04:00 06/04/2012

Châu Âu tiến thoái lưỡng nan trong vấn đề Xyri

Theo mạng tin "Hội đồng Quan hệ Đối ngoại châu Âu" ngày 4/4, nếu Libi được coi là một ví dụ điển hình để khẳng định rằng các nước châu Âu có thể gây ảnh hưởng lớn đến các cuộc nổi dậy tại các nước láng giềng phía nam của họ, thì trường hợp Xyri sẽ lật ngược ý kiến đó.

Theo mạng tin "Hội đồng Quan hệ Đối ngoại châu Âu" ngày 4/4, nếu Libi được coi là một ví dụ điển hình để khẳng định rằng các nước châu Âu có thể gây ảnh hưởng lớn đến các cuộc nổi dậy tại các nước láng giềng phía nam của họ, thì trường hợp Xyri sẽ lật ngược ý kiến đó.

Một cuộc biểu tình của người dân Xyri tại thủ đô Đamát tháng 9/2011 phản đối các lệnh trừng phạt của EU. Ảnh: Internet


Sau một năm kể từ khi cuộc nổi dậy đầu tiên nổ ra tại thành phố Daraa ở phía nam Xyri, sự bất lực của châu Âu trước việc Tổng thống Xyri Bashar al-Assad bám giữ quyền lực đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến các tham vọng của họ. Do ông Assad dường như không có khả năng sụp đổ trong một sớm một chiều, châu Âu hiện có thể đứng ra ngăn chặn tình trạng đổ máu tại Xyri. Tuy nhiên, ngay từ đầu, Xyri đã tạo cho châu Âu một tình thế phức tạp hơn nhiều so với tình hình ở Libi. Lúc đầu, do lo ngại chế độ Assad sụp đổ sẽ khiến khu vực rơi vào "vòng nguy hiểm", châu Âu có ý định ủng hộ các cải cách của ông Assad.

Thậm chí, khi ông Assad sử dụng biện pháp cứng rắn với lực lượng chống đối, tháng 4/2011, Ngoại trưởng Anh William Hague vẫn tuyên bố cải cách không bao giờ muộn, và các nhà lãnh đạo châu Âu nỗ lực thuyết phục ông Assad tiến hành cải cách. Tháng 5/2011, thời điểm cho thấy rõ ràng ông Assad sẽ không tiến hành bất cứ sự mở cửa chính trị quan trọng nào và bạo lực dần leo thang, các nhà lãnh đạo châu Âu đã thay đổi chiến thuật và quay lại chính sách cấm vận, kể cả áp dụng một số biện pháp như phong tỏa tài sản và cấm đi lại đối với các quan chức cấp cao trong chính quyền Xyri.

Khi nhận thấy sự thay đổi nhanh chóng khó có thể xảy ra, châu Âu mới dứt khoát yêu cầu ông Assad từ chức. Một tuyên bố chung của Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy và Thủ tướng Anh David Cameron tuyên bố ông Assad "đã mất hoàn toàn tính hợp pháp và không thể lãnh đạo đất nước nữa". Sau đó, châu Âu ủng hộ các nỗ lực của Liên đoàn Arập nhằm đề ra một tiến trình chuyển giao chính trị, trong đó yêu cầu ông Assad từ chức, đồng thời tiếp tục tăng cường các biện pháp cấm vận để làm suy yếu chế độ thông qua việc bóp nghẹt kinh tế và khích lệ tình trạng li khai chế độ. Tháng 9/2011, châu Âu áp đặt các biện pháp hạn chế nhập khẩu dầu lửa của Xyri, một biện pháp quan trọng bởi vì châu Âu chiếm 95% xuất khẩu dầu lửa của Đamát và 35% tổng thu nhập của chế độ này. Các biện pháp tiếp theo của châu Âu tập trung đánh vào ngân hàng trung ương Xyri nhằm ngăn chặn các hoạt động thương mại rộng rãi hơn.

Trên mặt trận ngoại giao, châu Âu nỗ lực ủng hộ các hoạt động của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) chống ông Assad, đồng thời dần dần cắt đứt các mối quan hệ với chế độ Xyri và nhiều nước châu Âu đóng cửa sứ quán tại Đamát. Trước các nỗ lực của châu Âu, giới ngoại giao và chính trị gia dự đoán sự tồn tại của ông Assad chỉ còn tính từng ngày. Vậy mà, chế độ Xyri đã thành công trong việc bảo vệ chính quyền. Các biện pháp ngoại giao đánh vào chế độ Xyri của HĐBA LHQ thường xuyên thất bại do sự phản đối của Nga và Trung Quốc. Bên cạnh đó, việc Iran và Nga tiếp tục hỗ trợ tài chính và quân sự cho Xyri, việc không đóng cửa các tuyến đường thương mại ra vào các nước láng giềng đã tiếp thêm sức mạnh kinh tế cho chế độ Đamát.

Hơn nữa, rõ ràng ông Assad tiếp tục nhận được sự ủng hộ của quân đội và sự trung thành của dân chúng, từ đó việc lật đổ ông ta khó có thể xảy ra ngay lập tức. Vì vậy, các chính sách của châu Âu - cũng như của Mỹ và thế giới Arập - không thể nói là đã thành công trong việc thay đổi đáng kể cán cân sức mạnh. Như trong trường hợp Libi, việc thay đổi chế độ là nhờ can thiệp quân sự. Nhưng với một Xyri có địa hình chiến lược, tình hình chính trị và địa lý phức tạp, các chính phủ châu Âu đã bác bỏ giải pháp can thiệp trực tiếp hoặc cung cấp vũ khí cho phe đối lập, vì sợ rằng quân sự hóa sẽ chỉ làm tình hình xấu hơn và gây thương vong nhiều hơn cho dân chúng.

Hiện nay, nguy cơ một cuộc nội chiến kéo dài ngày càng trở nên rõ ràng. Châu Âu dường như đang điều chỉnh quan điểm để làm đảo lộn một cuộc xung đột kéo dài và đẫm máu. Được thúc đẩy bởi sự đồng thuận quốc tế rộng lớn hơn và nhận thức ngày càng tăng rằng ông Assad vẫn còn nhiều ảnh hưởng, châu Âu đang theo đuổi đường lối mềm mỏng. Châu Âu hoàn toàn ủng hộ sứ mệnh hòa bình của ông Kofi Annan. Nhưng nếu sứ mệnh của ông Annan thất bại, châu Âu sẽ đối mặt với triển vọng của một cuộc xung đột lâu dài ở Xyri. Châu Âu biết rõ họ không thể có ảnh hưởng quyết định trong việc lật đổ ông Assad khỏi quyền lực.

Hữu Trung (P/v TTXVN tại Mỹ)