08:07 08/08/2014

Cầu Giang Sơn lao đao vì khai thác cát

Tại khu vực chân cầu Giang Sơn, thuộc địa bàn hai huyện Cư Kuin và Krông Bông (Đắk Lắk) có hàng chục doanh nghiệp khai thác, tập kết, vận chuyển cát xây dựng trái phép, xâm hại nghiêm trọng đến cây cầu, gây ra hiện tượng sạt, lở đất hai bên chân cầu.

Tại khu vực chân cầu Giang Sơn, thuộc địa bàn hai huyện Cư Kuin và Krông Bông (Đắk Lắk) có hàng chục doanh nghiệp khai thác, tập kết, vận chuyển cát xây dựng trái phép, xâm hại nghiêm trọng đến cây cầu, gây ra hiện tượng sạt, lở đất hai bên chân cầu.


Cầu Giang Sơn, là cây cầu huyết mạch nằm trên tuyến quốc lộ 27, nối liền hai tỉnh Đắk Lắk và Lâm Đồng. Cầu xây từ năm 1995 và được các ngành chức năng xác định là cây cầu yếu, được xây ở địa hình dốc. Mùa mưa lũ nước sông Krông Ana chảy xiết và dâng cao, khiến cây cầu bị xuống cấp nghiêm trọng.

 

Tình trạng khai thác cát trái phép đang diễn ra dưới chân cầu Giang Sơn.


Những năm gần đây, tỉnh Đắk Lắk đã cấp phép cho một đơn vị khai thác cát trên sông Krông Ana là Công ty CP vật liệu xây dựng Tây Nguyên. Tuy nhiên, trên thực tế, có hàng chục doanh nghiệp không được cấp phép vẫn ngang nhiên khai thác cát trái phép ở khu vực này. Các doanh nghiệp còn biến diện tích hai bên chân cầu Giang Sơn thành điểm tập kết cát, ngày đêm dùng máy xúc, máy ủi đào bới, xúc cát hai bên chân cầu. Cầu Giang Sơn chỉ cho phép xe có trọng tải dưới 20 tấn lưu thông nhưng do tập kết cát trái phép ngay chân cầu nên ngày đêm có hàng trăm lượt xe qua lại cây cầu này. Vì lợi ích của doanh nghiệp, nhiều xe đã chở vượt trọng tải 40 - 50 tấn. “Mỗi khi có xe chở cát chạy qua, cây cầu rung lắc mạnh, sợ lắm”- Chị Nguyễn Thị Tình xã Hòa Hiệp, huyện Cư Kuin chia sẻ.

 

Nhiều vết nứt đã xuất hiện dưới chân cầu, gây nguy hiểm.

Ông Đinh Công Thiện, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Hiệp, huyện Cư Kuin cho biết: Tỉnh đã đồng ý chủ trương cho phép UBND huyện quy hoạch diện tích đất, lập bãi tập kết cát tại thôn Giang Sơn với diện tích 10,6 ha, thuộc các thửa đất 33, 39, 40, 44 và 55, cách cầu Giang Sơn 1 km về phía hạ nguồn. Trong thời gian chưa kịp triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng bãi tập kết cát, để kịp thời bảo đảm an toàn cho cầu Giang Sơn trong mùa mưa lũ, UBND huyện Cư Kuin đã có văn bản yêu cầu các đơn vị khai thác cát tạm thời sử dụng 2 bãi tập kết cát cách cầu Giang Sơn 100-200m và cắm mốc chỉ giới hành lang an toàn theo quy định.

Sau khi có văn bản của UBND xã, một số doanh nghiệp trên địa bàn xã đã cam kết sẽ di dời bãi cát theo đúng quy định trong thời gian sớm nhất. Còn một số doanh nghiệp khai thác, tập kết cát trên địa bàn xã Yang Reh, huyện Krông Bông, thì vẫn cố tình không thực hiện. Các doanh nghiệp này tiếp tục tập kết, hút cát và vận chuyển cát ngay chân cầu. “Nếu cứ tiếp tục tập kết vận chuyển cát ở khu vực này, tôi e rằng cầu Giang Sơn sẽ xuống cấp nhanh chóng và có nguy cơ sụp đổ khi có bão, lũ”- ông Thiện chia sẻ.


Bài và ảnh: Phạm Văn Cường