09:13 09/09/2014

Chấn chỉnh nạn 'cò mai táng' trong bệnh viện

"Cò mai táng" thường xuyên thay đổi lực lượng, sử dụng xe ô tô 12 chỗ ngồi dán logo "chữ thập đỏ" đậu 24/24 giờ trước cổng bệnh viện nhằm đánh lừa người dân là xe phục vụ dịch vụ y tế của các tổ chức.

Ngày 9/9, UBND tỉnh Khánh Hòa đã họp với các cơ quan chức năng bàn về biện pháp xử lý nạn "cò mai táng" trong bệnh viện. Tại hội nghị, ông Lê Xuân Thân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa yêu cầu các cơ quan chức năng sớm chấn chỉnh tình trạng "cò mai táng" tranh giành "mối" gây mất an ninh trật tự, lừa gạt người nhà có bệnh nhân tử vong tại các bệnh viện trên địa bàn tỉnh.

Hiện nay, "cò mai táng" hoạt động tinh vi hơn trước do bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa có nhiều cổng ra vào, các khoa nằm ở nhiều khối nhà khác nhau, lực lượng bảo vệ mỏng và thường bị "cò mai táng" hăm dọa.

"Cò mai táng" cũng thường xuyên thay đổi lực lượng, sử dụng xe ô tô 12 chỗ ngồi dán logo "chữ thập đỏ" đậu 24/24 giờ trước cổng bệnh viện nhằm đánh lừa người dân là xe phục vụ dịch vụ y tế của các tổ chức.

"Cò mai táng" và xe "ngụy trang" tại bệnh viện. Ảnh: baokhanhhoa.com.vn


Sở Y tế Khánh Hòa xác nhận: Một số cơ sở dịch vụ mai táng cài cắm người để chào mời, ngã giá, tranh hợp đồng mai táng rồi sử dụng xe ô tô để sẵn trước cổng bệnh viện đưa bệnh nhân nặng, bệnh nhân tử vong về nhà “miễn phí”, nhưng sau đó lại tính các khoản chi phí khác với giá rất cao.

Để đạt được mục đích, khi thân nhân của người bệnh nặng hoặc vừa qua đời đang rối bời, các "cò mai táng" thường giả làm người thân tiến hành giúp đỡ để "lấy lòng", đồng thời qua mắt bệnh viện, sau đó thực hiện ý đồ của họ. Trên địa bàn thành phố Nha Trang hiện có 13 cơ sở dịch vụ mai táng. Chính quyền địa phương đã nhiều “nhắc nhở” các cơ sở này nhưng nạn "cò mai táng" vẫn tái diễn.

Theo Thượng tá Nguyễn Hồng Kỳ, Phó trưởng Công an thành phố Nha Trang, “cò mai táng” tái diễn là do khi thấy ở trong bệnh viện có người chết, các đối tượng liền tiếp cận người nhà bệnh nhân và đưa ra một số dịch vụ có lợi hơn dịch vụ của bệnh viện, khiến người nhà bệnh nhân khó có thể từ chối.

Để chấn chỉnh nạn “cò mai táng”, nhiều ý kiến cho rằng, cần thừa nhận dịch vụ mai táng trong bệnh viện để dễ quản lý. Theo đó, các cơ sở dịch vụ mai táng phải đăng ký hoạt động, có nhân viên túc trực, công khai giá dịch vụ và tự quản. Bệnh viện chỉ quản lý về giá dịch vụ và giám sát hoạt động các cơ sở này.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Lê Xuân Thân chỉ đạo bệnh viện cần tổ chức lại dịch vụ mai táng trên cơ sở công khai về giá, địa chỉ của các cơ sở, đồng thời hướng dẫn cho người nhà bệnh nhân biết dịch vụ mai táng và tăng cường kiểm tra. Về lâu dài, bệnh viện cần kêu gọi đầu tư của xã hội vào nhà đại thể để đáp ứng nhu cầu mai táng.


Nguyên Lý (TTXVN)