12:15 16/12/2014

Câu chuyện phía sau hai tấm ảnh

Đấy là hai tấm ảnh tưởng như có vẻ bình thường, nhưng trong thời điểm mà nước Italy chìm trong khủng hoảng kinh tế và cả niềm tin, dẫn đến sự lợi dụng của nhiều thế lực chính trị nhằm các mục đích khác nhau, chúng lại trở nên bất thường.

Đấy là hai tấm ảnh tưởng như có vẻ bình thường, nhưng trong thời điểm mà nước Italy chìm trong khủng hoảng kinh tế và cả niềm tin, dẫn đến sự lợi dụng của nhiều thế lực chính trị nhằm các mục đích khác nhau, chúng lại trở nên bất thường.

Tấm ảnh thứ nhất: Enrico Rossi, một người cánh tả và là Chủ tịch vùng Tuscany, miền trung Italy, chụp ảnh chung với một gia đình Digan đến từ Romania. Ông đăng tấm ảnh trên Facebook cá nhân của ông, với một lời chú thích ngắn gọn: "Hãy để tôi giới thiệu những người hàng xóm của mình".

Bức ảnh của ông Enrico Rossi.


Tấm ảnh thứ hai: Matteo Salvini, người đứng đầu đảng Liên đoàn Phương Bắc, chụp ảnh theo kiểu bán khỏa thân, để lộ một thân hình "không được lí tưởng" cho lắm trên bìa của tuần báo lá cải bán chạy "Oggi", với dòng chữ khêu gợi tính tò mò của không ít độc giả, "Salvini bán nuy: Liệu nước Ý có thể tin vào con người này không?".

Trong khi bức ảnh của Rossi đã gây tranh cãi mạnh mẽ trong cộng đồng mạng Italy, thu hút 5 nghìn "like" và 6 nghìn lượt bình luận trên Facebook, trong đó có cả bình luận của chính Salvini, và hầu hết các lời lẽ trong đó rất nặng nề, hằn học, thậm chí phân biệt chủng tộc, thì bức ảnh bán nuy trên bìa báo của Salvini cũng tạo ra những làn sóng khác nhau trong chính trường.

Bất chấp việc gây tranh cãi và với ý đồ chính trị tốt đẹp nào đi nữa với thông điệp thể hiện qua bức ảnh, uy tín chính trị của bản ông Rossi, một chính trị gia cánh tả và đảng Dân chủ (Pd) cầm quyền của ông đang tiếp tục xuống thấp. Trong khi ấy, với việc tự lột trần trên báo như để thể hiện con người trần trụi của mình, tuyên bố những câu như "tôi không đòi hỏi mọi người bỏ phiếu cho tôi vì cơ thể của tôi. Tôi biết là tôi nên đi đến phòng tập. Nhưng tôi sẽ làm tất cả để thể hiện ý tưởng của mình", chính trị gia 41 tuổi của đảng có xu hướng bài nhập cư và chống Châu Âu này đang ngày càng giành thêm được sự ủng hộ của các cử tri.

Điều gì đang xảy ra ở Italy, nhìn từ hai tấm ảnh ấy?

Đất nước hình chiếc ủng đang trải qua một làn sóng bài nhập cư mới bùng nổ. Trong những tháng qua, người nhập cư da màu và người Digan đã bị tấn công ở nhiều nơi trên đất Italy. Ngay ở thủ đô Rome, trong tháng 10 và 11 vừa qua, người dân ở một số khu vực đã tấn công các trại tiếp nhận nhập cư trong thành phố sau khi xảy ra một vài vụ cướp bóc mà chưa ai biết liệu có dính dáng đến người nhập cư hay không. Tại miền bắc nước này, ở không ít các khu dân cư, các đội tự quản đã được người dân thành lập để tuần tra và tự vệ.

Tình trạng tội phạm gia tăng cùng nỗi lo sợ về một tương lai bấp bênh của người dân trong tình cảnh suy thoái của đất nước đã tạo cơ hội cho các lực lượng cực hữu, bài ngoại, chống EU và đồng tiền chung euro ngóc đầu dậy một cách mạnh mẽ. Salvini, mới trở thành thủ lĩnh của Liên đoàn Phương Bắc trong hơn một năm qua, đã tận dụng tốt thời điểm này để lấy lại hình ảnh và uy tín của một đảng từ lâu đã rơi vào khủng hoảng do các bê bối nội tại, mất phương hướng và thậm chí mất cử tri ngay ở miền bắc Italy, nơi đảng này từng phát triển mạnh nhất trong những năm qua.

Nay, không những đảng này đang trên đà phục hồi, mà còn có khả năng đe dọa Pd ở cả những nơi có truyền thống ủng hộ cánh tả và từng bước vươn rộng khắp cả nước. Salvini đã xuất hiện ở miền nam Italy, nơi trước kia đảng của ông hầu như không giành được phiếu nào, đã gây chú ý mạnh mẽ ở Rome vào thời điểm chính quyền ở đây chìm trong bê bối cấu kết với mafia, khi tuyên bố sẵn sàng dọn đường một chính trị gia của Liên đoàn Phương Bắc ra ứng cử chức thị trưởng thành phố.

Trong khi đảng Pd cầm quyền rơi vào tình cảnh sa sút uy tín do nhiều chính sách của chính phủ không được lòng dân, khiến tỉ lệ ủng hộ đảng đã tụt xuống dưới 40%, còn các chính đảng khác cũng rơi vào tình trạng bế tắc và khủng hoảng niềm tin, thì Liên đoàn Phương Bắc vươn lên trở thành chính đảng lớn thứ 3 ở Italy.

Bức ảnh của ông Salvini.


Bản thân Salvini trở thành chính trị gia giành được sự ủng hộ cao thứ 2 ở nước này, chỉ sau Thủ tướng Renzi. Cách biệt ủng hộ của cử tri giữa 2 người đã giảm từ 20% xuống còn 10% chỉ trong một tháng qua. Các nhà phân tích chính trị cho rằng, không khí chính trị nặng nề ở Italy vào dịp cuối năm này, khi các cuộc đình công và biểu tình chống chính phủ trong các cải cách về việc làm và cắt giảm ngân sách chưa giảm nhiệt, thì Liên đoàn Phương Bắc sẽ tiếp tục giành được thêm cử tri và có khả năng trở thành chính đảng lớn thứ hai ở Italy trong thời gian tới.

Trở lại với bức ảnh đầu tiên, Enrico Rossi đã hứng chịu rất nhiều lời chỉ trích đối với cá nhân ông về việc đã "khoe" những người hàng xóm "không bình thường" ấy. Rất nhiều câu hỏi được đặt ra cho ông, rằng tại sao ông lại chụp ảnh chung với những người Digan, vốn không phải là những người đàng hoàng, mà từ lâu bị cho là cướp giật, móc túi, tại sao ông không chụp ảnh cùng với những người Italy.

Có một sự thật là người Italy không chấp nhận những người nhập cư này là hàng xóm, bất kể ông Rossi đã giải thích rằng, những người chụp chung với ông có thẻ nhập cư hợp pháp, trẻ con vẫn đến trường và người lớn vẫn đi làm. Khi cuộc bầu cử cấp vùng ở Tuscany chỉ còn mấy tháng nữa là bắt đầu, tấm ảnh được không ít người cho là nhân văn của ông Rossi đã khiến dư luận dậy sóng. Nó không làm giảm đi sự căng thẳng và thù hận đang gia tăng của một bộ phận cử tri đối với người nhập cư nói chung và người Digan nói riêng, mà còn dễ dàng bị những lực lượng bài ngoại như Liên đoàn Phương Bắc lợi dụng, tranh thủ sự bất mãn của cử tri.

Bức ảnh bán nuy của Salvini cũng gặp nhiều chỉ trích vì sự sống sượng của nó. Một nhà bình luận chính trị viết một cách hài hước, rằng tấm ảnh sẽ khiến ông gặp ác mộng trong nhiều tháng tới. Bản thân Salvini cũng bảo rằng, ông đã bật cười khi xem lại những tấm hình này. Nhưng có vẻ như Salvini không gặp nhiều vấn đề như Rossi.

Trong một đất nước mà người ta sử dụng cả các thủ thuật của sân khấu trên chính trường, thì ý tưởng như của Rossi ít được khen ngợi, vì nó thiếu tính hài hước. Sự trần trụi một cách thô kệch theo kiểu Salvini, có vẻ như không tô vẽ, nhưng gây cười, hình như được chào đón hơn, sau khi ông lớn tiếng kêu gọi chính phủ Italy hãy rút nước Ý ra khỏi đồng tiền chung euro, điều được không ít người ủng hộ, cho rằng đồng euro cũng như người nhập cư chính là nguồn gốc khiến họ rơi vào khủng hoảng.

Và cứ thế, uy tín của Salvini tăng cao. Ông thậm chí đã rao bán những tấm ảnh bán nuy của mình để làm từ thiện...


 Trương Anh Ngọc