07:08 09/07/2011

Chất nghệ sĩ đã làm nên thành công

Đặng Nhật Minh tự nhận mình “Không có một niềm say mê nào từ thuở bé đối với điện ảnh” và cũng không có năng khiếu điện ảnh. Thế nhưng, qua những trang viết của anh trong hồi ký “Đặng Nhật Minh - Phim là đời” (Nhà xuất bản Dân trí ấn hành), người đọc lại thấy rằng cuộc sống gia đình anh, tư chất của anh và cơ sở xã hội mà anh gắn bó mật thiết - chính là cái nền vững chắc cho tài năng điện ảnh của anh phát triển.

Đạo diễn Đặng Nhật Minh và diễn viên Minh Hương trong bộ phim “Đừng đốt”. Ảnh: Internet


Từ những cái nhìn thông thường trong cuộc sống, Đặng Nhật Minh đã bộc lộ khả năng cảm thụ của một nhà làm phim. Đó là cái nhìn xoáy vào hiện thực, làm bật lên rồi đọng lại thành những hình ảnh tiêu biểu nhất, cô đọng nhất, gây ấn tượng nhất. Nhìn vào cái chợ An Cựu trên đường Đặng Văn Ngữ ở Huế, anh viết: “Có cảm tưởng như gia đình tôi có duyên nợ nào đó từ kiếp trước với cái chợ này, để đến bây giờ cái biển đường phố mang tên cha tôi cứ suốt ngày đau đáu nhìn sang phía cổng chợ”.

Một khả năng cần có của một đạo diễn điện ảnh là chọn diễn viên phù hợp với nhân vật. Về mặt này, Đặng Nhật Minh thể hiện rõ năng lực của mình. Anh không chạy theo tiếng tăm của các diễn viên, không tìm kiếm các diễn viên thời thượng, mà tự ngắm nhìn, suy tư để chọn ra được diễn viên phù hợp nhất với vai diễn. Nhờ sự lựa chọn tinh tường ấy, phim của anh trở nên có hồn hơn, ấn tượng hơn. Đó là Tất Bình vai nhà báo Vũ trong Thị xã trong tầm tay, Lê Vân (vai Duyên trong Bao giờ cho đến tháng Mười, Minh Châu vai Nguyệt trong Cô gái trên sông, Bùi Bài Bình vai Hòa và Lan Hương vai Thủy trong Mùa ổi, Thúy Hường vai chị Ngữ và Tạ Ngọc Bảo vai Nhâm trong Thương nhớ đồng quê... Sự lựa chọn chính xác của anh không những giúp cho nhân vật bộc lộ rõ tính cách, chuyển tải được trọn vẹn ý đồ nghệ thuật của đạo diễn, mà còn như đôi cánh nâng bổng diễn viên lên trong sự nghiệp điện ảnh của mình. Quả vậy, hầu hết các diễn viên từng đóng trong các phim của anh đều giành được những giải diễn xuất cao tại các liên hoan phim Việt Nam và quốc tế.

Đặng Nhật Minh thường nói rằng mình gặp may. Đó là yếu tố khách quan. Nhưng, bên cạnh những yếu tố khách quan, cần phải có sự vận động tích cực của yếu tố chủ quan, thì thành công mới đến được! Qua những trang viết của Đặng Nhật Minh, thấy rõ anh đã kết hợp hài hòa yếu tố chủ quan và yếu tố khách quan, tư chất nghệ sĩ và kỹ năng nghề nghiệp để tạo cho mình một con đường độc đáo dẫn tới thành công. Chính nhờ vậy, những thành công mà anh gặt hái được là một tất yếu, chứ không phải là sự ăn may. Những điều giản dị mà Đặng Nhật Minh kể ra: “Chính là nhờ có cái vốn tiếng Nga mà tôi đã tự học được rất nhiều trong nghề điện ảnh, tìm hiểu sâu về môn nghệ thuật này”.

Khi được làm phim, dù chỉ là loại phim tốt nghiệp của học sinh, anh cũng“vận dụng những kiến thức đã học được qua sách vở, dồn hết tâm huyết cùng các bạn trẻ làm bộ phim này. Tôi đã cùng đoàn làm phim đi đến hầu khắp các đoàn địa chất đóng trên miền Bắc từ Bát Xát - Lào Cai cho đến đảo Vĩnh Thực - Móng Cái”. Có thể thấy Đặng Nhật Minh đã dám bứt phá khỏi lối làm ăn bao cấp từ lâu, và chủ động, sáng tạo đi trên con đường nghệ thuật. Anh định hướng rõ ràng và kiên định đi theo định hướng ấy. Đó là không làm những phim theo kiểu “nghệ sĩ công chức”, mà “chỉ làm những phim do tôi tự viết lấy kịch bản, nói về những vấn đề mà tôi quan tâm, mà tôi rung động”.

Và từ đó, "Tôi bắt tay viết kịch bản “Bao giờ cho đến tháng Mười” xuất phát từ nỗi đau của hàng vạn, hàng triệu người có người thân ngã xuống trong chiến tranh”. Tất cả những kịch bản anh viết đều xuất phát từ sự thôi thúc, rung động của chính mình. Sau khi viết xong kịch bản “Đừng đốt”, anh tâm sự: “Không ai đặt tôi viết và viết xong tôi cũng chưa định gửi đi đâu cả”. Cùng với “Bao giờ cho đến tháng Mười”, những kịch bản của anh như “Thị xã trong tầm tay”, “Cô gái trên sông”, “Trở về”,“Thương nhớ đồng quê”, “Hà Nội - Mùa đông 46”, “Mùa ổi”,“Đừng đốt”… đã được ra đời như thế và đã trở thành những bộ phim có sức lay động lòng người mạnh mẽ.

“Đặng Nhật Minh - Phim là đời” cũng cho thấy bức tranh chung của điện ảnh Việt Nam một thời... Từ những bộ phim tài liệu cho tới những bộ phim truyện, Việt Nam dần dần hội nhập được với điện ảnh thế giới. Nếu nói theo ngôn ngữ hiện nay, thì chính nhờ những giá trị hiện thực, nhân văn của mình, các tác phẩm điện ảnh Việt Nam, trong đó có những bộ phim truyện của Đặng Nhật Minh, đóng vai trò tích cực trong hoạt động “Ngoại giao văn hóa”, làm cho bạn bè thế giới hiểu về chúng ta, thông cảm, chia sẻ với chúng ta và sát cánh với chúng ta.

Phạm Việt Long