02:22 28/02/2011

Chia sẻ khó khăn với lao động từ Libi trở về

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định: Chính phủ đã vào cuộc sớm và hiện nay mọi ưu tiên cao nhất là làm thế nào đưa hết người lao động ở Libi về nước an toàn trong thời gian sớm nhất.

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định: Chính phủ đã vào cuộc sớm và hiện nay mọi ưu tiên cao nhất là làm thế nào đưa hết người lao động ở Libi về nước an toàn trong thời gian sớm nhất. Còn những vấn đề liên quan đến công tác hỗ trợ, sẽ giải quyết sau khi toàn bộ lao động đã về nước an toàn. Việc giải quyết chính sách theo tinh thần không để người lao động nào gặp khó khăn và thiệt thòi.

Quan tâm, hỗ trợ kịp thời

Trong đêm 27/2, đã có thêm 3 chuyến bay chở 90 lao động Việt Nam làm việc tại Libi hạ cánh xuống sân bay quốc tế Nội Bài, nâng tổng số lao động Việt Nam tại Libi về nước lên 920 người. Trong đó, 40 lao động thuộc Công ty Vinaconex Mec, 50 lao động thuộc Công ty Letco. Tính tới ngày hôm qua, theo báo cáo nhanh của Cục Quản lý lao động ngoài nước (QLLĐNN), đã có 985 lao động Việt Nam làm việc tại Libi về nước an toàn. Dự kiến, ngày 1/3, sẽ có thêm 270 lao động Việt Nam về ngày 2/3, sẽ có thêm 900 người từ Libi về nước theo đường hàng không.

Chuyến bay đầu tiên từ Libi đưa lao động Việt Nam an toàn trở về.


Khoảng 1 giờ sáng ngày 1/3, chuyến chuyên cơ đầu tiên sang đưa người lao động Việt Nam về nước về đã lên đường. Chuyến chuyên cơ mang theo 8 tấn lương thực, thực phẩm ăn liền, nhu yếu phẩm để kịp thời cung cấp cho lao động Việt Nam đang gặp khó khăn tại đây.

Chia sẻ thông tin với báo chí về giải pháp hỗ trợ người lao động sau khi về nước, bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Phó trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo để giải quyết việc đưa công dân Việt Nam tại Trung Ðông và Bắc Phi về nước, cho hay: Mục tiêu lớn nhất hiện nay là làm thế nào đưa được lao động về nước an toàn. Còn tất cả những vấn đề khác sẽ giải quyết sau. Trước mắt, mỗi người đã được Quỹ hỗ trợ lao động ngoài nước (Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội) cấp 1 triệu đồng. Những ngày qua, các doanh nghiệp đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài ngày đêm túc trực tại sân bay đón anh em lao động về nước, chăm lo ăn uống, sức khỏe, cấp tiền cho họ làm lộ phí về quê.

Bà Ngân cũng thừa nhận, sau sự việc này, không chỉ người lao động mà cả doanh nghiệp xuất khẩu lao động cũng sẽ gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, hiện nay, những vấn đề đó sẽ có chính sách giải quyết sau khi toàn bộ lao động của ta đã về nước an toàn. Theo Bộ trưởng Ngân, chính sách sẽ giải quyết trên tinh thần chia sẻ giữa doanh nghiệp và người lao động. Chính phủ là cơ quan chỉ đạo việc giải quyết chính sách này.

Đồng bộ nhiều biện pháp giải cứu

Nhiều giải pháp đồng bộ đang được triển khai để di tản người lao động khỏi khu vực nguy hiểm ở Libi cũng như khẩn trương thu xếp cho lao động về nước.

Hiện có khoảng 6.000 người Việt đã rời khỏi Libi an toàn. Còn khoảng 4.000 lao động đang kẹt ở Libi. Theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân, vài ngày sắp tới, sẽ có thêm khoảng 3.000 lao động Việt Nam được đưa ra khỏi Libi.

Riêng đối với khoảng 100 lao động đang dừng ở Angiêri, Bộ trưởng cho biết đã đề nghị sứ quán ta tại đây giúp đỡ, có thể ứng tiền mua vé máy bay để người lao động về nước.

Chuyến chuyên cơ bay sang Ai Cập đã xuất phát 1 giờ sáng ngày 1/3, sẽ đón hơn 300 lao động Việt Nam (danh sách đã được Đại sứ quán nước ta ở Ai Cập cung cấp) về nước. Cùng đi theo chuyến bay này sẽ có các tổ công tác chuyên trách sang Tuynidi, Ai Cập, Manta. Tổ công tác chuyên trách sang Hy Lạp sẽ xuất phát muộn hơn vào ngày 2/3.

Vẫn còn nhiều lao động mắc kẹt ở Libi. Chủ tịch Hiệp hội xuất khẩu lao động Nguyễn Lương Trào cho biết: Theo các doanh nghiệp xuất khẩu lao động của Việt Nam phản ánh, hiện nay có khoảng 500 lao động đang bị chủ lao động “bỏ rơi” tại thủ đô Tripôli. Số lao động này có nguy cơ cao bị thiếu lương thực. Ông Trào cho biết đã kiến nghị nhờ Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) can thiệp kịp thời giúp đỡ những lao động này.

Về phía Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân cũng cho biết đã đề nghị Bộ Ngoại giao, bên cạnh việc đàm phán với các đại sứ quán các nước lân cận Libi trong việc tạo điều kiện cho lao động Việt Nam quá cảnh, có thể làm việc với đại diện các quốc gia khối Đông Nam Á và các quốc gia khác cũng có người lao động làm việc tại Libi như Trung Quốc, Hàn Quốc... để nhờ giúp đỡ trong việc sơ tán lao động Việt Nam ra khỏi Libi.

Theo đại diện Bộ Ngoại giao, nước bạn Thổ Nhĩ Kỳ đã đồng ý thuê 2 chuyên cơ giúp chở lao động Việt Nam về nước.

Mạnh Minh