06:09 17/06/2011

Chia sẻ gánh nặng cho nông dân

Từ ngày 1/7/2011, Quyết định 315/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp tại 20 tỉnh, thành phố trên cả nước sẽ được thực hiện.

Từ ngày 1/7/2011, Quyết định 315/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp tại 20 tỉnh, thành phố trên cả nước sẽ được thực hiện. Đây là chủ trương đúng đắn, có ý nghĩa rất lớn đối với sản xuất nông nghiệp và người nông dân trong bối cảnh thiên tai, dịch bệnh liên tục “hoành hành” trong những năm gần đây.

Cần tạo cơ chế sát hơn

Trong thời gian qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã nhiều lần tổ chức lấy ý kiến các địa phương để xây dựng Thông tư hướng dẫn thí điểm bảo hiểm nông nghiệp (BHNN). Đại diện nhiều tỉnh cho rằng, theo Quyết định 315/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, việc triển khai thí điểm BHNN hướng tới đối tượng là các hộ nghèo, cận nghèo, thường phải chịu rủi ro khi có thiên tai, dịch bệnh, nhưng trong dự thảo Thông tư lại hướng tới hỗ trợ bảo hiểm là những hộ nông dân phải có trình độ sản xuất ở mức trung bình trở lên.

Ông Bùi Như Ý, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Vĩnh Phúc cho rằng: “Những hộ nghèo thì trình độ sản xuất thường rất thấp. Vì thế, nếu tiêu chí nông dân phải có trình độ ở mức sản xuất trung bình trở lên mới được tham gia BHNN là không phù hợp”.

Thu hoạch lúa hè thu sớm tại xã Vĩnh Thuận Tây, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang. Ảnh: Duy Khương – TTXVN


Theo Quyết định 315/QĐ/TTg, từ ngày 1/7, việc thí điểm BHNN sẽ chính thức thực hiện nhưng đến nay vẫn chưa có thông tư hướng dẫn. Sau khi có thông tư hướng dẫn thì phải sau 45 ngày mới có hiệu lực thi hành và các địa phương sau đó mới dựa vào thông tư để tuyên truyền, phổ biến cho người dân. Đồng thời, trên cơ sở thông tư của Bộ NN&PTNT, Bộ Tài chính mới có thông tư hướng dẫn thu chi bảo hiểm. Do đó, việc thực hiện đạt được đúng mốc thời gian 1/7 là rất khó.

Trước đây, một số tỉnh đã triển khai BHNN trên một số cây trồng nhưng đã thất bại. Nguyên nhân một phần là do thủ tục tiến hành bảo hiểm và thanh toán chưa kịp thời, khiến nhiều người dân băn khoăn khi tham gia BHNN.

“Một trong những nguyên nhân dẫn tới thất bại của các lần triển khai BHNN trước đây là vì thủ tục hành chính phức tạp. Cần đơn giản hóa để khi thiên tai, dịch bệnh xảy ra, nông dân chỉ cần báo với chính quyền địa phương, còn chính quyền địa phương sẽ phải có trách nhiệm báo cáo với đơn vị thực hiện BHNN”, ông Nguyễn Trọng Hoan, Phó Giám đốc Sở NN & PTNT Nam Định góp ý.

Ngoài ra, ông Hoan cho rằng, việc xác định mốc thời gian làm căn cứ tính bảo hiểm cần giao cho địa phương làm, vì khung thời vụ của mỗi tỉnh thường khác nhau.

Lựa chọn đối tượng để thí điểm

Bộ NN&PTNT thừa nhận, việc triển khai BHNN ở nước ta còn nhiều khó khăn do trình độ sản xuất còn nhỏ lẻ. Tuy nhiên, Bộ cũng quyết tâm chỉ đạo tập trung, bài bản theo hệ thống Nhà nước để thực hiện hiệu quả chương trình.

Rút kinh nghiệm từ những lần thất bại trước đây khi triển khai BHNN của các địa phương, Bộ NN&PTNT cho biết, lần này chỉ lựa chọn một số mặt hàng, sản phẩm và ở những địa phương có đặc trưng cho vùng sản xuất có tính chất hàng hóa lớn. Cách lựa chọn này rất khác so với trước đây.

Khu vực được thực hiện thí điểm BHNN lần này:
a) Thực hiện bảo hiểm đối với cây lúa tại Nam Định, Thái Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Bình Thuận, An Giang, Đồng Tháp.
b) Thực hiện bảo hiểm đối với trâu, bò, lợn, gia cầm tại Bắc Ninh, Nghệ An, Đồng Nai, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Thanh Hóa, Bình Định, Bình Dương và Hà Nội.
c) Thực hiện bảo hiểm đối với nuôi trông thủy sản cá tra, cá ba sa, tôm sú, tôm chân trắng tại Bến Tre, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bạc Liêu, Cà Mau.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hồ Xuân Hùng cho biết, không phải loại cây trồng, vật nuôi nào cũng được bảo hiểm. Bên cạnh đó, giữa quy mô lớn và quy mô nhỏ, nếu làm không khéo thì đối tượng nghèo sẽ bị loại, còn nếu làm tất thì rất khó khả thi.

Theo dự thảo, thông tư mới đưa ra của Bộ NN&PTNT, BHNN sẽ được áp dụng thí điểm với 9 đối tượng cây trồng, vật nuôi, thủy sản là: Lúa nước, bò sữa, bò thịt, lợn thịt, gà thịt, gà đẻ, cá tra, tôm sú và tôm chân trắng. Mỗi tỉnh chọn ra 3 huyện, mỗi huyện chọn ra 3 xã có tính chất đại diện của địa phương để làm điểm BHNN.

Mức độ thiệt hại được bảo hiểm cụ thể như sau: Thiên tai, dịch bệnh làm chết đàn gà từ 20% trở lên, lợn từ 15% trở lên; làm giảm năng suất lúa trên 25%; cá tra, tôm sú và tôm chân trắng là từ 30% trở lên. Với diện tích lúa do thiên tai, dịch bệnh nguy hiểm bị mất trắng, vật nuôi bị dịch bệnh phải tiêu hủy toàn bộ được cơ quan thẩm quyền xác nhận thì sẽ được bồi thường bảo hiểm 100%.

Theo ông Hùng, để thực hiện thành công BHNN lần này, các địa phương phải chọn những vùng sản xuất tập trung, đại diện cho vùng để sau đó nhân rộng ra cả tỉnh. Bên cạnh đó, các quy định phải dựa trên thực tế, tránh kiểu làm lấy lệ.

Ý kiến:

Ông Nguyễn Văn Khởi, Phó giám đốc Sở NN & PTNT tỉnh Sóc Trăng: Các hộ nghèo khó tiếp cận được

Toàn tỉnh 48.000 ha nuôi cá tra, tôm nhưng chỉ có 2% diện tích đạt được tiêu chuẩn chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm (GAP), trong đó không có hộ nghèo nào đạt được tiêu chuẩn này. Do vậy, Thông tư hướng dẫn cần lưu ý tới những hộ nuôi tôm là người nghèo. Bên cạnh đó, trong 10 năm qua, Sóc Trăng đã 2 lần xảy ra sóng lớn, trong khi Thông tư lại không đề cập tới loại thiên tai này. Do vậy, nên đưa thêm loại thiên tai này vào danh sách được bảo hiểm, đồng thời bổ sung thêm bệnh hoại tử gan trên tôm vì đây là bệnh đang làm hàng nghìn héc ta tôm bị chết.
 
Ông Trịnh Quang Tuyến, Chủ tịch Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam: Cần có chính sách cho người nghèo
Trên thế giới, nhiều nước hỗ trợ người dân thực hiện BHNN. Tại Việt Nam, đến giờ chúng ta mới có một chính sách đầy đủ và bài bản để triển khai BH. Tuy nhiên, trong dự thảo thông tư hướng dẫn lần này vẫn chưa tính tới những hộ nghèo, thường phải chịu rủi ro nhiều hơn. Ví dụ, đối với chăn nuôi bò sữa, bò thịt thì phải có quy mô từ 2 con trở lên, điều đó đồng nghĩa với việc nhiều hộ nghèo bị loại ra khỏi BHNN. Vì thế, Bộ NN & PTNT cần phải tính toán thật kỹ vấn đề này.



Hữu Vinh