12:06 13/12/2011

Câu lạc bộ "Bảo tồn văn hóa dân tộc"

Nặng lòng không muốn những nét đẹp văn hóa truyền thống độc đáo của dân tộc mình mỗi ngày mai một, đồng thời muốn truyền lại cho con cháu đời sau giữ gìn, phát triển và quảng bá nền văn hóa quý báu của dân tộc đến các vùng miền trong và ngoài tỉnh, đồng bào các dân tộc: Cao Lan, Tày, Dao quần trắng...

Nặng lòng không muốn những nét đẹp văn hóa truyền thống độc đáo của dân tộc mình mỗi ngày mai một, đồng thời muốn truyền lại cho con cháu đời sau giữ gìn, phát triển và quảng bá nền văn hóa quý báu của dân tộc đến các vùng miền trong và ngoài tỉnh, đồng bào các dân tộc: Cao Lan, Tày, Dao quần trắng, Mông, Hoa, xã Lăng Quán, huyện Yên Sơn (Tuyên Quang) đã thành lập Câu lạc bộ "Bảo tồn văn hóa dân tộc".

Các thành viên trong câu lạc bộ luyện tập văn nghệ.


Câu lạc bộ "Bảo tồn văn hóa dân tộc" xã Lăng Quán thành lập và hoạt động trên tinh thần tự nguyện của các dân tộc cùng chung sống trong xã với mong muốn là truyền lại những nét văn hóa độc đáo của dân tộc mình cho con cháu để gìn giữ, phát triển. Đặc biệt hơn là mỗi dân tộc đều có bản sắc riêng của mình như: Dân tộc Mông có điệu múa Mông vừa thổi khèn vừa múa, dân tộc Tày có điệu hát then cùng cây đàn tính ngân vang làm say đắm lòng người, Dân tộc Dao quần trắng cũng có múa Dao, dân tộc Cao Lan thì có hát Sình ca... Mỗi bài hát, điệu múa của mỗi dân tộc đều mang ý riêng, vì vậy câu lạc bộ được thành lập không chỉ mang ý nghĩa bảo tồn bản sắc văn hóa của một dân tộc, mà còn để giới thiệu quảng bá văn hóa truyền thống giữa các dân tộc với nhau.

Anh Bàn Văn Lương, dân tộc Dao quần trắng, Chủ nhiệm câu lạc bộ cho biết: Câu lạc bộ "Bảo tồn văn hóa dân tộc" được UBND xã Lăng Quán công bố quyết định thành lập vào đầu tháng 8/2011 với 25 thành viên tham gia, có đầy đủ mọi lứa tuổi của các dân tộc anh em cùng chung sống trên địa bàn xã như: Cao Lan, Tày, Dao quần trắng, Mông, Hoa. Việc thành lập Câu lạc bộ được đông đảo bà con các dân tộc trong toàn xã sôi nổi, hưởng ứng tham gia. Câu lạc bộ tổ chức sinh hoạt 6 buổi tối vào các ngày mùng 3,7,13,18,22,27 hàng tháng. Đặc biệt là có sự tham gia của các cụ già. Hiện câu lạc bộ đang mở 2 lớp dạy học hát Dao, múa Dao, hát then, múa khèn, dậy thêu cho 35 người. Người tham gia học chủ yếu là thanh niên và các em học sinh.

Cụ Bàn Thị Đặt, 70 tuổi dân tộc Dao quần trắng, thành viên câu lạc bộ, vui mừng nói: "Tôi tham gia sinh hoạt câu lạc bộ được 5 buổi rồi, tôi biết thêu từ lúc 13 tuổi. Tôi vui và phấn khởi lắm vì được dạy thêu, dạy hát của người Dao cho con cháu dân tộc mình. Hôm nào tới buổi sinh hoạt là tôi giục các con cháu nấu cơm ăn sớm để lên nhà văn hóa cộng đồng sinh hoạt. Đến đó sinh hoạt tôi không chỉ được truyền lại cho con cháu những tinh hoa, bản sắc riêng của dân tộc mình mà còn được học nhưng nét văn hóa của các dân tộc khác nữa".

Em Nguyễn Thị Trang, 11 tuổi, dân tộc Dao quần trắng - thành viên trẻ tuổi nhất trong câu lạc bộ nói: Em được ông nội dạy múa 2 năm rồi. Em tham gia sinh hoạt trong câu lạc bộ với mong muốn gìn giữ bản sắc văn hóa của dân tộc mình, giới thiệu và dạy lại cho các bạn dân tộc khác biết múa điệu múa của dân tộc em.

Còn bà Đặng Thị Chăm, 68 tuổi, dân tộc Dao, cũng là một trong những thành viên cao tuổi và tích cực nhất trong câu lạc bộ thì nói: Tuổi tôi đã cao, nhưng khi tham gia câu lạc bộ, tôi không chỉ dạy thêu, dạy hát, truyền lại nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình mà tôi còn được học thêm các điệu hát Then của người Tày, múa khèn của người Mông, hát Sình ca của dân tộc Cao Lan. Vì vậy đến sinh hoạt trong câu lạc bộ tôi rất vui và phấn khởi. Hôm nào người mệt không tham gia được tôi thấy tiếc lắm". "Là người con gái Dao nên ai cũng phải biết thêu ngay từ nhỏ còn ở với bố mẹ đẻ, nếu không biết thêu thì không lấy được chồng, vậy mà bọn trẻ bây giờ chẳng có đứa nào biết thêu cả. Tôi lo nếu chúng tôi không còn sức khỏe để truyền lại, thì nghề thêu truyền thống của dân tộc tôi dễ mất lắm", bà Chăm tâm sự.
Anh Lê Thanh Quân, Phó Chủ tịch UBND xã Lăng Quán cho biết: Lăng Quán là xã có gần 70% đồng bào dân tộc thiểu số, những năm trước, do nhiều nguyên nhân bản sắc văn hóa các dân tộc bị mai một dần. Do vậy, việc thành lập Câu lạc bộ "Bảo tồn văn hóa dân tộc" có ý nghĩa rất quan trọng, trong việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc trên địa bàn xã.

Bài và ảnh: Nguyễn Thị Hằng