05:08 19/05/2012

Châu Âu sẽ quyết định cuộc bầu cử Mỹ?

Tăng cường sản xuất và chú trọng xuất khẩu-đó là những cam kết cơ bản trong cương lĩnh tái tranh cử của đương kim Tổng thống Mỹ Barack Obama, đặc biệt là tại những bang có phần đông các cử tri thuộc tầng lớp công nhân - lực lượng có khả năng quyết định kết quả của cuộc bầu cử vào tháng 11 tới.

Tăng cường sản xuất và chú trọng xuất khẩu - đó là những cam kết cơ bản trong cương lĩnh tái tranh cử của đương kim Tổng thống Mỹ Barack Obama, đặc biệt là tại những bang có phần đông các cử tri thuộc tầng lớp công nhân - lực lượng có khả năng quyết định kết quả của cuộc bầu cử vào tháng 11 tới.

Trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm 2008, chính tỷ lệ thất nghiệp tăng đột biến đã tạo ra "cú lội ngược dòng" của ông Obama và giúp ông giành chiến thắng trước đối thủ John McCain tại bang Indiana, mặc dù trước đó ứng cử viên thuộc Đảng Cộng hòa (Đảng cầm quyền khi đó) được cho là đã nắm chắc chiến thắng tại bang này. Với những bất ngờ khó có thể đoán trước đấy, chính quyền đương nhiệm hoàn toàn có cơ sở để lo ngại về khả năng cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu sẽ gây ảnh hưởng tới kết quả bầu cử năm 2012 tại các bang quan trọng.

Bộ trưởng Geithner liên tục công du châu Âu tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng của Eurozone. Ảnh: Internet


Dư luận cho rằng yếu tố đóng vai trò quyết định đối với kết quả cuộc bầu cử tổng thống tháng 11 tới và các cuộc bầu cử quốc hội có thể sẽ không phải là những bang dao động như Ohio mà là các nước thành viên của Liên minh châu Âu (EU).

Các doanh nghiệp phụ thuộc xuất khẩu lo ngại rằng việc cắt giảm ngân sách quốc gia cùng các biện pháp "thắt lưng buộc bụng" khác tại châu Âu sẽ làm giảm nhu cầu tiêu thụ sản phẩm, đồng thời sự "mong manh" của nền kinh tế châu Âu sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới thu nhập của doanh nghiệp. Nhằm đề phòng những hệ quả ấy, chính quyền của Tổng thống Obama đã có những động thái nhằm kéo châu Âu thoát khỏi cơn đại khủng hoảng tài chính. Trong vòng hai năm qua, các quan chức thuộc Bộ Tài chính Mỹ, bao gồm Bộ trưởng Timothy Geithner đã liên tục thực hiện các chuyến công tác tới các nước châu Âu nhằm tiếp tục tìm ra biện pháp giải quyết cuộc khủng hoảng tại châu lục già cỗi này. Bên cạnh đó, đích thân Tổng thống Obama cũng trực tiếp điện đàm với các lãnh đạo khu vực vào những giai đoạn then chốt của cuộc khủng hoảng nợ công.

Trong bối cảnh sắp diễn ra Hội nghị G-8, một quan chức cấp cao thuộc EU (yêu cầu giấu tên) cho rằng có vẻ như chính quyền Obama muốn các thành viên G-8 ủng hộ chiến dịch tái tranh cử của ông. Quan chức này nói: Mỹ cho rằng cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu là yếu tố hàng đầu có khả năng gây ảnh hưởng tiêu cực tới nền kinh tế Mỹ trong giai đoạn kể từ nay tới tháng 11 (thời điểm diễn ra cuộc bầu cử), bởi vậy, về cơ bản Mỹ muốn đảm bảo rằng Mỹ và châu Âu tìm ra cách để vượt qua cuộc khủng hoảng này". Theo các quan chức Mỹ, cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu đã phủ bóng đen lên nền kinh tế Mỹ khi quý I năm 2012 tốc độ tăng trưởng của cường quốc này chỉ đạt con số 2,2%.

Tuy nhiên, "cơn ác mộng thực sự" của các doanh nghiệp, nhà băng và các nhà hoạch định chính sách Mỹ có thể sẽ là sự tan rã của hệ thống tài chính khu vực đồng euro và những hệ quả kéo theo giống như kết cục của Tập đoàn tài chính lớn thứ 4 tại Mỹ là Lehman Brothers năm 2008. Những diễn biến xấu về kinh tế sau đó đã hủy hoại lòng tin của người tiêu dùng cũng như "che lấp" thành tích mà Đảng Cộng hòa khi ấy đã đạt được. Thay vào đó, chúng đã trở thành một lợi thế giúp sức cho chiến thắng của Đảng Dân chủ nói chung và Tổng thống Obama nói riêng trong chiến dịch tranh cử năm 2008. Chắc chắn chính quyền đương nhiệm sẽ không muốn trở thành "nạn nhân" tương tự như những người tiền nhiệm.

Trong bối cảnh tân Tổng thống Pháp Francois Hollande sẽ tham dự hội nghị các nhà lãnh đạo G-8 cuối tuần này, và tiếp ngay sau đó là Hội nghị Thượng đỉnh NATO, việc ông Hollande sẽ gặp ông Obama vào ngày 18/5 là một điều hợp lôgích. Các quan chức và nhà phân tích cho rằng chắc chắn Tổng thống Mỹ sẽ tận dụng cơ hội này để xây dựng quan hệ và một lần nữa nhấn mạnh tầm quan trọng của sự cố kết của châu Âu.

Philip J. Crowley, cựu Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ, cho rằng mặc dù việc ông Obama gặp ông Hollande là do có điều kiện thuận lợi, "tuy nhiên, cuộc gặp này cũng mang tính cấp bách bởi các quyết định của châu Âu có thể ảnh hưởng tới cuộc bầu cử ở Mỹ sắp tới".

Chương trình nghị sự ủng hộ tăng trưởng của ông Hollande khá giống với chương trình kích thích chi tiêu của Chính quyền của ông Obama. Tuy vậy, Mỹ vẫn lo ngại rằng ông Hollande sẽ không thực hiện trọn vẹn các cam kết tranh cử của ông trong việc đàm phán lại hiệp ước ngân sách - động thái có khả năng phá hủy toàn bộ kế hoạch giải quyết khủng hoảng đã được châu Âu đàm phán kỹ lưỡng.

Tại Mỹ, ông Obama đang ở tình trạng bị "trói chặt hai tay". Bất kể khoản tiền nào của Mỹ đóng góp cho Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhằm giúp giải quyết cuộc khủng hoảng tại khu vực đồng euro đều bị coi là không có khả năng thành công. Đảng Cộng hòa lợi dụng thực tế rằng các cử tri vẫn còn tức giận vì khoản cứu trợ dành cho Phố Wall năm 2008 để ngăn cản việc Mỹ "bơm" tiền cho châu Âu.

Các cố vấn của ông Mitt Romney, đối thủ "nặng ký" của ông Obama trong cuộc bầu cử tháng 11 tới, cho rằng sự quản lý nền kinh tế yếu kém của chính quyền Tổng thống Obama đã khiến Mỹ dễ bị tổn thương trước cuộc khủng hoảng tại khu vực đồng euro và hạn chế khả năng phản ứng của chính quyền.

TTK