02:09 22/02/2011

Châu Á đau đầu với giá lương thực

Thời gian gần đây, giá hàng hoá, đặc biệt là lương thực, tăng vọt tại các nước châu Á, đẩy thêm hàng chục triệu người vào cảnh khốn khó.

Thời gian gần đây, giá hàng hoá, đặc biệt là lương thực, tăng vọt tại các nước châu Á, đẩy thêm hàng chục triệu người vào cảnh khốn khó. Các chuyên gia lo ngại thế giới có thể sẽ phải trải qua một cuộc khủng hoảng lương thực như đã từng diễn ra năm 2008 nếu chính phủ các nước không có biện pháp hiệu quả để đối phó.

Giá lương thực ở "mức nguy hiểm"

Báo cáo gần đây của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy, chỉ số giá lương thực toàn cầu (GFP) đã tăng 15% trong giai đoạn từ tháng 10/2010 đến tháng 1/2011, cao hơn 29% so với năm ngoái và gần chạm mức đỉnh năm 2008. Đặc biệt, giá những mặt hàng như lúa mỳ, ngô, đường và dầu ăn tăng mạnh. Theo ước tính của WB, thực trạng này đã đẩy thêm 44 triệu người lâm vào cảnh đói nghèo.

Quầy bán trứng tại Băng Cốc, Thái Lan


Trong khi đó, Tổ chức Nông Lương của Liên hợp quốc (FAO) cho rằng, giá cả lương thực đã chạm mức cao lịch sử, nhưng nhờ mùa màng tốt gần đây nên chưa xảy ra tình trạng như năm 2008.

Người dân nhiều nước châu Á đang phải oằn mình chống chọi với cơn bão giá và lạm phát. Tại Trung Quốc, lạm phát tiêu dùng trong tháng 1/2011 đã tăng 4,9% trong bối cảnh giá cả lương thực nhảy vọt 10,3% lên gần mức cao nhất trong vòng 28 tháng qua. Các nhà phân tích cho rằng tỷ lệ lạm phát ở quốc gia này sẽ tiếp tục tăng cho đến giữa năm 2011 khi cung lương thực không đáp ứng nổi cầu.

Với mức lạm phát trong tháng 1 là 8,2%, cơn bão giá lương thực ở Ấn Độ đang khiến các gia đình phải cắt giảm thịt và rau trong bữa ăn khi giá rau nói riêng tăng thêm gần 2/3, còn giá thực phẩm nói chung tăng hơn 15%. Giá hành tây, một loại thực phẩm được sử dụng hàng ngày ở Ấn Độ, đã tăng gấp ba lần chỉ trong thời gian từ tháng 12/2010 đến tháng 1/2011 do vụ mùa thất bát, khiến chính phủ nước này phải khẩn trương nhập hành tây từ Pakixtan.

Còn tại Inđônêxia, giá ớt - thành phần chính trong nhiều món ăn - thậm chí còn vọt lên tới 10 lần trong những tháng gần đây do thời tiết không thuận lợi. Trong một số ngày tháng 1/2011, giá ớt xanh và đỏ còn tăng lên tới 22,2 USD/kg trước khi giảm xuống 10 đến 11 USD/kg. Ngay cả khi đã giảm, giá ớt vẫn đắt hơn giá thịt bò.

Căn nguyên và giải pháp

Ông Nagesh Kumar, một nhà kinh tế thuộc Ủy ban xã hội kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Liên hợp quốc (có trụ sở tại Băngcốc, Thái Lan), nhận định rằng chính sách nông nghiệp yếu kém chính là căn nguyên của thực trạng hiện nay. Ông Kumar giải thích: "Cung không theo kịp mức cầu ngày càng tăng vì trong hai thập kỷ qua, chính phủ nhiều quốc gia lơ là chính sách nông nghiệp. Do đó, sản lượng nông nghiệp bị đình đốn". Kể từ cuộc Cách mạng xanh những năm 1960 và 1970, ngày càng có nhiều đất nông nghiệp bị lấy để xây nhà cửa, nhà máy.

Hãng tin Bloomberg thì cho rằng việc khuyến khích phát triển nhiên liệu sinh học và thời tiết khắc nghiệt là hai nguyên nhân chính. Nghiên cứu của WB cho thấy, việc phát triển nhiên liệu sinh học ở Mỹ và châu Âu là nguyên nhân trực tiếp khiến giá lương thực toàn cầu bùng nổ. Trong khi đó, FAO lại nhấn mạnh rằng các hiện tượng thời tiết ngày càng cực đoan xảy ra thường xuyên hơn đã phá hoại mùa màng, như lũ lụt ở Ôxtrâylia, Pakixtan, Ấn Độ, Trung Quốc hay hạn hán ở Áchentina và Đông Âu…

Trong bối cảnh đó, chính phủ các nước đang dốc sức giữ cho đà tăng giá lương thực không vượt ra ngoài tầm kiểm soát. Chủ tịch WB Zoellick cho rằng cộng đồng quốc tế cần ý thức được những nguy cơ từ việc giá lương thực tăng vọt và tránh làm tình hình tồi tệ hơn bằng cách áp đặt những chính sách như cấm xuất khẩu lương thực.

Nhằm đối phó với tình hình thiếu hụt lương thực, Trung Quốc đã cam kết hỗ trợ kinh phí cho nông dân để chăm sóc mùa màng, đồng thời dành riêng 180 triệu USD mua thiết bị mới và hơn 1 tỷ USD để chống hạn hán. Quốc gia này cũng áp đặt biện pháp kiểm soát giá với một số mặt hàng lương thực để bảo vệ người nghèo trước bão giá.

Tại Thái Lan, chính phủ đã hạn định giá dầu cọ ở mức 1,5 USD/lít sau khi lũ lụt khiến sản lượng trong nước sụt giảm. Tuy nhiên, Kumar cho rằng các biện pháp kiểm soát giá có thể khiến hoạt động chợ đen bột phát. Theo ông Kumar, các quốc gia không nên hành động đơn phương mà nên phối hợp để điều hành, giám sát giá cả.

Các chuyên gia lương thực còn đề xuất thiết lập một ngân hàng lương thực khu vực để các quốc gia thành viên có thể "cậy nhờ" khi thiếu lương thực. Đây có thể là một giải pháp hiệu quả để ngăn chặn đà phi mã của giá lương thực.

Thùy Dương (Tổng hợp)