01:10 14/01/2011

Chăm lo cho “đầu cơ nghiệp”

Lai Châu: Theo Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh, ông Đặng Xuân Hào, virút lở mồm long móng (LMLM) đang tấn công đàn gia súc của địa phương.

Lai Châu: Theo Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh, ông Đặng Xuân Hào, virút lở mồm long móng (LMLM) đang tấn công đàn gia súc của địa phương.


Trong thời gian từ ngày 30/11 đến 20/12/2010, đã có hơn 540 con trâu, bò, lợn ở hơn 40 bản trên 5 huyện, thị xã của Lai Châu bị bệnh LMLM ở thể nhẹ hoặc có triệu chứng ở miệng và chân.


Chi cục Thú y tỉnh Lai Châu đã chỉ đạo các trạm thú y các huyện, thị phối hợp với chính quyền cơ sở triển khai các biện pháp cấp bách phòng chống dịch bệnh như phun thuốc sát trùng môi trường, chuồng trại, điều trị triệu chứng cho gia súc mắc bệnh.


Kết quả, hơn 100 con gia súc mắc bệnh đã khỏi về triệu chứng lâm sàng.

Cùng với dịch bệnh, do rét đậm, rét hại, ở 2 huyện biên giới của tỉnh Lai Châu là Sìn Hồ và Tam Đường đã xuất hiện gia súc bị chết rét với số lượng 60 con trâu, nghé. 

Hòa Bình: Dịch bệnh LMLM trên đàn gia súc đã xuất hiện ở huyện Cao Phong, làm 21 con trâu ở xã Yên Lập và 4 con trâu ở xã Tây Phong nhiễm bệnh.


Trước tình hình trên, UBND tỉnh Hòa Bình đã chỉ đạo Chi cục Thú y tỉnh Hòa Bình phối hợp với UBND huyện, xã có số trâu mắc dịch tiến hành khoanh vùng và phun thuốc khử trùng tiêu độc chuồng trại, khống chế không để lây lan sang các xã, huyện lân cận; đồng thời tăng cường công tác kiểm dịch, phối hợp với các ban, ngành liên quan kiểm tra, kiểm soát vận chuyển, giết mổ gia súc ra vào địa bàn có dịch. 

Điện Biên: Dịch đã xuất hiện thêm ở 4 xã: Mùn Chung, Quài Tở, Phình Sáng (huyện Tuần Giáo) và xã Ngối Cáy (huyện Mường Ẳng). Như vậy, sau gần 1 tháng kể từ thời điểm dịch LMLM xuất hiện (từ trung tuần tháng 12/2010), đến thời điểm này tại hai huyện Tuần Giáo và Mường Ẳng dịch LMLM đã xuất hiện ở 17 xã, chủ yếu là các xã vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới với số lượng gia súc mắc dịch lên đến 714 con.

Chi cục Thú y phối hợp cùng với Ban chỉ đạo chống dịch cấp huyện khẩn trương đôn đốc triển khai kế hoạch tiêu độc, khử trùng trên địa bàn, cử cán bộ tăng cường xuống cơ sở nơi có dịch để hướng dẫn, tập huấn cho người dân cách phòng, chống dịch, phun hóa chất... 

Hà Giang: Tính đến ngày 13/1, số gia súc trên địa bàn tỉnh bị chết do thời tiết rét đậm, rét hại kéo dài đã lên đến 406 con (trâu 58 con; bò 17 con; bê, nghé 254 con; dê 3 con). Trong đó, huyện Hoàng Su Phì: 131 con gia súc, huyện Bắc Mê: 79 con, huyện Yên Minh: 65 con, huyện Vị Xuyên: 45 con bị chết.

UBND tỉnh Hà Giang đã có công điện khẩn gửi tới các huyện, thành phố, thị trấn khẩn trương đưa các tổ công tác xuống các xã để nắm tình hình, phối hợp với chính quyền cơ sở đến từng hộ dân hướng dẫn cách phòng chống rét và cứu đói cho gia súc. 

Hòa Bình: Theo báo cáo của Chi cục Thú y tỉnh, trận rét đậm, rét hại vừa qua, đã làm chết 233 con trâu, bò, chủ yếu là trâu, bò già và bê, nghé non. Trong đó, riêng huyện Đà Bắc có tới 178 con trâu, bò chết vì rét, chủ yếu tập trung ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Huyện Lạc Sơn có 24 trâu, bò chết do chủ quan của người chăn thả, rải rác ở các xã Miền Đồi, Mỹ Thành, Ân Nghĩa và Quý Hòa.


Trước tình hình rét đậm, rét hại có thể kéo dài, UBND tỉnh Hòa Bình đã yêu cầu các ban, ngành liên quan tăng cường công tác phòng chống đói, rét cho trâu, bò hơn nữa.


Đề nghị, trạm thú y ở 11 huyện, thành phố cử cán bộ thú y đến các xã, phường vận động bà con có tập tục chăn thả tự do đưa đàn gia súc về nuôi nhốt tại chuồng, đảm bảo giữ ấm cho chúng trong những ngày rét tăng cường.

TTN