09:07 06/09/2012

Chị dâu

từ lúc các em chồng còn nhỏ dại, giống như một người mẹ, chị Thân Lo lắng vẹn toàn mọi công việc trong nhà. Từ chuyện học hành, công ăn việc làm đến dựng vợ gả chồng của các em chồng đều một tay chị đảm đương. Thành ra, anh Hội tiếng là anh cả nhưng lại thảnh thơi bầu rượu, túi thơ.

“Chị! Em chết mất”, giọng Vĩnh qua điện thoại run rẩy làm chị lo lắng. “Em bị ung thư, chị Thân ơi!”. Đến lúc này, tay cầm điện thoại của chị như bị liệt, lòng bàn tay lạnh ngắt.


Vĩnh là em trai út của anh Hội, chồng chị. Trong sáu anh chị em trong nhà, Vĩnh là người thành đạt nhất. Được học hành tử tế, ăn nên làm ra, Vĩnh lấy vợ sinh con, xây dựng cả một cơ ngơi trên thành phố. Tưởng rằng phúc phận đã an bài, ai ngờ xảy ra cơ sự này. “Chị tuyệt đối không được nói với anh Hội. Nếu biết, anh chết mất”, Vĩnh dặn đi dặn lại.


Anh Hội chồng chị mới vừa trải qua ca mổ khối u trong gan. Xuất viện về, anh mới nhúc nhắc đi lại trong nhà, nếu biết được tin này, chắc anh không trụ nổi. Ngày trẻ mạnh mẽ là thế nhưng càng có tuổi chồng chị càng mau nước mắt, dù chỉ linh cảm một mảy may bất trắc nào với cậu em út mà anh thương yêu hết mực, cũng là một cú sốc lớn với anh lúc này.


*
* *


Trong bốn cô em gái của anh Hội- Mận, Mơ, Thơm, Phức, Phức ít tuổi nhất nhưng lại là người hiểu biết, chín chắn hơn cả. Chị Thân lẳng lặng sang, tâm sự riêng với Phức.

Minh họa: Trần Thắng


“Trời ơi! Sao lại ra nông nỗi này. Chị! Nhất định không để anh Hội biết tin này, anh không chịu đựng nổi đâu”, Phức cố nén nỗi xúc động. “Giờ làm sao đây, chị Thân?”, đó là câu hỏi mà nhiều năm nay chị Thân là người phải nghe nhiều nhất. Theo anh Hội về làm vợ suốt hơn hai chục năm, từ lúc các em chồng còn nhỏ dại, giống như một người mẹ, chị Thân lo lắng vẹn toàn mọi công việc trong nhà. Từ chuyện học hành, công ăn việc làm đến dựng vợ gả chồng của các em chồng đều một tay chị đảm đương. Thành ra, anh Hội tiếng là anh cả nhưng lại thảnh thơi bầu rượu, túi thơ.


Chị Thân đã phải nói dối chồng có lịch hẹn chữa răng trên thành phố không thể hoãn được. Ngay lập tức anh Hội phái cô em út cẩn thận nhất tháp tùng chị đi, còn không quên nhắn nhe: “Lên đó bảo thằng Vĩnh chở đi, chị em không thạo đường”.


Nhà Vĩnh rộng rãi, mát mẻ thật nhưng lòng chị Thân như có lửa đốt, nhất là khi trông thấy rõ căn bệnh đang hoành hành trong cơ thể đã sa sút nhiều của Vĩnh. Nhưng Phức khóc, còn chị thì không: “Bây giờ chú thấy trong người thế nào?”.


Đáp lại câu hỏi của chị dâu, Vĩnh cúi gằm mặt như có lỗi: “Bệnh tật mà chị. Em không còn thấy mạnh như trước. Âu cũng là cái số”. “Số má gì? Chú đừng có nói linh tinh. Y học hiện đại rồi. Quan trọng là phải giữ tinh thần. Chú mà cứ như thế này thì thuốc tiên cũng không chữa được”, chị Thân gạt đi. Nhưng nhìn sắc diện, chị biết bệnh của Vĩnh tiến triển không tốt.


Tối hôm ấy, lần đầu tiên trong đời, Vĩnh khóc trước mặt chị dâu. Khóc trước mặt người mà anh hết mực kính trọng và cũng một thời bị anh làm cho khốn khổ. Và có lẽ chỉ có chị Thân biết và cảm thông cho một thời nông nổi của cậu em chồng.


*
* *


Ai cũng bảo Thân dại khi nhận lời lấy Hội. Anh không giàu có, không chức tước, cha mẹ mất sớm lại đèo bòng theo một đàn em đang tuổi ăn học. Thân về làm dâu, phải chung lưng đấu cật với chồng để nuôi hai cô em áp út- Thơm- Phức đang học đại học và cậu em út học cấp ba. Hai cô chị lớn hơn là Mận và Mơ dù đã đi làm nhưng lương ba cọc ba đồng, lại đang ngấp nghé lấy chồng. Phức đi học xa nhà nên Vĩnh là người thân thiết với chị nhất. Mẹ mất khi còn trong nôi, thiếu thốn tình cảm từ nhỏ nên Vĩnh sống nội tâm, hơi trầm mặc.


Đi dạy, Thân có thói quen tết gọn mái tóc dài đến eo lưng. Ngày chưa lấy chồng, mẹ là người chăm chút và tết tóc cho Thân mỗi sáng. Một lần, thấy chị dâu loay hoay tự tết tóc, Vĩnh đang dắt xe ra cổng chạy lại, mỉm cười ngượng nghịu: “Để em giúp, chị Thân”. Vậy là như một thói quen, mỗi buổi sáng, Vĩnh thường nán lại tết tóc cho chị dâu rồi mới đến trường. Cử chỉ dịu dàng ấy làm Thân xúc động thực sự, chị càng thương mến, chăm sóc cậu em út của chồng nhiều hơn. Có thức gì ngon, chị đều để dành cho Vĩnh, lĩnh lương lại dấm dúi cho cậu vài chục. Thậm chí, dường như yên tâm về người vợ đảm đang, không những phó thác hết việc nhà, anh Hội còn ủy quyền cho vợ đi họp phụ huynh cho Vĩnh.


*
* *


Buổi chiều hôm ấy, đi dạy về gặp cơn mưa to bất ngờ, Thân vội vã đạp xe về nhà, bê chậu nước vào nhà tắm, khép hờ cánh cửa, mới dội ca nước đầu tiên, Thân linh cảm thấy có gì bất ổn. Hình như có ai đó đang nhìn trộm Thân tắm. Là người bình tĩnh, nhanh tay vơ lấy cái khăn tắm to quấn quanh người, Thân đẩy ụp cánh cửa ra. Chưa kịp định thần, Vĩnh đứng trân trân, một lúc sau mới chạy vụt đi. Từ đó, mỗi lần chỉ có hai chị em với nhau, Thân và Vĩnh đều rất khó xử. Thói quen tết tóc cho Thân của Vĩnh cũng không còn. Là một cô giáo, Thân hiểu hành động của Vĩnh chỉ bắt nguồn từ sự tò mò nhưng chính Thân cũng không biết xử trí thế nào cho phải.


Sự đời cũng lắm nỗi trái ngang. Lấy nhau mấy năm trời, anh Hội, chị Thân vẫn không có nổi một mụn con. Bao nhiêu tình yêu thương, chị đành dồn hết cho các em chồng và sau này là các cháu. Chị cũng không nỡ trách giận hành động bồng bột của Vĩnh. Sự khéo léo của chị Thân giúp mối e ngại của hai chị em cũng theo thời gian phai nhạt.


*
* *


Thông minh, đẹp trai, nhiều tài lẻ, thời sinh viên, Vĩnh được rất nhiều cô gái yêu và theo đuổi. Là người đào hoa, lại dễ ngã lòng, có lần, năm thứ ba, Vĩnh gọi điện về cho chị Thân: “Hai tháng rồi chị ơi! Chị giúp em với, con bé còn dại quá”. Thế là chị Thân lại phải lặn lội lên thành phố, mang cô người yêu trẻ người non dạ của Vĩnh đi giải quyết. Đến lúc Vĩnh ra trường, bao nhiêu tiền dành dụm, chị Thân đưa hết cho cậu em út của chồng lo công việc. Thế là anh chị lại trắng tay.


Tất cả mọi sai lầm của Vĩnh chị đều bỏ qua, lẳng lặng giúp đỡ em chồng không một lời kêu ca nhưng riêng chuyện vợ con của Vĩnh, chị lên tiếng. Mãi đến sau này, Vĩnh mới ân hận. Gốc gác thành phố, Trang - vợ Vĩnh quen thói coi thường người nhà quê, kể cả anh chị em của chồng. Các chị của Vĩnh chẳng ai ưa Trang. Kể cả chị Thân, là người nhẫn nhịn, chịu thương chịu khó cũng không ưa nổi cái nết “không chịu thí cho ai một cắc” của Trang.


Một lần, trong lúc vui miệng, Vĩnh kể chuyện chị Thân từng dấm cho anh một cô giáo nết na, thùy mị ở quê, Trang càng bực dọc, gặp chị dâu cứ khinh khỉnh, trái nết. Thành ra, lấy vợ, tậu nhà, sinh con trên thành phố, Vĩnh ngày càng xa cách với gia đình bên nội. Kể cả khi anh là người làm chủ kinh tế gia đình, vẫn bị vợ nắm đằng chuôi. Làm thằng đàn ông như thế, kể cũng không sung sướng gì. Mỗi chị Thân thông cảm và thường nói tốt về Vĩnh. Anh Hội dù thương em nhưng lúc nào cũng như người trên cung trăng.


*
* *


Nỗi buồn của Vĩnh không chỉ là vì bệnh tật. Khi một người đàn ông khóc, không có nghĩa là vì một điều ghê gớm sắp đến với cuộc đời họ, mà có thể còn là nỗi ân hận, lo lắng cho những điều còn ở lại. Vĩnh biết, chỉ có chị Thân mới giúp được anh thôi.


Mọi nỗi buồn đều nguôi ngoai dần, nhất là khi con người ta đã trải qua nhiều mất mát, biến cố. Qua cơn bạo bệnh, sự ra đi của cậu em út, dù đau đớn nhưng không khiến anh Hội ngã gục. Điều khiến anh và mọi người bất ngờ hơn cả là việc chị Thân mang về một đứa trẻ. Chị bảo là đứa trẻ mồ côi nhặt được trên đường, thương quá nên cưu mang. Ai cũng bảo trông nó giống anh Hội như đúc, chắc chắn là con riêng của anh rồi. Chả ai như chị Thân, cái tuổi nghỉ ngơi lại đi rước con riêng của chồng về nuôi. Chỉ chị và cô em gái áp út của chồng biết đó chính là đứa con riêng của Vĩnh.


Ít người linh cảm được cái chết đang đến với mình. Những ngày tháng cuối cùng của cuộc đời, Vĩnh chỉ còn biết trông cậy vào chị Thân- người chị dâu đã bao bọc, tha thứ cho những lỗi lầm của cuộc đời mình. Rồi một ngày nào đó, khi chồng bình phục hẳn, chị Thân sẽ nói với anh sự thực về đứa trẻ này. Đó có lẽ là điều bận tâm duy nhất của anh Hội về đứa em trai hoàn hảo suốt đời anh kỳ vọng. Và bao giờ cũng vậy, anh ngây thơ không biết rằng tất cả những rắc rối, thất vọng về em út đã có chị Thân- người vợ tần tảo, nhân hậu yêu thương anh hết mực gánh vác, chở che suốt cuộc đời.



Mộc Anh