03:20 03/03/2015

Chật vật tìm người giúp việc sau Tết

Một tuần sau Tết âm lịch, cuộc sống của nhiều gia đình ở Hà Nội vẫn lao đao vì... người giúp việc.

Một tuần sau Tết âm lịch các công ty, cơ quan bắt đầu làm việc trở lại bình thường thì cuộc sống của nhiều gia đình ở Hà Nội vẫn lao đao vì... người giúp việc.

Dịp sau Tết luôn là dịp “nóng” vấn đề giúp việc. Ảnh: Việt Trung


Từ ngày đầu tiên đi làm là ngày mùng 6 tháng Giêng đến nay, không ngày nào chị Nguyễn Thu Huyền (Thanh Xuân, Hà Nội) đến cơ quan đúng giờ. Ngày nào chị cũng phải xin đến muộn 1 - 2 giờ hoặc xin nghỉ để ở nhà chăm con nhỏ và mẹ bị ốm. Chồng chị Huyền đi làm ăn xa nên ngày mùng 5 Tết đã không ở nhà, con nhỏ mới học lớp 2 nên cần người đưa đón, còn mẹ chị thì nay đã ngoài 70, bị ốm nên thường xuyên chỉ nằm nhà. Nhà đã neo người nhưng giúp việc về nghỉ Tết đến nay vẫn không thấy tăm hơi đâu, nên một mình chị không kịp xoay xở, hôm nào cũng đến cơ quan trong tình trạng “đầu bù tóc rối”.

Để giữ người giúp việc, trước khi nghỉ Tết, chị Huyền đã trả lương đầy đủ, có thưởng Tết, quần áo mới và ứng trước 1 tháng lương là 4 triệu đồng. Chị còn giao hẹn nếu giúp việc lên đúng ngày hẹn là mùng 6 Tết thì sẽ thưởng thêm một triệu. “Hẹn mùng 6 nhưng đến tận bây giờ giúp việc vẫn chưa lên, cũng không liên lạc được, tôi liên hệ vài công ty giúp việc nhưng đều không có người. Không biết tình trạng này kéo dài đến bao giờ, nếu không sớm tìm được người, chắc tôi bị đuổi việc vì nghỉ nhiều mất”, chị Huyền chia sẻ.

Trong tình cảnh tương tự, gia đình bà Lê Thị Thanh (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cũng đang phải lao đao vì thiếu người giúp việc. Bà Thanh năm nay đã ngoài 60 tuổi, sức khỏe không được tốt, chồng bà bị liệt, 3 năm nay nằm một chỗ. Hai ông bà có một cậu con trai nhưng thường xuyên phải đi làm xa. Khó khăn lắm gia đình bà mới kiếm được một cô giúp việc nhanh nhẹn quê ở Thái Bình. Năm ngoái, sau Tết thì giúp việc lên đúng hẹn, nhưng năm nay dù đã hẹn mùng 5 Tết sẽ có mặt nhưng đến ngày mùng 10 mới thấy cô giúp việc liên hệ lại và thông báo sẽ nghỉ hết tháng Giêng để lo chuyện cưới xin cho con trai.

Không có người giúp việc, cuộc sống gia đình bà Thanh bị đảo lộn hết cả. Không còn cách nào khác, bà đành gọi đến mấy công ty giúp việc theo giờ. Sau khi gọi đến công ty thứ 4 thì bà mới thuê được người làm, mỗi ngày 2 giờ, giá 50.000 đồng/giờ.

“Chăm người ốm nhiều việc không tên, mọi việc ăn uống, vệ sinh đều phải có người giúp. Tôi không có sức để nâng ông ấy dậy cho ăn hoặc tắm rửa nên nhất định phải có giúp việc. Giờ đành thuê giúp việc theo giờ, đợi hết tháng cô giúp việc lên, hy vọng mọi chuyện sẽ ổn hơn”, bà Thanh thở dài.

Năm nào cũng vậy, tìm người giúp việc sau Tết bao giờ cũng “nóng” hơn những tháng khác. Không chỉ các gia đình lao đao vì giúp việc, các công ty giúp việc cũng bị thiếu nhân lực trầm trọng. Ông Nguyễn Thạch Anh, Giám đốc Công ty TNHH thương mại và dịch vụ Thiên Gia (Từ Liêm, Hà Nội), chuyên về dịch vụ giúp việc gia đình cho biết: “Nhu cầu tìm giúp việc trước và sau Tết thường cao hơn 30% so với những tháng khác. Năm nay, ngay từ ngày mùng 2 Tết đã có người gọi đến tìm người giúp việc”.

Mặc dù nhu cầu tăng cao nhưng công ty chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu của khách hàng bởi nhiều giúp việc không quay trở lại làm việc theo đúng cam kết. Công ty đã có chính sách ràng buộc, giữ lại tháng lương thứ 13, nếu lao động đi làm đúng hẹn sẽ được trả nhưng cũng chỉ khoảng 80% lao động lên đúng hẹn.

"Nhiều chủ nhà rất tốt, quan tâm, ngoài lương nhận từ công ty, người giúp việc còn thường xuyên được thưởng nhưng nhiều lao động vẫn sẵn sàng “bất tín”, qua rằm tháng Giêng hoặc vài tháng sau mới lên làm việc, khiến nhiều khi công ty rất “khó xử” với khách hàng. Nguyên nhân bởi nhiều người vẫn chưa thật sự coi đây là nghề của mình, họ vẫn làm việc theo kiểu tự phát và tư tưởng thích thì làm, không thích thì nghỉ, hợp đồng cũng thành vô nghĩa với những trường hợp này”, ông Thạch Anh cho biết.


Thu Trang