06:17 08/06/2014

Chậm do đâu

Sau 2 năm, việc triển khai thực hiện Đề án 79 ở huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên vẫn còn nhiều vướng mắc.

Sau 2 năm, việc triển khai thực hiện Đề án 79 ở huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên vẫn còn nhiều vướng mắc.


Việc hỗ trợ sản xuất đời sống cho các hộ dân đã di chuyển đến vùng quy hoạch luôn được quan tâm thực hiện. Ảnh: Thế Duyệt – TTXVN

 

Ngay sau khi Đề án 79 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, UBND tỉnh Điện Biên đã thành lập và ban hành quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án; giao nhiệm vụ chủ đầu tư cho 10 đơn vị để thực hiện việc bố trí, sắp xếp dân cư gắn với thành lập các bản mới; xây dựng kế hoạch, nội dung tuyên truyền về Đề án và tổ chức hội nghị quán triệt các nội dung của Đề án tới trưởng, phó các phòng ban, đoàn thể của huyện và các xã, tuyên truyền sâu rộng tới toàn thể nhân dân đang sinh sống trên địa bàn để người dân hiểu và tự giác tham gia thực hiện Đề án.


Kết quả còn khiêm tốn


Tỉnh Điện Biên đã ban hành quy định mức hỗ trợ của Đề án để cụ thể hóa chính sách bồi thường, hỗ trợ về đất đai, tài sản, cây cối hoa màu gắn liền với đất khi Nhà nước thu hồi đất; chính sách giao đất ở, đất sản xuất và góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất; các chính sách hỗ trợ nhà ở, lương thực, sản xuất, đào tạo bồi dưỡng và các hỗ trợ khác theo Đề án. Hoàn thành tổng rà soát hộ khẩu, nhân khẩu trên địa bàn huyện Mường Nhé, xác định số lượng hiện có là 11.399 hộ, 63.777 khẩu, tăng 523 hộ, 1.757 khẩu so với thời điểm điều tra xây dựng Đề án, trong đó, có 188 hộ, 962 khẩu hiện đang cư trú tại các khu vực dân cư cần phải di chuyển đến nơi quy hoạch mới.


Đến nay, đã có 825 hộ tự nguyện làm đơn đăng ký vào các điểm bố trí, sắp xếp dân cư tập trung gắn với thành lập bản mới của Đề án, đạt 83% so với tổng số hộ phải di chuyển; 40 điểm bản thành lập mới được phê duyệt phương án sắp xếp, ổn định dân cư. Tính đến hết tháng 10 năm 2013, số hộ dân đã đăng ký và được phê duyệt danh sách di chuyển, sắp xếp tại các chỗ là 764 hộ, trong đó có 624 hộ đã di chuyển vào vùng quy hoạch của các bản.


Việc hỗ trợ sản xuất, đời sống cho các hộ dân đã di chuyển đến vùng quy hoạch được quan tâm thực hiện, trong đó, đã hỗ trợ 3,3 tấn ngô giống, 163 con dê sinh sản và dụng cụ sản xuất cho 223 hộ dân thuộc 9 điểm bản; lập phương án hỗ trợ các hộ dân đã di chuyển theo quy hoạch nhưng chưa được hỗ trợ, giúp nhân dân ổn định đời sống, phát triển sản xuất tại nơi ở mới.


Đâu là nguyên nhân?


Sau gần 2 năm triển khai thực hiện Đề án đã bộc lộ một số khó khăn, vướng mắc, nổi bật là: Số hộ dân cần được bố trí, sắp xếp tăng thêm rất nhiều so với thời điểm điều tra xây dựng Đề án. Tiến độ triển khai thực hiện một số nội dung của Đề án còn chậm, điển hình là việc xây dựng các phương án bố trí, sắp xếp dân cư của 29 điểm bản thành lập mới; phối hợp giữa các chủ đầu tư và cơ quan, đơn vị có liên quan trong công tác giải phóng mặt bằng, di chuyển dân, chuẩn bị đầu tư và triển khai xây dựng các công trình hạ tầng thiết yếu.


Công tác đào tạo cán bộ xã, bản chưa được chú trọng triển khai, tổ chức thực hiện các chính sách hỗ trợ ổn định đời sống, hỗ trợ phát triển sản xuất còn lúng túng. Một bộ phận nhân dân chưa đồng tình với các điểm bố trí dân cư của Đề án nên không đăng ký di chuyển (còn 3 điểm bản thành lập mới chưa được phê duyệt do không có đủ số hộ dân đăng ký đạt 70% theo quy định).


Nguyên nhân là do địa hình huyện Mường Nhé bị chia cắt, núi cao, độ dốc lớn, việc tìm mặt bằng để bố trí đất ở, đất sản xuất tại một số điểm dự kiến bố trí bản mới ở các xã Mường Toong, Nậm Kè, Pá Mỳ chưa đáp ứng được đầy đủ nhu cầu, nguyện vọng của các hộ dân đăng ký di chuyển vào vùng quy hoạch; không có nguồn nước sinh hoạt; lịch sử khu đất vốn là nghĩa địa nên người dân không đồng ý vào ở; thời tiết diễn biến không thuận lợi, dịch bệnh cây trồng, vật nuôi đã ảnh hưởng đến phát triển sản xuất, đời sống của người dân.


Việc tiếp cận các nguồn vốn thực hiện Đề án còn gặp nhiều khó khăn, thời gian, thủ tục, trình tự đầu tư kéo dài, chế độ, chính sách còn chồng chéo, bất cập, chậm được tháo gỡ, giải quyết. Bên cạnh đó, năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của một số cấp ủy, chính quyền cơ sở còn hạn chế, chưa phát huy được vai trò, hiệu quả trong việc nắm tình hình, kiểm tra, giám sát xử lý những vấn đề phát sinh, kiến nghị chưa kịp thời. Một số sở, ngành của tỉnh còn chưa chủ động; có những cơ quan, đơn vị lần đầu thực hiện công tác bố trí, sắp xếp dân cư nên chưa nắm rõ quy trình, thủ tục, tiến độ chậm so với quy định. Năng lực tài chính của một số nhà đầu tư trên địa bàn còn yếu, trình độ quản lý còn hạn chế; việc phát huy vai trò giám sát, tham gia của người dân trong tổ chức triển khai thực hiện, quản lý các dự án đầu tư xây dựng còn hạn chế.


Công tác tuyên truyền, vận động tuy đã được chú trọng song hiệu quả chưa cao, một bộ phận nhân dân vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào các chính sách hỗ trợ của Nhà nước.


H.T.T (Ban Chỉ đạo Tây Bắc)