặt tên), một quả được đặt tên là al-Hussein (tầm bắn từ 600 - 650 km) và quả còn lại được đặt tên là al-Abbas (tầm bắn từ 750 - 900 km). Cải tiến ở những quả tên lửa này chủ yếu là giảm trọng lượng đầu đạn và tăng lượng nhiên liệu phóng.

Tên lửa Scud trên bệ phóng di động.

Những cải tiến liên tục sau này của Irắc càng có tác dụng nâng tầm bắn và tăng chính xác cho những loại tên lửa này. Tên lửa Scud của Irắc được đánh giá là loại vũ khí reo rắc sự kinh hoàng cho đối phương.

Irắc cũng tìm cách mua 36 phương tiện phóng di động, dựa trên khung gầm của loại xe MAZ543 bánh lốp, được sản xuất từ năm 1965 cho quân đội Liên Xô. Các bệ phóng di động này (TEL) theo thiết kế có phạm vi hoạt động trên đường là 550 km, vận tốc tối đa là 70 km/giờ, được trang bị một hệ thống lọc không khí phòng trường hợp xảy ra chiến tranh sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Những khẩu đội tên lửa Patriot của Mỹ được triển khai ở Ten Avíp.

Ngày 18/1/1991, 7 quả tên lửa Scud đã rơi xuống các thành phố Haifa và Ten Avíp của Ixraen, phá hủy 1.587 căn nhà và làm gần 50 người bị thương. Những vụ tấn công tương tự tiếp tục tái diễn trong vài ngày sau đó. Ngay lập tức, Ixraen cho triển khai các máy bay sẵn sàng tấn công các mục tiêu của Irắc. Ten Avíp đã phóng một quả tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân vào khu vực biển Địa Trung hải để chứng minh cho Irắc thấy đây là một trong những loại vũ khí có thể được Ixraen sử dụng nếu các vụ tấn công bằng tên lửa Scud của Irắc tiếp tục diễn ra. Mục đích của Bátđa trong những vụ tấn công bằng tên lửa Scud này là chia rẽ liên quân thông qua việc dụ cho Ixraen tấn công và trở thành một bên tham chiến tích cực. Trong trường hợp các nước Arập đứng về phía Irắc, có nguy cơ nổ ra một cuộc chiến tranh tổng lực ở Trung Đông. Bởi vậy, việc phá hủy các tên lửa Scud của Irắc trở thành ưu tiên hàng đầu của liên quân.

Nhiệm vụ đầu tiêu trong chiến dịch tiêu diệt tên lửa của Irắc là xác định vị trí và phá hủy các bãi phóng tên lửa cố định. Đến tháng 8/1990, Bộ Quốc phòng Mỹ đã xác định được 5 bãi phóng như vậy với tổng số 28 bệ phóng tên lửa. Các máy bay trinh sát TR-1 / U-2R, máy bay do thám E-8 JSTARS và công nghệ chụp ảnh vệ tinh cảnh báo sớm DSP đã nhanh chóng phát hiện ra các bãi phóng cố định này. Tuy nhiên, các công cụ này lại tỏ ra không hiệu quả trong việc theo dõi các bệ phóng tên lửa Scud di động. Do đó, Mỹ đã đưa ra một quyết định táo bạo: Cử một lực lượng tác chiến đặc biệt săn lùng các tên lửa Scud được triển khai trên mặt đất. Biệt đội tác chiến đặc biệt của Lục quân Mỹ - Delta (SFOD-D), thường được gọi là Lực lượng Delta - và Lực lượng tác chiến đặc biệt của Không quân Anh (SAS) được lựa chọn để thực thi nhiệm vụ này.

Một chung cư ở Haifa (Ixraen) bị trúng tên lửa Scud).

Trung tướng Peter de la Billiere của Anh đã thuyết phục được Đại tướng Norman Schwarzkopf của Mỹ, một người vẫn còn hoài nghi về khả năng sử dụng các lực lượng tác chiến đặc biệt, rằng các đơn vị SAS có thể được đưa vào phía sau chiến tuyến của đối phương để tiến hành hiệu quả các nhiệm vụ quấy phá và lật đổ. Vì thế, hai nhóm “thọc sâu” đã được triển khai và bắt đầu hoạt động từ ngày 20/1/1991. Tuy nhiên, chỉ 3 ngày sau, sứ mệnh của hai nhóm này đã thay đổi, thành tập trung săn lùng các tên lửa Scud ở phía tây Irắc. Lực lượng Anh được giao phụ trách một phạm vi rộng lớn gần sân bay H-2, từ nam Quốc lộ 10 đến biên giới Arập Xêút, còn được biết đến với cái tên “Thung lũng Scud”.

Một đơn vị thuộc Lực lượng Delta đã đến Arập Xêút vào đầu tháng 2/1991 như là một phần của Lực lượng tác chiến liên hợp đặc biệt (JSOTF). Sau khi hoạch định kế hoạch tác chiến, các nhóm đã xâm nhập vào phía tây Irắc bằng nhiều cách, thông thường họ được đưa vào bằng các máy bay MH-60 Black Hawks và MH-47E Chinooks của Trung đoàn tác chiến đặc biệt đường không số 160 (SOAR) đóng căn cứ ở Ft. Campbell, bang Kentucky (Mỹ). Các máy bay vũ trang hạng nặng của đơn vị này cũng tiến hành các hoạt động độc lập, gián tiếp nhằm vào các trạm rađa cũng như các mục tiêu khác của Irắc. Lực lượng của Mỹ được giao nhiệm vụ săn lùng tên lửa ở khu vực tây bắc Quốc lộ 10 gần với Al Qaim, thường được gọi là “Đại lộ Scud”.

Khánh Chi (tổng hợp)

Đón đọc kỳ cuối: Scud – Mục tiêu tìm diệt