07:11 09/07/2012

Chắc tay súng nơi con sóng dữ

Ra đời từ yêu cầu tiếp nhận chi viện vũ khí của miền Bắc cho chiến trường miền Nam, Trung đoàn 962 đã góp phần rất lớn làm nên huyền thoại “Đường Hồ Chí Minh trên biển". Nay cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn vẫn chắc tay súng bảo vệ vùng biển phía nam của Tổ quốc.

Ra đời từ yêu cầu tiếp nhận chi viện vũ khí của miền Bắc cho chiến trường miền Nam, Trung đoàn 962 đã góp phần rất lớn làm nên huyền thoại “Đường Hồ Chí Minh trên biển" trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước. Nay cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn vẫn tiếp nối truyền thống anh hùng của lớp lớp cha anh đi trước chắc tay súng bảo vệ vùng biển phía nam của Tổ quốc.

 

Ra đời từ yêu cầu tiếp nhận chi viện vũ khí của miền Bắc cho chiến trường miền Nam, qua 49 năm trưởng thành, Trung đoàn 962 đã góp phần rất lớn làm nên huyền thoại “Đường Hồ Chí Minh trên biển” trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ cứu nước và xây dựng bảo vệ vùng biển của Tổ quốc trong thời bình. Năm 1976, ngay sau khi đất nước thống nhất, Trung đoàn đã vinh dự được tuyên dương đơn vị “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”; nhiều thế hệ thuyền trưởng của đơn vị như Phan Văn Nhờ, Bông Văn Dĩa, Nguyễn Đắc Thắng và Đinh Đức Dừa... cũng được phong tặng danh hiệu cao quí này cùng nhiều huân, huy chương và bằng khen của các Bộ, ngành.

 

Tháng 1/1960, khi chiến dịch Đồng Khởi nổ ra ở Bến Tre, nhu cầu chi viện vũ khí cho chiến trường Miền Nam càng cấp bách hơn. Năm 1961, Trung ương chỉ thị cho các tỉnh Cà Mau, Bến Tre, Trà Vinh, Bà Rịa - Vũng Tàu chuẩn bị bến bãi và tổ chức đưa tàu thuyền ra Bắc nhận vũ khí. Ngày 19/9/1962 tại xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển (tỉnh Cà Mau), đồng chí Phạm Thái Bường, Ủy viên Trung ương Cục miền Nam đã công bố quyết định thành lập Đoàn 962 dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Trung ương Cục, chuẩn bị mọi điều kiện cho Đoàn 125 ra Bắc vận chuyển vũ khí đồng thời khảo sát xây dựng các bến bãi, kho tàng để đón nhận, cất giữ, vận chuyển, giao hàng cho chiến trường Nam Bộ.

 

Đoàn 962 giữ vai trò quan trọng là đầu cầu lớn tiếp nhận chi viện của Miền Bắc cho chiến trường Miền Nam nhưng do nhiều chuyến hàng vận chuyển bị lộ nên đến giữa năm 1971 Đoàn 125 phải kết thúc nhiệm vụ. Vì vậy Đoàn 962 cũng ngừng việc tiếp nhận vũ khí để chuyển sang nhiệm vụ mới, khai thông lại tuyến đường biển Bắc - Nam , vận chuyển hợp pháp bằng tàu 2 đáy. Trong 13 năm, Đoàn 962 đã đưa 124 chuyến tàu ra Bắc; trực tiếp 4 lần thông mở đường; tiếp nhận và vận chuyển ra chiến trường Miền Nam trên 7.000 tấn vũ khí; trực tiếp chiến đấu 251 trận, qua đó bắn chìm 306 tàu chiến của địch, bắn hạ, phá hủy 42 máy bay…, góp phần đánh bại chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, “Chiến tranh cục bộ” và chiến dịch “Nhổ cỏ U Minh” của đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn. Ngoài ra, Đoàn còn tham gia giải phóng 11 đảo trên vùng biển Tây Nam, đưa đón nhiều đồng chí lãnh đạo cấp cao như Lê Đức Anh, Võ Văn Kiệt… vào Nam, ra Bắc an toàn.

 

Sau khi đất nước thống nhất, Đoàn 962 được rút gọn thành Trung đoàn, có địa bàn hoạt động tại vùng biển phía Nam và nội địa khu vực Đồng bằng sông Cửu Long trực thuộc Quân khu 9. Năm 1977, Trung đoàn tiếp tục lên đường làm nhiệm vụ quốc tế giúp nước bạn Campuchia, góp phần tô đậm thêm những chiến công vẻ vang của đơn vị.

 

Trung đoàn 962 có nhiệm vụ huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, chống khủng bố, phòng chống lụt bão, cứu hộ cứu nạn... Sáu tháng đầu năm 2012, quán triệt nhiệm vụ cấp trên giao, Trung đoàn đã tổ chức được 143 lượt luyện tập, báo động sẵn sàng chiến đấu, phòng chống cháy nổ với gần 200 lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia tất cả các phương án. Qua kiểm tra, các nội dung huấn luyện đều đạt yêu cầu đề ra, công tác trực chỉ huy, thông tin liên lạc duy trì tốt, đáp ứng yêu cầu sẵn sàng lên đường nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Nhiều năm, đơn vị được cấp trên tặng Cờ ''Đơn vị huấn luyện giỏi'' của Quân khu 9.

 
 

Chỉ huy tàu quán triệt nhiệm vụ trước khi rời bến.

 
 

Kíp trực chiến đấu trên tàu luôn sẵn sàng hoàn thành nhiệm vụ khi phát hiện mục tiêu địch.

 
 

Đơn vị huấn luyện báo động sẵn sàng chiến đấu.

 
 

Trung đoàn 962 đã góp phần rất lớn làm nên huyền thoại “Đường Hồ Chí Minh trên biển” trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ cứu nước và xây dựng bảo vệ vùng biển của Tổ quốc trong thời bình.

 

Chùm ảnh: Trọng Đức