06:08 14/06/2012

Châu Âu trước “ngã ba đường”

Đó là cảnh báo mới nhất của Thủ tướng Đức Angela Merkel xung quanh bất đồng về cách thức cứu các nước thành viên Khu vực đồng euro (Eurozone) khỏi cuộc khủng hoảng nợ.

Đó là cảnh báo mới nhất của Thủ tướng Đức Angela Merkel xung quanh bất đồng về cách thức cứu các nước thành viên Khu vực đồng euro (Eurozone) khỏi cuộc khủng hoảng nợ.


Cho đến nay, các nước châu Âu vẫn chưa tìm được tiếng nói chung cho một giải pháp tổng thể. Hai nền kinh tế đầu tàu là Đức và Pháp vẫn bất đồng về cách thức cứu các nước thành viên thoát khỏi khủng hoảng.


Bảo vệ chính sách "thắt lưng buộc bụng" và nhấn mạnh cải cách cơ cấu là quan điểm không thay đổi từ trước đến nay của Đức. Trong bài phát biểu ngày 13/6 trước các quan chức Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) cầm quyền, Thủ tướng Angela Merkel cho rằng, châu Âu đang đứng trước “ngã ba” lựa chọn và “sẽ là thảm họa nếu một số nước đi sai đường và phải dừng lại giữa chừng”. Thủ tướng Đức luôn khẳng định, châu Âu chỉ có thể chấm dứt khủng hoảng nhờ tiến trình cải cách cơ cấu hơn nữa.


Trong khi đó, Pháp lại bảo vệ chính sách thúc đẩy tăng trưởng thay cho biện pháp "thắt lưng buộc bụng" mà nhiều nước châu Âu đang theo đuổi. Tân Tổng thống Francois Hollande cho rằng thúc đẩy tăng trưởng mới có thể cứu được các nền kinh tế đang rơi vào suy thoái tại châu Âu. Phát biểu tại Hội đồng Kinh tế, Xã hội và Môi trường, hôm 13/6, ông Hollande nhấn mạnh, cải thiện tăng trưởng và kiềm chế thâm hụt “phải song hành” nhằm đáp ứng các mục tiêu tài chính. Ông Hollande muốn tập trung hơn nữa vào tăng trưởng và tạo việc làm bằng cách thực hiện dự án chứng khoán euro và tăng cường khả năng cho vay của Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB).


Trong khi đó, ngày 12/6, Fitch đã tiếp tục hạ bậc tín nhiệm đối với 18 ngân hàng của Tây Ban Nha. Động thái này được đưa ra chỉ một ngày sau khi cơ quan xếp hạng tín nhiệm này đưa ra biện pháp tương tự đối với hai ngân hàng lớn nhất Tây Ban Nha là Santander và BBVA, bất chấp gói cứu trợ trị giá 100 tỷ euro mà châu Âu vừa tuyên bố dành cho ngành ngân hàng của nước này.


Cùng ngày, Cơ quan xếp hạng tín nhiệm quốc tế Moody cũng tuyên bố hạ bậc tín nhiệm đối với 2 ngân hàng của CH Síp. Theo các nhà quan sát, Síp có thể phải nộp đơn xin cứu trợ 1,8 tỷ euro từ EU vào cuối tháng 6 này nhằm tái cấp vốn cho Popular Bank, ngân hàng lớn thứ hai của nước này.


Một mối lo ngại nữa với các nhà lãnh đạo châu Âu là nguy cơ Italia cũng cần đến một gói cứu trợ để giải quyết những khó khăn của hệ thống ngân hàng. Nếu nền kinh tế không thể tăng trưởng sau một thập kỷ trì trệ, Italia sẽ đối mặt với khó khăn trong giải quyết đống nợ, đã lên tới 120% GDP, tỉ lệ nợ lớn thứ hai trong Eurozone chỉ sau Hy Lạp.


Thu Hằng (tổng hợp)