05:05 09/05/2014

Chặn ngay tình trạng đội giá công trình

Mới đây, khi Kiểm toán Nhà nước công bố kết quả kiểm toán dự án xây dựng đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình (giai đoạn 1) thì nhiều người mới tá hỏa một sự thật: Vốn đầu tư cho công trình đã bị đội giá hơn 5.000 tỷ đồng...

Mới đây, khi Kiểm toán Nhà nước công bố kết quả kiểm toán dự án xây dựng đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình (giai đoạn 1) thì nhiều người mới tá hỏa một sự thật: Vốn đầu tư cho công trình đã bị đội giá hơn 5.000 tỷ đồng, gấp 2,5 lần so với mức được phê duyệt. Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông từng gây bức xúc trong dư luận khi công trình bị đội giá đến 339 triệu USD (khoảng 7.000 tỷ đồng), tăng 62%) so với giá phê duyệt ban đầu.

Chưa hết, dự án mở rộng quốc lộ 5 kéo dài (đoạn qua Hà Nội) được phê duyệt với tổng mức đầu tư 3.131 tỷ đồng, chủ đầu tư đề nghị tăng thêm 6.663 tỷ đồng. Dự án cầu dây văng Nhật Tân (nối huyện Đông Anh với quận Tây Hồ, Hà Nội) dự kiến hoàn thành vào dịp kỷ niệm 60 năm Ngày giải phóng Thủ đô (10/10/2014) có tổng vốn đầu tư ban đầu trên 13.626 tỷ đồng, đội giá trên 6.000 tỷ đồng....


Dẫn ra một vài công trình, dự án để thấy rằng, tình trạng đội giá trong xây dựng cơ bản (trong đó có các công trình giao thông) không còn là cá biệt, mà xảy ra như “chuyện thường ngày”. Nó xuất hiện trên tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội và đang trở thành hội chứng cực kỳ nguy hiểm. Nó không những gây thiệt hại cho nền kinh tế, mà còn làm giảm hiệu quả đầu tư, gây hệ lụy xấu cho cả hệ thống cơ chế, chính sách; làm xói mòn lòng tin của người dân. Rất nhiều bộ, ngành liên quan đã phải chạy theo vòng xoáy đội giá, vượt giá để sửa đổi, bổ sung, trình duyệt kèm theo hàng loạt cơ chế, chính sách điều chỉnh vốn cho các dự án.


Theo báo cáo của Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội , tổng mức đầu tư ban đầu của các công trình, dự án thuộc danh mục đầu tư từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2003-2010 là 246.447 tỷ đồng. Nhưng theo tổng hợp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, do nhiều yếu tố đã làm rất nhiều công trình, dự án bị chậm tiến độ, khiến tổng mức đầu tư phải điều chỉnh lên tới 558.654 tỷ đồng (tức đội giá thêm 312.207 tỷ đồng).


Hai năm gần đây, thực hiện sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngành Giao thông Vận tải đã tiến hành rà soát, thẩm tra một số công trình cầu, đường mà chủ dự án đề nghị được điều chỉnh vốn. Kết quả cho thấy, rất nhiều công trình, dự án không những không cần phải bổ sung, mà còn tiết giảm được lượng vốn đáng kể. Cụ thể, đường cao tốc Bến Lức - Long Thành giảm gần 8.500 tỷ đồng; cao tốc Hà Nội - Hải Phòng giảm 3.300 tỷ đồng; tuyến Đà Nẵng - Quảng Ngãi giảm 3.000 tỷ đồng; nút giao Ngã ba Huế giảm 1.000 tỷ đồng; kênh Chợ Gạo giảm gần 1.960 tỷ đồng...


Thử đặt câu hỏi: Nếu không có chỉ đạo của Thủ tướng, thì ngân sách Nhà nước liệu có bị “rút ruột” thêm gần 18.000 tỷ đồng (gộp số vốn tiết giảm của các dự án nêu trên)? Với số tiền tiết giảm, có thể đầu tư xây dựng cả nghìn cây cầu dân sinh để giúp những đứa trẻ ở địa bàn khó khăn không còn chịu cảnh chui vào túi ni lông vượt lũ đến trường!


Có một điểm chung, các công trình, dự án bị đội giá thường được vin vào cái cớ do chậm bàn giao giải phóng mặt bằng. Điều đó đúng và không cần phải bàn cãi. Nhưng còn căn nguyên quan trọng hơn, đó là các đơn vị, cá nhân liên quan lợi dụng kẽ hở trong đấu thầu các công trình, dự án để trục lợi.
Trong một lần trả lời phỏng vấn báo chí mới đây về việc vì sao vốn đầu tư cho đường cao tốc ở Việt Nam lại đắt gấp 3 lần so với ở Mỹ, người đứng đầu ngành Giao thông Vận tải thừa nhận rằng: Có tình trạng “quân xanh, quân đỏ”, tìm cách trúng thầu bằng mọi giá, sau đó cố tình kéo dài thời gian, rồi vin vào trượt giá để xin tăng vốn. Trong con mắt của dư luận, tình trạng lãng phí trong đầu tư đường cao tốc ở Việt Nam không chỉ có ở dự án Cầu Giẽ - Ninh Bình, mà còn rất nhiều công trình, dự án khác...


Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng tại phiên thảo luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (giữa năm 2013) về dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) đã nói: “Có công trình nào không đội giá, thậm chí còn đội giá vô cùng lớn, thế mà vẫn đâu vào đấy. Công trình cả ngàn tỷ mà cứ chạy theo điều chỉnh giá dẫn đến đắt nhất thế giới. Dây dưa kéo dài tiến độ để điều chỉnh giá, tiêu cực chạy cho trúng thầu mà không bắt, không xử được”.


Câu hỏi được đặt ra và cần được trả lời là ai sẽ phải chịu trách nhiệm khi các công trình, dự án bị đội giá? Chủ đầu tư, nhà thầu, đơn vị thi công, tư vấn, giám sát, hay cơ quan phê duyệt dự án? Đã đến lúc không thể kéo dài tình trạng công trình, dự án bị đội giá được coi như chuyện đã rồi, mà không ai phải chịu trách nhiệm cả!


Luật Đấu thầu (sửa đổi) và nhiều văn bản pháp luật đã quy định rõ trách nhiệm cũng như mức xử lý đối với các sai phạm. Tuy nhiên, việc thực hiện lại không nghiêm, dẫn đến tình trạng đội giá công trình, dự án cứ ngày một như chiếc vòi bạch tuộc, làm thâm thủng lòng tin của người dân vào các công trình, dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước.


Trong kỳ tiếp xúc cử tri của các đoàn đại biểu Quốc hội để chuẩn bị cho kỳ họp được khai mạc vào cuối tháng 5 này, nhiều cử tri kiến nghị Quốc hội cần giám sát chặt chẽ các nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản, nhất là nguồn vốn cho các công trình giao thông; đồng thời phải có biện pháp mạnh mẽ, kiên quyết với các đơn vị, cá nhân trục lợi bất chính thông qua đội giá, thổi giá, trượt giá từ các công trình.


Yến Nhi