12:10 27/12/2012

Chiến dịch 12 ngày đêm sẽ còn lưu truyền mãi

Tháng mười hai 40 năm trước, Thủ đô Hà Nội bị đế quốc Mỹ dùng “pháo đài bay” B52 ném bom rải thảm...Những người góp phần làm nên huyền thoại một thời, nay đã được khắc ghi. Và ký ức về 12 ngày, đêm khói lửa (từ 18 đến 30/12/1972) vẫn vẹn nguyên trong tâm trí của Trung tướng Phạm Tuân...

Tháng mười hai 40 năm trước, Thủ đô Hà Nội bị đế quốc Mỹ dùng “pháo đài bay” B52 ném bom rải thảm. Trong mưa bom bão đạn, Hà Nội vẫn kiên cường, quả cảm, vượt qua đau thương, đổ nát, anh dũng chiến đấu để đập tan cuộc tập kích chiến lược “Linebacker II", gây chấn động địa cầu.


Những ngày tháng vừa bi thương vừa hào hùng đã lùi xa. Vết tích “mưa bom” B52 đã nằm sâu dưới các tòa nhà cao tầng. Những mảnh đất năm nào nay đã thành địa danh lịch sử. Những người góp phần làm nên huyền thoại một thời, nay đã được khắc ghi. Và ký ức về 12 ngày, đêm khói lửa (từ 18 đến 30/12/1972) vẫn vẹn nguyên trong tâm trí của Trung tướng Phạm Tuân (ảnh), Báo Tin tức Cuối tuần đã có cuộc trò chuyện với người phi công Anh hùng đã bắn cháy pháo đài bay B52 năm 1972.


Thưa Trung tướng, đâu là nguyên nhân thắng lợi của bộ đội Phòng không Không quân (PKKQ) trong chiến dịch 12 ngày đêm trên bầu trời Hà Nội?


Theo tôi, nguyên nhân chiến thắng thì nhiều, nhưng phải khẳng định rằng đó là sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, của sức mạnh tổng hợp, sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế, sự đoàn kết quân và dân…


Nhưng với một người chiến đấu trong quân đội thì tôi thấy có hai vấn đề: Thứ nhất: Đó là việc “nhìn xa trông rộng” của Đảng, của Bác. Những gì Bác nói đều là tiên đoán đúng. Bác nói: “… dù đế quốc Mỹ có lắm súng nhiều tiền, dù chúng có B57, B52 hay “B” gì đi nữa, ta cũng đánh, mà đã đánh là nhất định thắng”. Và Bác đã giao nhiệm vụ đánh B52 cho bộ đội PKKQ. Bác đã khẳng định: Ở Việt Nam thế nào Mỹ cũng thua, nhưng chúng chỉ thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội. Nghĩa là Người đã dự đoán trước rằng thế nào cũng xảy ra chiến tranh và tất cả những cái đó là mệnh lệnh, là kim chỉ nam xuyên suốt mà bộ đội PKKQ là nòng cốt cùng các lực lượng khác chuẩn bị lực lượng để chiến đấu. Chúng ta đánh giá đúng kẻ thù, đánh giá đúng âm mưu thủ đoạn của chúng và đánh giá đúng kỹ chiến thuật của nó để chúng ta chuẩn bị.


Thứ hai, đó là công tác chuẩn bị lực lượng của ta với nhiều quân binh chủng, trong đó có đội ngũ phi công, xây dựng đội ngũ chỉ huy và phi công trên hai nền tảng: Ý chí quyết tâm đánh và quyết đánh thắng, đây chính là bản lĩnh chiến đấu. Chúng ta có ý chí vươn lên chưa đủ mà phải biết đánh địch, mà muốn đánh được địch thì phải biết chúng mạnh cái gì, yếu cái gì, ta mạnh cái gì, còn thiếu cái gì để phát huy và hạn chế cái mạnh của địch. Tôi tâm huyết hai vấn đề đó.


Xác 1 trong 2 chiếc máy bay bị bắn rơi. Ảnh: Văn Bảo - TTXVN

Thưa Trung tướng! Thời điểm đó địch đánh vào sân bay Nội Bài rất ác liệt, đường băng hư hỏng nặng. Vậy tại sao máy bay của ta vẫn hạ cánh được?


Khi F111 của địch đánh phá, dẫn đường cho B52 vào bầu trời Hà Nội, tất cả các phi công của ta luôn sẵn sàng chờ lệnh cất cánh. Khi máy bay này cất cánh, chẳng may gặp trục trặc thì máy bay khác lên thay, đó là mệnh lệnh, là quyết tâm của bộ đội không quân. Đây là ý chí của cấp trên và việc thực hiện là phi công.


Có lần khi tôi nhận lệnh cất cánh trong lúc sân bay đã cháy, khói lửa khắp nơi. Sau khi tôi đã cất cánh thì B52 tiếp tục đánh vào sân bay, đài chỉ huy bị san phẳng. Tôi quay về hạ cánh thì sân bay Gia Lâm không liên lạc được, sân bay Kép cũng vậy, tất cả các sân bay không nơi nào nhận tín hiệu, lúc đó chỉ còn cách là hạ cánh xuống sân bay Nội Bài, trong khi đó sân bay Nội Bài bị đánh ác liệt. Tôi quyết tâm hạ cánh xuống sân bay Nội Bài, xin bật đèn pha đường băng để hạ cánh. Lúc đó, tôi hoàn toàn không biết có hố bom nằm giữa sân bay, cách nơi hạ cánh chỉ 300 m. Vừa tiếp đất, thấy cánh máy bay nghiêng, hai quả tên lửa bay vèo về phía trước, máy bay lật nghiêng, chạy bằng cánh sau ít phút lấy lại thăng bằng tôi điều khiển máy bay quay đầu về hướng hạ cánh.


Ngay từ ngày đầu tiên của chiến dịch, Trung tướng đánh giá mức độ thiệt hại của các sân bay và không quân của ta như thế nào?


Ngay từ những ngày đầu tiên, tất cả các sân bay đều bị đánh phá ác liệt, hầu như đều bị trúng bom nhưng may mà sân bay Nội Bài vẫn còn đường băng 400 m cộng thêm 400 m cỏ nữa là 800 m nên chúng tôi vẫn bay và hạ cánh an toàn.


Về cơ sở vật chất, quân Mỹ không đánh vào nhà xưởng của không quân, mà chủ yếu đánh hỏng đường băng. Sau chiến tranh, các sân bay phải sửa lại hết còn máy bay thì mất khoảng 5-7 chiếc. Lực lượng của chúng ta vẫn được bảo toàn.


Phố Khâm Thiên (Hà Nội), trong trận bom rải thảm đêm 26/12/1972 đã có 278 người thiệt mạng, hàng nghìn ngôi nhà bị phá sập. Ngày nay, bên số lẻ của con phố này không có ba số nhà 47, 49, 51, bởi ba số nhà này với diện tích gần 1.000m2 đã được dành để xây Đài tưởng niệm Khâm Thiên. Ảnh: Trọng Đạt - TTXVN (chụp tháng 12/2012)


So sánh về lực lượng không quân giữa ta và Mỹ lúc đó, Trung tướng có đánh giá gì?


Phải nói thật không quân lúc đó của ta lực lượng nhỏ, phi đội bay đêm của chúng tôi chỉ có hơn 10 phi công, lúc đó máy bay thì ta không thiếu, phần lớn là phi công mới, chủ yếu bay ngày là chính. Trong khi đó sân bay của chúng ta không nhiều, sau này ta làm thêm một vài sân bay nữa mới đủ đáp ứng. Trong khi đó địch có 194 máy bay B52, mỗi một đêm chúng bay 50 lần và 200-300 lượt máy bay hộ tống, nghĩa là chúng gấp mấy lần ta. Nếu so sánh máy bay và vũ khí thì chúng hiện đại hơn mình nhiều.


Sau 40 năm chiến thắng Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không, Trung tướng có suy nghĩ gì?


Nhìn lại chiến thắng này với tư cách là người trong cuộc, tôi tâm huyết về sự lãnh đạo tài tình của Đảng ta. Là một phi công, tôi nhận thấy phải khơi dậy lòng yêu nước trong mỗi con người, để nó thấm vào trái tim, thớ thịt của mình. Nhưng như thế thì chưa hẳn, mà phải biết biến lòng yêu nước đó thành ý chí quyết tâm, sẵn sàng cất cánh trong mọi tình huống để đánh địch. Nếu bắn mà không tiêu diệt được máy bay địch, thì sẵn sàng đâm thẳng vào chúng để tiêu diệt địch.


Ngày nay, thời buổi kinh tế thị trường dù có ảnh hưởng cái này, cái khác nhưng lòng yêu nước vẫn là cội nguồn, ẩn sâu trong tâm hồn mỗi con người chúng ta. Khi đất nước cần, bộ đội ta luôn sẵn sàng, những phi công trẻ cũng sẵn sàng nhận lệnh lên đường chống kẻ thù xâm lược. Trong thời đại hòa bình như ngày nay, chúng ta vẫn tiếp tục trau dồi lý tưởng cách mạng, phát huy những giá trị lịch sử trong thời bình, làm cho truyền thống của quân đội ta không chỉ để cất giữ mà phải “đánh bóng” cho nó sáng thêm lên, có sức mạnh hơn lên để chúng ta xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong điều kiện hiện nay.


Trung tướng có thông điệp gì cho thế hệ phi công trẻ ngày nay?


Ngày nay, đất nước ta đang xây dựng và phát triển gắn liền với nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đây là hai nhiệm vụ gắn chặt với nhau. Xây dựng tốt để có tiềm năng bảo vệ Tổ quốc tốt hơn và bảo vệ Tổ quổc tốt để ta xây dựng đất nước thuận lợi hơn. Hiện nay, tình hình an ninh trong khu vực vẫn còn tiềm ẩn bất ổn nên nhiệm vụ quốc phòng, an ninh của chúng ta vẫn còn rất nặng nề. Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến lực lượng bộ đội PKKQ và hải quân nên đầu tư khá nhiều. Bây giờ máy bay toàn thế hệ mới, tên lửa mới bắn được rất xa chứ không như trước đây. Phi công của chúng ta có điều kiện tập luyện tốt. Với truyền thống của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng, truyền thống của bộ đội PKKQ mà đặc biệt trong chiến dịch 12 ngày đêm sẽ còn lưu truyền mãi và được phổ biến đến mai sau. Chắc chắn rằng đây là cơ sở để đội ngũ phi công hiện nay nhìn nhận, đánh giá đúng lực lượng, sẵn sàng nhận nhiệm vụ.


Tôi biết rằng bộ đội PKKQ luôn có tinh thần sẵn sàng chiến đấu rất cao. Nếu có chiến tranh xảy ra, bộ đội PKKQ luôn sẵn sàng làm nhiệm vụ tốt.


Xin cảm ơn Trung tướng!



Nguyễn Viết Tôn(thực hiện)