Đặc quyền SEA Games

Nhiều người ví Đại hội thể thao Đông Nam Á (SEA Games) chẳng khác cái “ao làng”. Cứ mỗi kỳ SEA Games tới (2 năm một lần) là dư luận lại đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác bởi điều lệ thi đấu chẳng giống ai. Cứ quốc gia nào đăng cai, thì cầm chắc 99,9% dẫn đầu toàn đoàn. Không chỉ bóng đá, nhiều môn thể thao trong hệ thống thi đấu SEA Games cũng có những quy định lạ đời nhằm có lợi cho nước chủ nhà.

SEA Games 29 cũng không phải ngoại lệ. Khi nước chủ nhà Malaysia chính thức công bố 38 môn thi đấu cùng 403 nội dung, không chỉ có đoàn thể thao Việt Nam, mà các đoàn khác cũng đều bất ngờ trước những thay đổi quá lớn so với các kỳ SEA Games trước. Theo đánh giá của giới chuyên môn, Việt Nam mất khoảng 30 HCV do sự thay đổi về điều lệ cũng như giảm bớt nội dung một số môn thi. 

SEA Games 29 được tổ chức tại Malaysia.

Chưa kể, một số môn bị nước chủ nhà hạn chế về quy định tham gia (chỉ dành cho nam), số lượng tham gia (như boxing, cử tạ, đấu kiếm), hay các môn thể thao quá mới mẻ như hockey, trượt băng nghệ thuật, đua ngựa, cricket... Đây là tiền lệ xấu ở sân chơi SEA Games, khi mà các môn thi đấu dựa chủ yếu vào cấu trúc về khả năng giành huy chương của nước đăng cai. Bởi vậy, không khó hiểu khi rất nhiều môn thể thao trong hệ thống Olympic đã bị cắt giảm ở đấu trường SEA Games. Cụ thể, tại SEA Games 29, môn vật, đua thuyền rowing, canoeing đã bị loại khỏi cuộc chơi. 

Một số môn khác thì bị cắt toàn bộ nội dung đồng đội (bắn súng, đấu kiếm, thể dục dụng cụ, cử tạ nữ (cử tạ mỗi nước chỉ được đăng ký một vận động viên mỗi hạng cân ở nam; judo chỉ còn 5 hạng cân...). Với môn “thể thao vua”, nước chủ nhà Malaysia quy định độ tuổi môn bóng đá nam là U22, thay vì U23 như các kỳ SEA Games trước. Quy định này giúp nước chủ nhà tận dụng triệt để lứa U22 tài năng của mình, đồng thời loại bỏ lứa U23 đang độ chín của các địch thủ như Thái Lan, Việt Nam, Singapore... Chưa kể, ở môn bóng đá nam, chủ nhà Malaysia còn đưa ra thể thức bốc thăm lạ đời: Tự cho mình quyền chọn bảng đấu. Rất may, thể thức bốc thăm này đã không thành hiện thực khi gặp phải sự phản ứng quyết liệt của toàn bộ các quốc gia thành viên. 

Dẫu thế nào thì người hâm mộ Việt Nam vẫn lạc quan, bởi trong nhiều kỳ SEA Games gần đây, dù tổ chức ở đâu thì Việt Nam vẫn luôn nằm trong tốp 3 quốc gia dẫn đầu. Quan trọng hơn, trong nhiều năm trở lại đây, Việt Nam không đầu tư dàn trải, mà chú trọng đầu tư có trọng điểm cho các môn thể thao trong hệ thống Olympic. Tại SEA Games 28, có tới 82% số HCV (64/72 HCV) của thể thao Việt Nam là từ các môn Olympic.  Tại SEA Games 29, Việt Nam dự 32 (trong tổng số 38 môn) và điền kinh tiếp tục trở thành niềm hy vọng số 1 với mục tiêu giành 12 HCV của đại hội. Tiếp đến là môn bơi lội, dự kiến từ 11 đến 13 HCV (trong đó Ánh Viên “gánh” khoảng 10 HCV). Thể dục dụng cụ hy vọng giành 4 HCV, bắn súng khoảng 3 - 4 HCV. 

Bên cạnh đó, Việt Nam còn chờ đợi vào kết quả khả quan ở các môn Olympic khác như đấu kiếm, bóng bàn, judo, taekwondo, bắn cung, bóng đá nữ và các môn ASIAD như karatedo, wushu, muay, đặc biệt là pencak silat...  Theo ông Trần Đức Phấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục Thể thao, Trưởng đoàn thể thao Việt Nam tại SEA Games 29, ngoài việc hoàn thành mục tiêu 3 quốc gia dẫn đầu để khẳng định vị thế, thì SEA Games cũng là cơ hội để các vận động viên Việt Nam trui rèn để hướng đến các sân chơi lớn như ASIAD, Olympic. 
Yến Nhi/Báo Tin Tức
Việt Nam với mục tiêu 50 - 59 HCV tại SEA Games 29
Việt Nam với mục tiêu 50 - 59 HCV tại SEA Games 29

Tại Đại hội thể thao Đông Nam Á lần thứ 29 năm 2017 (SEA Games 29) sắp diễn ra tại Kuala Lumpur (Malaysia), đoàn thể thao Việt Nam sẽ có 476 vận động viên tranh tài ở 32/38 môn thi đấu, với mục tiêu giành từ 50 đến 59 huy chương vàng và nằm trong top đầu của đại hội.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN