02:14 14/02/2015

Chấm dứt việc gây ô nhiễm môi trường ở Công ty Mía đường Sơn La

Cứ vào vụ sản xuất của Công ty cổ phần mía đường Sơn La, tình trạng ô nhiễm suối Nậm Pàn chảy qua khu vực thị trấn Hát Lót (huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La) lại trở nên nghiêm trọng.

Hàng năm, cứ vào vụ sản xuất của Công ty cổ phần mía đường Sơn La, tình trạng ô nhiễm suối Nậm Pàn chảy qua khu vực thị trấn Hát Lót (huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La) lại trở nên nghiêm trọng, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của nhân dân. Nguyên nhân do nước thải của nhà máy đường thẩm thấu ra môi trường.

Mặc dù Công ty cổ phần mía đường Sơn La đã đưa hệ thống xử lý nước thải đi vào hoạt động nhưng tình trạng này vẫn chưa chấm dứt triệt để.

Sống chung với ô nhiễm

Đến tiểu khu 4, tiểu khu 5, thị trấn Hát Lót, điều đầu tiên dễ nhận thấy là không khí có mùi khó chịu. Nằm ngay cạnh dòng suối Nậm Pàn là gia đình ông Nguyễn Thế Đĩnh. Hàng năm đến vụ sản xuất mía đường của Công ty cổ phần mía đường Sơn La, gia đình ông Đĩnh đều phải dùng bạt che kín toàn bộ ngôi nhà.

Khu xử lý nước thải của Nhà máy đường Sơn La đang được đầu tư cải tạo, nâng cấp. Ảnh: Báo Sơn La.


Ông cho biết: "Cứ vào lúc từ 11 giờ đêm đến gần sáng, không khí ở đây có mùi khó chịu nhất, ngửi vào rất đau đầu, nhưng do gia đình không có điều kiện kinh tế để chuyển nhà đi nơi khác nên vẫn phải sống ở đây. Vì thế , lúc nào cũng phải đóng kín cửa, có những hôm cả nhà phải tránh đi chỗ khác vì không chịu nổi mùi bốc lên từ dòng suối".

Cũng chung tình trạng như các hộ dân khác có nhà ở dọc suối Nậm Pàn, 3 năm trở lại đây, cứ đến khi Công ty Cổ phần mía đường Sơn La vào vụ sản xuất, bà Chu Thị Cát ở xóm 2, tiểu khu 5 lại phải mua bạt dứa để đậy miệng mạch nước cạnh nhà nhằm hạn chế bớt mùi hôi thối bốc lên. Bà Cát bức xúc nói: "Mạch nước ngầm này nằm trong khu vườn nhà tôi tuy đã ở chỗ khuất, nhưng năm nào, tôi cũng phải mua mấy trăm nghìn tiền bạt để đến mùa là đậy vào. Nếu không che lại, vào ban đêm mùi hôi nồng nặc, không thể ngủ được".

Đi theo dòng suối về khu vực đầu nguồn, các hộ dân sống ven suối đều tỏ ra bức xúc vì tình trạng ô nhiễm kéo dài . Tại khu vực này, dòng nước ngầm chảy ra từ lòng đất bốc mùi hôi thối, nhớt trắng bám vào khe đá và cây cỏ bên bờ.

Bà Hoàng Thị Tuyến, người dân tiểu khu 5 cho biết: "Trước đây nước suối ở đây rất trong, hai bên suối nhà nào cũng trồng rau xanh, nhiều nhà đào ao nuôi cá. Bây giờ do nước bị ô nhiễm nặng, cá dưới suối không sống được, trồng rau mang nước suối tưới thì rau chết, còn buổi tối muỗi bay vào đầy nhà, diệt không xuể".

Thiếu quyết liệt xử lý

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, vào vụ sản xuất mía đường 2013 – 2014, Công ty cổ phần mía đường Sơn La đã để xảy ra tình trạng gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Sau khi người dân và các cơ quan chức năng lên tiếng, Công ty đã cam kết, trước niên vụ 2014 - 2015 sẽ khắc phục triệt để tình trạng ô nhiễm trên địa bàn có liên quan đến việc sản xuất của nhà máy.

Tuy nhiên, vào đầu năm 2014, Công ty đã bị Cục Cảnh sát môi trường (Bộ Công an) phạt gần 440 triệu đồng vì lý do để nước thải chưa qua xử lý chảy ra môi trường và khí thải vượt quá tiêu chuẩn cho phép. Nhưng đến nay, khi vụ sản xuất 2014 – 2015 đã được gần một nửa thời gian, tình trạng ô nhiễm môi trường do nước thải của Công ty Cổ phần mía đường Sơn La vẫn tiếp tục tái diễn.

Làm việc với lãnh đạo Công ty cổ phần Mía đường Sơn La, ông Nguyễn Xuân Minh, Tổng Giám đốc Công ty thừa nhận, việc ô nhiễm suối Nậm Pàn có liên quan đến nước thải của nhà máy. Ông Minh cho biết, nhiều năm qua khả năng phát huy năng suất và hiệu quả của dây chuyền sản xuất của nhà máy chưa ổn định; việc đầu tư chắp vá, chưa trọng tâm nên đã xảy ra sự cố ở một số công đoạn của dây chuyền.

Đặc biệt, việc xử lý nước thải của nhà máy chưa triệt để, là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng ô nhiễm suối Nậm Pàn tại khu vực thị trấn Hát Lót. Trước tình hình nước thải của nhà máy gây ô nhiễm môi trường, vào tháng 9/2014, Công ty đã đưa dây chuyền xử lý nước thải có tổng vốn đầu từ hơn 8 tỷ đồng đi vào hoạt động, để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường do nhà máy gây ra.

Tuy nhiên, đến thời điểm tháng 2/2015, tức là gần 5 tháng sau khi hệ thống xử lý nước thải theo công nghệ hiện đại với số tiền hàng tỷ đồng của Công ty cổ phần mía đường Sơn La đi vào hoạt động, tình trạng ô nhiễm vẫn không chấm dứt và tiếp tục bị người dân phản ánh, kiến nghị.

Trước vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Minh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần mía đường Sơn La cho rằng, việc để xảy ra ô nhiễm trong vụ sản xuất năm nay là sự cố "ngoài ý muốn". Ông Minh lý giải, trong giai đoạn đầu chạy thử nghiệm hệ thống xử lý nước thải, men vi sinh không thích nghi với môi trường ở Sơn La nên bị chết, buộc công ty phải đưa nước thải ra hồ dự phòng. Các hồ chứa nước thải này chưa được xây dựng kiên cố, đáy hồ vẫn là nền đất và lót bằng tấm nhựa. Vì vậy, có thể tấm lót ở đáy hồ chứa nước thải đã bị thủng, từ đó nước thải thẩm thấu và ngấm ra suối Nậm Pàn gây ô nhiễm.

Như vậy, trách nhiệm không xử lý triệt để nguồn nước thải dẫn đến việc gây ô nhiễm môi trường của Công ty cổ phần mía đường Sơn La đã rõ ràng. Để xử lý triệt để tình trạng ô nhiễm suối Nậm Pàn, cần có sự vào cuộc quyết liệt của các ngành chức năng, khẩn trương đánh giá mức độ ô nhiễm, xác định rõ nguyên nhân để có các giải pháp xử lý triệt để.

Đồng thời, Công ty cổ phần Mía đường Sơn La phải xác định rõ trách nhiệm, thực hiện nghiêm túc quy trình sản xuất gắn với bảo vệ môi trường, sớm chấm dứt tình trạng nước thải thẩm thấu ra môi trường.

Lê Hữu Quyết