Một ngày ở sân Thuwunna

Một ngày lang thang quanh sân vận động quốc gia Thuwunna (Myanmar) mang lại cho phóng viên những trải nghiệm khó quên về một trong những sân bóng tốt nhất ở Myanmar.

Sân vận động Thuwunna.

Sân Thuwunna nằm ở Thingangyun, cách trung tâm thành phố Yangon chỉ khoảng 8km nhưng không phải tài xế taxi nào cũng biết đến sân bóng này. Sau 4 ngày có mặt ở Myanmar, chúng tôi đã có 8 lần đi từ Yangon ra Thuwunna với các tài xế khác nhau, trong đó chỉ có 1 tài xế biết đường và chỉ mất đúng 10 phút để đưa chúng tôi đến sân vận động quốc gia này.

Những người còn lại thì phải mất từ 30 phút 1 tiếng mới có thể đến nơi. Thậm chí, một tài xế còn phải dùng Google map để định vị đường đi.

Nằm không xa trung tâm Yangon nhưng cuộc sống ở Thingangyun hoàn toàn tách biệt so với trung tâm thành phố. Cuộc sống ở đây không ồn ào, náo nhiệt so với nội đô Yangon bởi nó vẫn còn một nét gì đó rất yên bình, dân dã.

Nếu ở Yangon, hàng quán bày la liệt ở các vỉa hè thì tại Thingangyun, tìm đỏ mắt mới có 1-2 quán nước và chuyện tìm một hàng bán đồ ăn luôn là một vấn đề nan giải.

Một ngày trước khi trận đấu giữa Myanmar và Việt Nam ở bảng B giải vô địch bóng đá Đông Nam Á (AFF Suzuki Cup) 2016, cuộc sống xung quanh sân Thuwunna vẫn chầm chậm trôi.

Nó khác hẳn với sự náo nhiệt, vồn vã của người dân quanh sân Mỹ Đình mỗi khi tuyển Việt Nam đá. Không có chuyện tranh nhau chỗ để dựng hàng quán, bãi để xe như ở Mỹ Đình, người Myanmar thể hiện sự trật tự từ chính trong cái lộn xộn nhất.

Cái trật tự ấy thể hiện rõ nhất từ cái cách người Myanmar xếp hạng mua vé xem bóng đá. Liên đoàn bóng đá Myanmar chỉ bố trí một địa điểm bán vé xem trận Myanmar - Việt Nam ở sân Thuwunna. Một chiếc bàn nhỏ được kê ra và 3 nhân viên của Liên đoàn đứng bán vé qua song của một cánh cửa sắt cũ kĩ.

Từng người Myanmar một xếp hàng, chờ đến lượt mình vào mua vé. Không có bất cứ sự chen lấn, xô đẩy nhau. Họ cứ chầm chậm tiến từng bước một với tư duy "kiểu gì chả đến lượt mình".

Tư duy ấy thấm đẫm trong thần thái mỗi người Myanmar. Nó thể hiện ở cái cách họ đủng đỉnh nhai miếng trầu đi trên phố. Khi thích thì nhổ bãi nước trầu xuống đường, dù đó có là con đường đẹp nhất của thành phố đi nữa.

Có đến 70% người Myanmar thích nhai trầu và điều này giải thích vì sao ở đâu Myanmar cũng có những quầy bán trầu di động được dựng lên. 100 kyat (khoảng 1.500 đồng) là giá cho mỗi miếng trầu.

Ở Thuwanna cũng không phải là một ngoại lệ. Theo quan sát của nhóm phóng viên chúng tôi, có đến 4 quầy bán trầu di động được dựng lên ở lối vào của sân và điều đáng nói, đây lại là quầy hàng được các cổ động viên Myanmar ghé thăm đông nhất.

Ai cũng muốn cho môi mình đỏ, ai cũng muốn cho mình thêm một chút hưng phấn để cổ vũ cho đội nhà một cách xung hơn. Và họ chọn miếng trầu, như một thói quen đơn giản nhưng đặc trưng của văn hóa vùng miền.

Ba năm sau khi mở cửa, Myanmar đã có nhiều đổi thay. Những con đường đã rộng hơn. Những banner, biểu ngữ đã nhiều tiếng Latin hơn. Những trung tâm thương mại sầm uất đã mọc lên nhiều. Nhưng nét cổ kính vẫn bao trùm cố đô Yangon với các kiến trúc cổ từ thời Anh vẫn còn được duy trì và bảo tồn.

Sân Thuwunna cũng là một trong những công trình được xây dựng từ khi Anh còn chiếm đóng Myanmar. Chính bởi thế, dù những bức tường đã ngả màu thời gian thì sân bóng này vẫn được coi là một công trình kiến trúc chắc chắn vào bậc nhất trong số các sân bóng ở Myanmar hiện tại.

"Nếu Việt Nam và Myanmar đá ở sân Thuwunna thì tôi mới dám đi xem. Vì chỉ có sân đó mới chắc chắn bởi nó được người Anh xây dựng. Đi xem các sân khác tôi sợ khán đài sập lắm", chị Trần Yến Hoa, một Việt kiều tại Myanmar nói nửa đùa, nửa thật.

Thực tế cũng chỉ ra, dù cơ sở vật chất của sân Thuwunna không còn mới nhưng nó vẫn giữ được sự kiên cố vốn có của mình. Có lẽ, mặt cỏ thi đấu là thứ duy nhất ở sân bóng này được làm mới và cải tạo thường xuyên.

Những gì còn lại vẫn thế và hầu như không có gì thay đổi so với 3 năm trước, khi SEA Games 27 diễn ra. Vẫn những bức tường cũ kĩ, vẫn những hào rào thép gai rỉ sét, vẫn những lối vào tối hun hút theo đúng kiểu "đường hầm"... Thậm chí, với những khoảnh đất trống bên ngoài sân, người dân ở đây còn tận dụng để trồng những vườn rau sạch.

Ban tổ chức sân Thuwunna đã dành hẳn hai hàng ghế nhựa cho phóng viên tác nghiệp ở góc sân nhưng để tránh nguy cơ bị lộn xộn, họ dùng những dây nilon để nối ghế vào với nhau. Để cố định hàng ghế ấy, họ phải dùng những tải cát để đè lên chân ghế. Có thể nói, luôn có một cái gì đó cũ kĩ, bình dị đến lạc hậu tồn tại ngay trong lòng Thuwunna, một trong những sân bóng tốt nhất ở Myanmar cho đến thời điểm này.

Thuwunna cũ kĩ nhưng cái cách người Myanmar cổ vũ bóng đá không bao giờ cũ. Trên khắp các khán đài Thuwunna, cả một bầu không khí sôi sục được tạo ra và mang đến một áp lực khủng khiếp đối với bất cứ đội khách nào tới chơi bóng ở đây. Nhưng sôi sục, ồn ào là thế, người Myanmar lại tỏ ra trật tự khi ra về.

Dù những lối đi rời Thuwunna rất hẹp nhưng không có bất cứ sự chen lấn nào. Cũng không có sự cay cú, ăn thua hằn học hiện hữu trên khuôn mặt của họ. "Lần sau, đội tao sẽ thắng đội mày", một cổ động viên Myanmar đã cười rất tươi và nói thế khi biết tôi là phóng viên Việt Nam.

Một tiếng sau khi trận đấu giữa Myanmar và Việt Nam kết thúc, khi sự ồn ào, náo nhiệt qua đi, Thuwunna trở lại với đúng vẻ tĩnh lặng vốn có của nó. Hàng quán đã rời hết, chỉ còn một vài chiếc taxi đỗ ngay trước cổng chính chờ đón vớt những người khách cuối cùng. Chúng tôi lên xe, trở lại trung tâm thành phố Yangon, bỏ lại phía sau một Thuwunna cũ kĩ mà yên bình...

Trần Giáp (P/v TTXVN từ Yangon, Myanmar)
Indonesia mất 2 trụ cột trước trận đại chiến tại AFF CUP
Indonesia mất 2 trụ cột trước trận đại chiến tại AFF CUP

Ở trận đấu Bán kết lượt đi giải vô địch bóng đá Đông Nam Á (AFF Suzuki Cup) 2016, cặp trung vệ Garuda Rudolof Yanto Basna và Fachruddin Wahyudi Aryanto của Indonesia sẽ phải làm khán giả bất đắc dĩ do đã nhận 2 thẻ vàng ở vòng bảng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN