01:09 22/01/2011

Châu Á với nỗi lo lạm phát trong năm 2011

Mạng tin phân tích và tư vấn kinh tế (EIU) thuộc tạp chí "Nhà kinh tế" ngày 20/1 cho rằng giá tiêu dùng tăng đã trở thành mối lo ngại lớn đối với các nhà hoạch định chính sách ở châu Á.

Mạng tin phân tích và tư vấn kinh tế (EIU) thuộc tạp chí "Nhà kinh tế" ngày 20/1 cho rằng giá tiêu dùng tăng đã trở thành mối lo ngại lớn đối với các nhà hoạch định chính sách ở châu Á.


Lạm phát, tuy vẫn thấp hơn mức kỷ lục hồi giữa năm 2008 khi giá lương thực tăng vọt, nhưng đã bắt đầu tăng trên toàn châu Á kể từ giữa năm 2010. Tháng 11/2010, chỉ số lạm phát tại Trung Quốc đã lên đến 5,1% (so với cùng kỳ năm trước) - mức cao nhất kể từ tháng 7/2008.


Giá cả tăng nhanh cũng là mối lo ngại lớn đối với Ấn Độ, nơi chỉ số lạm phát lên tới 8,4 % trong tháng 11. Mặc dù chỉ số lạm phát đã giảm so với mức 2 con số trong năm trước đó, nhưng Ấn Độ vẫn là nước có chỉ số lạm phát cao trong khu vực, chỉ sau Việt Nam và Pakixtan.

Khách mua hàng tại một siêu thị ở Khu tự trị Hồi Ninh Hạ (Trung Quốc)ngày 11/1.


Theo EIU, nguyên nhân chính dẫn đến lạm phát ở khu vực châu Á tăng là việc giá lương thực cao hơn. Giá lương thực đã tăng ở mức hai con số ở nhiều nước. Ví dụ như tại Trung Quốc, giá lương thực trong tháng 11 đã tăng 12 %, hơn gấp 2 lần so với chỉ số lạm phát chung của tháng. Giá lương thực ở châu Á tăng là do giá lương thực toàn cầu cao hơn.


Theo dự báo của Tổ chức Lương Nông Liên hợp quốc (FAO), giá lương thực có thể đạt kỷ lục mới, vượt qua mức giữa năm 2008. Cũng theo FAO, giá đường và thịt đã ở mức cao nhất kể từ khi theo dõi chỉ số này, trong khi giá lúa mì, ngô và các loại ngũ cốc khác ở mức cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng 2008. Nhìn chung giá lương thực toàn cầu tăng chủ yếu phản ánh tình trạng cung bị phá vỡ ở những khu vực trồng trọt quan trọng và nhu cầu toàn cầu lớn, đặc biệt là ở châu Á.

Ngoài việc giá lương thực cao, còn hai yếu tố khác dẫn đến việc lạm phát tăng ở châu Á. Thứ nhất là kinh tế châu Á phục hồi mạnh mẽ giúp loại bỏ công suất dư thừa. Tăng trưởng mạnh cũng giúp giảm thất nghiệp và lương tăng.


Yếu tố thứ hai là chính sách tiền tệ nới lỏng. Mặc dù các ngân hàng trung ương trong khu vực đã bắt đầu tăng lãi suất từ giữa năm 2010, nhưng lãi suất vẫn quá thấp so với tốc độ phục hồi của nền kinh tế ở nhiều nước. Lãi suất chưa quay về mức trước khủng hoảng ở bất cứ nền kinh kinh tế lớn nào của châu Á. Và do lạm phát tăng cao trong những tháng gần đây, hiện lãi suất thực ở mức âm tại nhiều nước.

Chính phủ và các nhà hoạch định chính sách các nước châu Á có lý khi lo ngại lạm phát cao. Giá lương thực cao hơn sẽ ảnh hưởng đến thu nhập thực tế của người tiêu dùng và do đó cản trở sự tăng trưởng kinh tế.


Giá lương thực cao hơn còn là một trong những yếu tố chính đứng đằng sau các cuộc biểu tình dẫn đến sự sụp đổ của chính phủ Inđônêxia năm 2008 và những rối loạn ở Haiti, Băngla Đét và Ai Cập giữa năm 2008.

Một vũ khí cơ bản của các ngân hàng trung ương để chống lại lạm phát là tăng lãi, tuy nhiên, tăng lãi suất chưa chắc đã là công cụ chống lạm phát hiệu quả nhất vì nó không có mấy tác dụng trong việc hạ giá lương thực trong khi chính sách này có thể dẫn đến dòng tiền đầu tư đổ vào lớn hơn và tạo ra áp lực phải tiếp tục tăng lãi suất.

Bên cạnh tăng lãi suất, chính phủ các nước châu Á cũng đã sử dụng các biện pháp trực tiếp để kiểm soát giá lương thực. Ấn Độ đã mở cửa kho dự trữ lúa gạo và cam kết tiếp tục không áp thuế đối với dầu thực vật nhập khẩu.


Trong khi đó, ở Trung Quốc, chính quyền trung ương cam kết loại bỏ tình trạng đầu cơ lương thực và chính quyền một số địa phương đã đưa ra các biện pháp kiểm soát trực tiếp giá một số loại lương thực.

Theo dự báo của EIU, mức lạm phát trung bình của châu Á trong năm 2011 là 4,4%. Mức lạm phát này chưa thực sự nghiêm trọng như trong thời kỳ trước khủng hoảng khi tỷ lệ lạm phát trung bình của khu vực lên đến 7,1% trong năm 2008.


Lạm phát sẽ gây ra những vấn đề nghiêm trọng nhất ở khu vực Nam Á khi chỉ số này ở Pakixtan, Xri Lanxa, Ấn Độ và Băngla Đét sẽ vượt mức 6%.

Thanh Hoa (P/v TTXVN tại Canađa)