06:06 09/06/2011

Câu chuyện về “thành phố ma” Bodie - Kỳ 1: Thời hoàng kim

Vào khoảng năm 1880, Bodie là một thành phố sôi động với khoảng 8.000 dân. Cơn sốt vàng đã đưa những người ưa mạo hiểm tới nơi này và thành phố đã có 60 quán rượu, sòng bạc và khoảng một chục lầu xanh để phục vụ những người đi tìm vàng.

Vào khoảng năm 1880, Bodie là một thành phố sôi động với khoảng 8.000 dân. Cơn sốt vàng đã đưa những người ưa mạo hiểm tới nơi này và thành phố đã có 60 quán rượu, sòng bạc và khoảng một chục lầu xanh để phục vụ những người đi tìm vàng. Khi đó, Bodie trở thành thành phố tai tiếng nhất ở miền tây hoang dã vì hầu như không ngày nào là không có các vụ bắn giết lẫn nhau. Nhưng một trận hỏa hoạn lớn xảy ra năm 1932 đã làm cho những công dân cuối cùng dần dần rời bỏ nơi này và Bodie đã trở thành một thành phố ma.

Kỳ 1: Thời hoàng kim

Wakeman S. Bodey đã rời bỏ thành phố nhỏ quê nhà Poughkeepsie thuộc bang New York để tới vùng California xa xôi hẻo lánh, đi theo cơn sốt vàng ở miền tây nam nước Mỹ, với hy vọng là sẽ phát hiện được một mỏ vàng lớn để có thể đổi đời.

Thời tiết khắc nghiệt với những trận bão tuyết thường xuyên đe dọa Bodie.


Wakeman Bodey đã gặp may. Năm 1859, Bodey đã phát hiện ra vàng khi cùng ba người mạo hiểm khác đi qua dãy núi Sierra Nevada. Cả nhóm thề sẽ không tiết lộ cho ai biết và phân chia công việc: Bodey ở lại nơi phát hiện ra vàng cùng với một đồng nghiệp. Tháng 11/1859, khi đi tìm thức ăn, hai người đã gặp phải một trận bão tuyết dữ dội. Sau này, người đi cùng kể lại: Bodey bị đột quỵ và chết cóng. Phải nhiều tháng sau, người ta mới tìm được di hài của Bodey, cánh tay trái bị mất, có lẽ do thú rừng ăn thịt.

Cái chết bi thảm của Bodey không phải là một trường hợp cá biệt, nhưng số phận ông vẫn khác so với những người đi tìm kiếm vận may không thành khác: Sau khi ông qua đời, người ta đã lấy tên ông để đặt tên cho thành phố có lẽ sôi động nhất của miền tây hoang dã. Bởi vì, chỉ trong vòng một thời gian ngắn, cơn sốt vàng đã biến thị trấn nhỏ bé Bodie thành một nơi hấp dẫn các nhà đầu tư, những người phiêu lưu và những kẻ du thủ du thực.
Năm 1877, một công ty khai mỏ đã tìm ra một mạch vàng lớn và khiến mọi sự ở Bodie chuyển biến nhanh chóng. Chỉ trong vòng 1 năm, công ty Bunker Hill Mine đã khai thác được vàng và bạc trị giá 784.523 USD và liên tiếp trong 4 tháng sau đó đã trả lãi rất lớn cho các cổ đông.

Thời tiết khắc nghiệt với những trận bão tuyết thường xuyên đe dọa Bodie.


Lợi nhuận khổng lồ đã làm cho cả nước Mỹ thức tỉnh. Chỉ một năm sau, ở Bodie đã có 22 mỏ khai thác. Chỉ trong vòng 2 năm, từ một vài gia đình, cư dân Bodie đã tăng vọt lên 8.000 người. Thậm chí một khu phố Tàu (Chinatown) cũng mọc lên ở Bodie. Khi có tiền, bạo lực cũng lan tới Bodie. Tháng 1/1878 đã xảy ra vụ bắn giết gây chết người đầu tiên. Vô số các vụ bắn giết đã liên tục diễn ra sau đó, nhưng hầu như không ai bị kết án. Không chỉ có vậy, hàng chục công nhân cũng bị chết vì tai nạn trong các hầm mỏ thiếu an toàn.

Bạo lực ở đây nhiều tới mức câu nói "Kẻ tồi tệ từ Bodie" đã trở thành một thành ngữ và những kẻ với sức khỏe siêu phàm, giết người như ngóe đều được coi là đến từ Bodie.

Tại nơi đây, trên một cao nguyên khô cằn cách San Fransisco khoảng 300 km về phía đông, các sòng bạc đột nhiên mọc lên như nấm. Điều này cũng hấp dẫn những kẻ bất lương mờ ám: Hầu như ngày nào ở Bodie cũng xảy ra cảnh bắn giết lẫn nhau, gái điếm và những kẻ đánh bạc đã trở thành nổi tiếng. Cụ thể là vào khoảng năm 1880, Bodie có khoảng 8.000 dân, nhưng có tới 60 sòng bạc, quán rượu, 15 nhà chứa và vẫn chưa có một nhà thờ nào.

Bodie đã nổi tiếng là một nơi tội lỗi, chìm đắm trong lạc thú dục vọng và đam mê đỏ đen, bị coi là một thành phố nguy hiểm nhất nước Mỹ, tới mức một nhà báo đã hài hước viết rằng: "Bodie đã trở thành nơi an dưỡng", khi cả tuần trước không xảy ra một vụ giết người nào...

Khi đó, vào thời điểm đỉnh cao của vinh quang và tai tiếng, thành phố bắt đầu nhớ tới Wakeman Bodey. Ban đầu họ tìm vàng, sau đó tìm di hài của người đầu tiên chết vì cơn sốt vàng ở đây. Cuối năm 1879, họ đã tìm ra mộ Bodey và tiến hành cải táng, chuyển di hài ông tới nghĩa địa chính thức của thành phố.

Vũ Long (tổng hợp theo báo chí Đức)

Đón đọc kỳ cuối: Lụi tàn