11:23 16/11/2011

Câu lạc bộ thổ cẩm Tả Phìn:Một điển hình hoạt động của phụ nữ vùng cao

Câu lạc bộ (CLB) phát triển nghề thổ cẩm của phụ nữ xã Tả Phìn (Sa Pa, Lào Cai) được thành lập từ năm 1998. Trải qua không ít khó khăn, nhưng CLB đã đứng vững và phát triển tốt, đem lại nhiều lợi ích kinh tế cho phụ nữ xã Tả Phìn và đóng góp nhiều cho phong trào chung.

Câu lạc bộ (CLB) phát triển nghề thổ cẩm của phụ nữ xã Tả Phìn (Sa Pa, Lào Cai) được thành lập từ năm 1998. Trải qua không ít khó khăn, nhưng CLB đã đứng vững và phát triển tốt, đem lại nhiều lợi ích kinh tế cho phụ nữ xã Tả Phìn và đóng góp nhiều cho phong trào chung.

Chị em người Dao CLB thổ cẩm Tả Phìn.


Ban đầu, CLB chỉ có 30 chị em, trong đó có 16 chị em người dân tộc Mông và 14 dân tộc Dao. Khó khăn lớn nhất của CLB là không có vốn ứng trước cho các thành viên trong nhóm, mà hầu hết đều có hoàn cảnh gia đình khó khăn cộng với nhận thức còn hạn chế. Cứ thêu được 2-3 mảnh các chị lại muốn có tiền tiêu ngay, mà CLB phải tập trung rất nhiều hàng mới đủ chuyến gửi đi tiêu thụ. Nhiều chị chán nản đã muốn bỏ CLB. Chị Chảo Sử Mẩy, chủ nhiệm CLB tâm sự: "Chúng tôi một mặt động viên chị em, mặt khác tranh thủ mọi sự ủng hộ và tìm các nguồn vốn của các chương trình để có tiền ứng trước cho các chị. Có lúc thì chị em lại quen như thêu hàng để sử dụng, không tuân thủ theo đúng thời gian của đơn đặt hàng, rồi hỏng, sai mẫu mã không bán được. Nhưng tôi đã nhận định nếu phát triển thêu may thổ cẩm theo đúng hướng thì đó là một nghề truyền thống có thể tạo ra việc làm tăng thu nhập cho chị em phụ nữ nông thôn mà các cấp hội phụ nữ đang rất quan tâm…

Ban chủ nhiệm CLB đã họp bàn với chị em, phải khắc phục khó khăn để CLB hoạt động tốt. Trước hết, CLB đẩy mạnh việc tìm thị trường tiêu thụ, quảng bá sản phẩm ở nhiều nơi, tranh thủ sự hợp tác, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân; tăng cường sinh hoạt chia sẻ trao đổi kinh nghiệm để nâng cao nhận thức cho các thành viên để cùng thấy được những khó khăn ban đầu mà mình phải vượt qua, thống nhất một lòng tạo dựng CLB. Trong CLB thì chị em nào có hoàn cảnh gia đình khá giúp đỡ chị em khó khăn hơn. Khi hàng được thanh toán cũng trả tiền cho các chị khó khăn trước và trích lại một phần làm quỹ nhóm hoạt động. Mọi việc đều công khai, minh bạch, có vào sổ ghi chép đầy đủ. "Vậy là các chị em có hoàn cảnh khó khăn nhất dần bớt khó khăn, tỷ lệ thuận với số quỹ cứ tăng dần theo thời gian và đến khi đạt giá trị khá, chúng tôi lần lượt cho các chị em trong CLB vay luân chuyển không lấy lãi. Đây là việc làm mà chị em đều quan tâm ủng hộ, nên ngày càng có nhiều chị xin gia nhập CLB. Đến nay, hàng năm chúng tôi tổ chức tham gia hội chợ ở Sa Pa, Hà Nội và ngay tại xã", chị Mẩy tâm sự.

Do thị trường thay đổi nhu cầu, thị hiếu, mẫu mã liên tục nên ban chủ nhiệm CLB phải thường xuyên nắm bắt thị hiếu và lắng nghe khách hàng phản ánh, kịp thời thay đổi, từ các đường nét thêu, cách phối màu và gia công sản phẩm. CLB đã phối hợp với Phòng Thông tin du lịch, phòng LĐ, TB & XH huyện tổ chức được 13 lớp cho 390 lượt chị em tham gia học tập nâng cao kiến thức: Hướng dẫn cắt, thiết kế mẫu mã phù hợp với khách hàng. Hàng năm, câu lạc bộ thổ cẩm của xã đã chọn cử các thành viên xuất sắc tham gia hội chợ triển lãm nghề truyền thống của dân tộc thiểu số tại Hà Nội, Lào Cai, để giới thiệu quảng bá với du khách trong và ngoài nước về sản phẩm hàng thổ cẩm của dân tộc thiểu số và thuốc tắm của đồng bào dân tộc Dao.
Đến nay, CLB đã thu hút được 250 hội viên tham gia hoạt động, trong đó có 140 chị em người Mông, 110 chị em người Dao, tạo thu nhập thêm vào những ngày nông nhàn cho chị, em, bình quân từ 250.000- 350.000 đồng/tháng; có những chị em có điều kiện để tham gia tích cực hơn thì thu nhập đạt trên 500.000 đồng. Qua chương trình phát triển CLB thổ cẩm, đến nay chị em đã gây được 70 triệu đồng tiền quỹ.

Từng bước phát triển, CLB của chị em phụ nữ xã Tả Phìn đã đóng góp nhiều vào phong trào phụ nữ ở cơ sở. CLB đã được các cấp, các ngành khen thưởng vì thành tích sáng tạo trong phong trào phụ nữ, trực tiếp góp phần xóa đói giảm nghèo và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc để phát triển bền vững.

Bài, ảnh: Mã Anh Lâm