05:15 16/05/2012

Châu Á- TBD là trụ cột cho sự ổn định kinh tế thế giới

Theo công bố mới đây, khu vực châu Á - Thái Bình Dương dù đang phải đối mặt một năm tăng trưởng chậm, song sẽ vẫn là khu vực phát triển nhanh nhất trên phạm vi toàn cầu, và là nơi trụ cột cho ổn định của nền kinh tế thế giới.

Theo công bố mới đây, Ủy ban Kinh tế và Xã hội Liên Hợp Quốc phụ trách châu Á - Thái Bình Dương (ESCAP) đánh giá, khu vực châu Á - Thái Bình Dương (CA-TBD) dù đang phải đối mặt một năm tăng trưởng chậm do nhu cầu xuất khẩu giảm và chi phí vốn tăng, song sẽ vẫn là khu vực phát triển nhanh nhất trên phạm vi toàn cầu, và là một "chân neo" cho sự ổn định của nền kinh tế thế giới.


Báo cáo nhận định, bất chấp suy giảm kinh tế toàn cầu, CA-TBD sẽ tiếp tục là khu vực có tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới, trong đó kinh tế Trung Quốc được cho là sẽ tăng trưởng mạnh với mức 8,6% và Ấn Độ là 7,5% vào năm 2012. Về tổng thể, năm nay, nhóm nước đang phát triển sẽ có tốc độ tăng trưởng chậm lại, xuống mức 6,5% so với 7,0% năm 2011 và 8,9% năm 2010. Suy thoái sẽ làm giảm lạm phát ở khu vực, dự kiến khoảng 4,8% năm 2012 so với 6,1% năm 2011.


Kinh tế Trung Quốc được cho là sẽ tăng trưởng mạnh với mức 8,6%. trong năm 2012. Nguồn: Internet


Kết quả khảo sát cũng nhấn mạnh một số thách thức chính sách quan trọng mà các nước CA-TBD cần tập trung đối phó nhằm đảm bảo tăng trưởng toàn diện. Những thách thức đó là: Quản lý sự cân bằng giữa tăng trưởng và lạm phát; xử lý dòng vốn chảy vào và tỷ giá hối đoái biến động đáng kể; giải quyết vấn đề thiếu việc làm gia tăng và nạn thất nghiệp; mức độ bất bình đẳng về thu nhập gia tăng, trung bình 15% trong các nước đang phát triển tính từ thập niên 1990, gây cản trở tiến bộ xã hội.


Báo cáo của Liên hợp quốc ghi nhận hơn một tỷ người lao động CA-TBD đang rơi vào hoàn cảnh có việc làm dễ bị tổn thương, trong đó các nước đang phát triển không tạo ra đủ cơ hội việc làm ở khu vực chính thức. Nguy cơ thất nghiệp đối với những người trẻ tuổi cao hơn ba lần so với người lớn tuổi, với tỷ lệ thanh niên thất nghiệp của khu vực dự kiến vẫn là 10,2% vào năm 2012.


Anh Ngọc