04:23 22/04/2011

Chiến dịch săn lùng tên lửa Scud ở Irắc - Kỳ cuối: Scud - Mục tiêu tìm diệt

Nhiệm vụ chính của SAS và Delta là xác định các mục tiêu cần phá hủy bằng máy bay chiến đấu của liên quân do Mỹ cầm đầu. Hầu hết các nhóm đều tiến hành di chuyển vào ban đêm, còn ban ngày thì tìm chỗ ẩn nấp.

Nhiệm vụ chính của SAS và Delta là xác định các mục tiêu cần phá hủy bằng máy bay chiến đấu của liên quân do Mỹ cầm đầu. Hầu hết các nhóm đều tiến hành di chuyển vào ban đêm, còn ban ngày thì tìm chỗ ẩn nấp. Để quan sát trong đêm nhằm phát hiện các mục tiêu được ngụy trang, các nhóm lưu động mang theo các thiết bị phát hiện mục tiêu bằng tia lade (LTD).


 

Lực lượng Delta săn lùng tên lửa Scud.

Với những mục tiêu này, các máy bay chiến đấu có thể sử dụng loại bom hay tên lửa điều khiển bằng lade. Với những mục tiêu khác có thể phát hiện được vào ban ngày bằng mắt thường chỉ cần các máy bay chiến đấu được trang bị các loại vũ khí thông thường. Các nhóm săn lùng thường gửi thông tin về quá trình di chuyển của các phương tiện mang tên lửa của đối phương; tuy nhiên khi thông tin tình báo này đến được bộ phận tác chiến thì các bệ phóng di động đã rời sang một vị trí khác.

Ngoài nhiệm vụ phát hiện mục tiêu, Delta cũng trực tiếp tiến hành các hoạt động phá hoại tên lửa Scud. Chẳng hạn như sử dụng súng bắn tỉa 0,5 ly tầm xa để vô hiệu hóa và phá hủy các tên lửa mới được trang bị và cả những tên lửa đã được lắp trên các TEL. Đơn vị này còn thực hiện các vụ tấn công các đơn vị tên lửa Scud và dùng tên lửa chống tăng AT4 để tiêu diệt các mục tiêu lớn hơn. Delta và SAS thích nghi với điều kiện khó khăn của địa hình bằng cách sử dụng một cách hiệu quả các loại phương tiện hạng nhẹ trong quá trình hoạt động. Delta sử dụng xe tấn công nhanh (FAV) trong khi đó SAS sử dụng hai phiên bản, loại xe tấn công hạng nhẹ (LSV) và một phiên bản mới của loại xe Land Rover “Báo hồng”. Cả hai loại xe này được thiết kế để chuyên chở nặng, bao gồm hai hoặc ba người lính được trang bị đầy đủ, thực phẩm, nước uống, đạn dược, nhiên liệu dự trữ và nhiều loại vũ khí khác (đến sáu tên lửa chống tăng Milan hoặc TOW, và một súng phóng lựu cỡ nòng 40 ly, một khẩu pháo cỡ nòng 30 ly hoặc một súng máy cỡ nòng 0,5 ly).

Trực thăng MH-53J Pave Lows đưa SAS xâm nhập vào Irắc

Tuy nhiên, không lâu sau người ta phát hiện ra một điểm yếu trong các chiến dịch săn lùng tên lửa Scud. Khi phát hiện ra một mục tiêu, người lính phải truyền thông tin này qua tần số khẩn cấp. Khoảng thời gian để đưa ra các biện pháp đối phó trung bình lên đến 60 phút, trong thời gian đó một số mục tiêu có thể đã trốn thoát an toàn. Hệ thống C3I vốn rất hiệu quả trong việc hoạch định trước các cuộc không kích thông thường thì nay lại không thể đáp ứng được công việc tích hợp các tin tức gửi về. Để tiến hành liên lạc giữa các nhóm trên bộ và các đơn vị không quân, SAS đã yêu cầu và được chấp thuận cử các sĩ quan liên lạc đến Trung tâm điều khiển bay (TACC) ở thủ đô Riát (Arập Xêút). Kết quả là binh sĩ các bộ phận này có thể liên lạc trực tiếp với nhau. Việc liên lạc càng thuận lợi hơn khi liên quân triển khai liên tục các máy bay tấn công trên không, sẵn sàng phản ứng ngay lập tức khi phát hiện được mục tiêu.

Tiến hành chiến dịch này, liên quân cũng phải gánh chịu không ít tổn thất. Ngày 21/2/1991, 4 phi công và thành viên phi hành đoàn thuộc SOAR số 160 và 3 nhân viên điều khiển của Delta đã thiệt mạng khi một máy bay trực thăng MH60 đâm xuống một đụn cát trong điều kiện tầm nhìn bằng không ở gần phi trường Arar. Ngoài ra, 8 thành viên trong một nhóm SAS đã bị thương trong một cuộc trinh sát, 4 người đã bị thiệt mạng khi tìm cách rút lui trước sự tấn công của các lực lượng tuần tra Irắc… Đó là chưa kể những thương vong do thời tiết lạnh bất thường về ban đêm gây ra cho binh sĩ liên quân.
Đổi lại, liên quân đã phát hiện 62 quả tên lửa al-Hussein hoàn chỉnh, 6 xe MAZ-543, cùng những bộ phận của 88 quả tên lửa và 9 TEL khác. Ngoài ra, 14 trong tổng số 28 trận địa tên lửa của Irắc đã bị liên quân phá hủy. Liên quân cũng tìm được một số bằng chứng về việc Irắc đã che giấu các nhóm thanh sát viên của Liên hợp quốc một số tên lửa khác.

Khánh Chi (tổng hợp)