11:18 04/11/2011

Cậu tôi

Cậu đi lần ấy rồi không bao giờ trở về nhà nữa. Ông bà ngoại tôi và cả nhà tôi ngày đêm mong ngóng. Cho đến sau ngày giải phóng được hai tháng thì ông xã đội trưởng đem đến một tờ giấy báo tử (cậu hy sinh năm 1968 khi vừa hai mươi tuổi)...

Cậu là người con thứ bảy trong chín người con của ông bà ngoại tôi (mẹ tôi là thứ hai). Cậu hơn tôi mười tuổi. Khi cậu đi bộ đội thì tôi khoảng tám, chín tuổi. Cho đến bây giờ, đã hơn bốn chục năm qua đi, tôi vẫn còn mường tượng được khuôn mặt, dáng người của cậu. Cậu có nước da bánh mật, dáng người cao, khỏe, với mái tóc húi cua và nụ cười thật hiền.

Trong ký ức tuổi thơ tôi có hai kỷ niệm về cậu làm tôi nhớ mãi. Hôm đó, mẹ tôi xuống nhà bà ngoại chơi từ sáng. Trời cuối thu se se lạnh. Đến khoảng cuối buổi chiều, bỗng cậu từ dưới nhà chạy lên, báo tin mẹ tôi đang đau bụng sắp sinh em bé. Cậu nói rồi vội vàng ôm chiếc chăn mỏng và bọc quần áo, tã lót bố tôi đưa cho và đi ngay. Nhưng rồi mẹ tôi bớt đau bụng. Bố tôi xuống đón mẹ tôi về và sau vài ngày nữa thì sinh em tôi ở nhà. Nhưng hình ảnh cậu buổi chiều cuối thu năm đó tôi không sao quên được. Năm đó cậu mười sáu tuổi.

Kỷ niệm thứ hai là khi cậu đã đi công nhân, được đơn vị cho về qua nhà để chuẩn bị lên đường nhập ngũ. Trưa giữa đông, hoe hoe nắng. Tôi vừa đi học về, được mẹ sai chạy sang nhà hàng xóm xin quả đu đủ về nấu với thịt gà, mời cơm cậu. Cậu ngồi bên bể nước mưa, phụ mẹ gọt đu đủ vừa nói chuyện với mẹ. Hôm đó cậu mặc chiếc áo budông màu cứt ngựa có hàng phéc mơ tuya sáng loáng, khá dày và ấm. Chiếc áo này khi đi bộ đội cậu đã để lại nhà, chuyền tay nhiều anh em con bác bên ngoại tôi, đến năm tôi học lớp mười thì đến tay tôi. Lúc đó nó đã bạc màu, vải lót các túi đã rách và hàng phéc mơ tuya không còn nữa, thay bằng hàng cúc lớn nhưng vẫn còn đủ ấm và khá “oách” so với đám bạn cùng lứa chỉ có áo sợi, áo dệt kim Đông Xuân loang lổ bùn đất, nhựa cây.

Cậu đi lần ấy rồi không bao giờ trở về nhà nữa. Ông bà ngoại tôi và cả nhà tôi ngày đêm mong ngóng. Cho đến sau ngày giải phóng được hai tháng thì ông xã đội trưởng đem đến một tờ giấy báo tử (cậu hy sinh năm 1968 khi vừa hai mươi tuổi) và xã đã tổ chức lễ truy điệu cậu. Nỗi đau xé ruột đến với gia đình tôi trong những ngày đất nước đang chung niềm vui lớn.

Cậu còn để ở nhà chiếc đàn bầu tự chế bằng ống bơ sữa bò và khúc tre vầu, cùng chiếc sáo trúc và chiếc dậm bắt cá. Bà ngoại tôi cất giữ rất cẩn thận chờ ngày cậu trở về. Nhưng sau khi báo tử cậu rồi thì mỗi lần nhìn thấy những di vật ấy, lòng bà, lòng chúng tôi lại đau như cắt. Một bữa, bà đem vào bếp đốt hết. Chúng tôi đứng nhìn mà thấy không có cách nào khác, giữ lại chỉ gợi đau thêm lòng bà.

Giấy báo tử của cậu nơi hy sinh không ghi rõ cụ thể ở đâu, chỉ vỏn vẹn mấy chữ: Hy sinh ở mặt trận phía Nam. Thật là mênh mông, vô định, làm sao mà tìm kiếm?

Một lần vào nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, tôi đã tìm khắp mười nghìn ngôi mộ mà không thấy mộ cậu.

Sau này, người cậu thứ sáu của tôi chắp nối tin tức về cậu Hoan, biết được cậu hy sinh ở chiến trường Bình Định, người mai táng cậu Hoan sau đó cũng hy sinh nên bây giờ không biết đích xác nơi chôn cất cậu. Tôi đã nhờ nhà thơ Nguyễn Văn Chương trước công tác ở Sở Văn hóa Thông tin Bình Định đến Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tìm trong danh sách liệt sĩ được qui tập ở Bình Định nhưng cũng không thấy tên cậu. Nhà thơ Nguyễn Văn Chương cũng đã nhắn tin giúp tôi trên mục “Đi tìm đồng đội” trên báo Bình Định và báo Quân độiNhân dân mà chẳng thấy hồi âm.

Cậu Hoan ơi, cậu đang nằm ở đâu?

Có ai biết được cậu tôi: Liệt sĩ Chu Công Hoan, sinh năm 1948, quê ở xã An Ninh, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình, nhập ngũ năm 1966, đã hy sinh và được chôn cất ở đâu, xin chỉ giúp.

Đàm Chu Văn