04:00 28/04/2011

Châu Á đau đầu với chứng “nghiện” net

Hàng năm, tại châu Á - Thái Bình Dương, hơn 100 triệu chiếc "điện thoại di động thông minh" được tiêu thụ. Con số này có thể sẽ tăng lên gấp đôi trong vòng 5 năm tới, biến khu vực này trở thành thị trường tiêu thụ điện thoại di động hiện đại lớn nhất thế giới.

Hàng năm, tại châu Á - Thái Bình Dương, hơn 100 triệu chiếc "điện thoại di động thông minh" được tiêu thụ. Con số này có thể sẽ tăng lên gấp đôi trong vòng 5 năm tới, biến khu vực này trở thành thị trường tiêu thụ điện thoại di động hiện đại lớn nhất thế giới.

Chứng "nghiện" game quá mức sẽ dẫn đến những hành vi không bình thường. Ảnh: Internet


Sự bùng nổ của các mạng xã hội cùng vô số trò chơi trên điện thoại di động song hành với công nghệ viễn thông đã khiến lớp trẻ châu Á không thể rời khỏi điện thoại di động hoặc máy tính xách tay kết nối Internet ở mọi lúc mọi nơi.

Nữ sinh viên Hanna Ruslana, 22 tuổi, người Xinhgapo là một ví dụ điển hình. Hanna kiểm tra iPhone ít nhất 15 phút một lần và duy trì tài khoản trên các mạng xã hội như Facebook, Twitter, Foursquare và LinkedIn. Khi mạng Twitter bị trục trặc, Hanna và các bạn đã tỏ ra vô cùng thất vọng.

Tuy nhiên, Hanna chỉ là một “ca nhẹ” so với các trường hợp "nghiện" net tại Hàn Quốc - một trong những nước có số dân kết nối mạng xã hội lớn nhất thế giới. Tháng 12/2010, một phụ nữ đã bị bắt giữ do đã bỏ chết cậu con trai 3 tuổi trong lúc mệt mỏi vì chơi game online. Một tháng trước đó, cũng tại xứ kim chi, một cậu bé 15 tuổi đã tự tử sau khi sát hại mẹ đẻ chỉ vì người mẹ đã cằn nhằn về chứng "nghiện" game của cậu. Tháng 5/2010, một người đàn ông Hàn Quốc 41 tuổi đã bị kết án 2 năm tù sau khi anh ta và vợ để cô con gái nhỏ của mình bị suy dinh dưỡng đến chết trong khi mê mải chăm sóc một đứa trẻ “ảo” trên mạng. Theo ước tính của chính phủ Hàn Quốc, có tới 2 triệu trong tổng số 50 triệu dân ở nước này là “tín đồ” net. Bắt đầu từ năm nay, Hàn Quốc sẽ đề nghị đưa vào sử dụng phần mềm miễn phí nhằm hạn chế thời gian lướt web của người truy cập Internet. Đồng thời, Quốc hội Hàn Quốc cũng cân nhắc dự luật cấm trẻ dưới 15 tuổi chơi game online từ nửa đêm đến 6 giờ sáng.

Tại Xinhgapo, một cuộc khảo sát được tiến hành với 600 sinh viên hồi đầu năm nay cho thấy, 88% trong số họ thích liên lạc với mọi người bằng mạng xã hội thay vì nói chuyện trực tiếp và hơn 40% "dính" vào điện thoại di động hơn 4 giờ mỗi ngày. Trao đổi với phóng viên AFP, ông Ho Kok Yuen, Trưởng khoa điều trị Bệnh viện tư Raffles tại Xinhgapo, cho biết, chứng "nghiện" game quá mức sẽ dẫn đến những hành vi không bình thường khó lường trước được hậu quả và tất yếu sẽ có hại cho bản thân người "nghiện" game hoặc cho những người xung quanh.

Tại Nhật Bản, Bộ Nội vụ nước này đã cảnh báo rằng chứng "nghiện" game và điện thoại di động trong thanh thiếu niên có thể khiến những người này mắc bệnh trầm cảm và có hại cho quan hệ xã hội cũng như sức khỏe của họ. Trung tâm các vấn đề về tiêu dùng quốc gia Nhật Bản nói rằng họ đã nhận được 1.692 trường hợp xin tư vấn do chứng "nghiện" game trong năm 2010, tăng so với con số 1.437 trường hợp trong năm 2009 và phần đông những trường hợp này nằm trong độ tuổi thanh thiếu niên.

Trong khi đó, người dân Malaixia cũng rất hào hứng với việc sử dụng máy tính kết nối Internet. Theo số liệu của Công ty nghiên cứu toàn cầu TNS hồi tháng 11/2010, Malaixia là nước có số người "thích kết bạn" trên Internet cao nhất trên thế giới với số bạn trung bình của mỗi người trên mạng xã hội là 233, cao hơn nhiều so với con số 68 ở Trung Quốc và 29 tại Nhật Bản. Trung tâm nghiên cứu về chứng "nghiện" game của trường Đại học Malaya của Malaixia cho biết, lúc mới khai trương, trung tâm chỉ nhận khoảng 50 trường hợp, chủ yếu là "nghiện" mạng xã hội Facebook, trong năm 2009. Tuy nhiên, con số này đã tăng lên đến 70 trường hợp vào năm 2010. Phó Giám đốc Trung tâm Muhammad Muhsin Ahmad Zahari nhận định, hầu hết các trường hợp "nghiện" net đều còn rất trẻ vì họ ham khám phá Internet và các mạng xã hội và quên đi các hình thức giao tiếp xã hội khác.

Hằng Linh (theo AFP)