11:06 06/11/2014

Cắt giảm gánh nặng hành chính

Bộ Tư pháp tổ chức hội thảo lấy ý kiến về dự thảo kế hoạch đơn giản hóa thủ tục hành chính và cắt giảm gánh nặng hành chính trọng tâm năm 2015.

Ngày 5/11, Bộ Tư pháp tổ chức hội thảo lấy ý kiến về dự thảo kế hoạch đơn giản hóa thủ tục hành chính và cắt giảm gánh nặng hành chính trọng tâm năm 2015. Theo đó, dự thảo đề xuất 18 nhóm quy định thủ tục hành chính (TTHC) cần tiến hành rà soát, đơn giản hóa trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, sản xuất, kinh doanh, công chức, công vụ...

Thủ tục hành chính gây khó cho doanh nghiệp

Bà Đặng Phương Dung, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội dệt may Việt Nam cho biết, hiện doanh nghiệp (DN) đang vướng các giấy phép con do mỗi bộ, ban ngành đặt ra. Theo khảo sát, thời gian cấp thủ tục cấp phép chuyên ngành chiếm tới 50 - 60% thời gian thông quan.

Cụ thể, nhiều DN dệt may gặp khó khăn với các thủ tục của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) về kiểm dịch động thực vật. Chẳng hạn, một số DN trong quá trình sản xuất cần những miếng da hoặc lông trang trí trên sản phẩm thì cơ quan đều yêu cầu giấy kiểm định động vật hoang dã CITES trong khi bản thân DN đã trình hết các giấy tờ chứng minh đây là động vật nuôi. Đó còn chưa kể đến những yêu cầu kiểm tra về mặt sinh thái. Thời gian giám định những nội dung này mất rất nhiều thời gian và chi phí. “Mặc dù đã được cắt giảm nhiều nhưng TTHC vẫn đang gây khó và phiền hà cho DN”, bà Dung khẳng định.

Ông Phan Vinh Quang, đại diện Dự án quản trị nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện (USAID) nhấn mạnh, rào cản thủ tục đối với DN và người dân không chỉ đến từ ngành thuế và hải quan, mà còn có nhiều rào cản ẩn sâu trong các văn bản, TTHC của nhiều bộ, ngành khác. Theo ông Quang, nguyên nhân sâu xa của tình trạng này xuất phát từ tư duy xây dựng văn bản theo kiểu “một người đau bụng, cả làng phải uống thuốc” của nhiều cơ quan chức năng. “Có DN vi phạm là cơ quan chức năng thay đổi một loạt các quy định khiến những người làm ăn chân chính bị vạ lây, ông Quang cho biết.

Ứng dụng công nghệ thông tin

Ông Nguyễn Ngọc Hiền, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, hiện nay, việc khám chữa bệnh tuân thủ rất nhiều luật như: Luật Khám chữa bệnh, Luật Dược, Luật Đấu thầu... Dưới luật lại có nhiều thông tư. Thế nhưng, giữa thông tư và nhiều văn bản không thống nhất với nhau. Bên cạnh đó, các văn bản hướng dẫn thực thi pháp luật chậm thay đổi. Chẳng hạn, văn bản liên quan đến giá viện phí phải mất đến 17 năm (1995 - 2006) mới thay đổi được. Ngành y hàng ngày đều có kỹ thuật mới nhưng cơ quan có thẩm quyền lại cập nhật rất chậm khiến người dân không thể hưởng đầy đủ các tiến bộ này.

Mục tiêu đơn giản hóa TTHC trọng tâm năm 2015 là cắt giảm tối thiểu 25% chi phí tuân thủ TTHC đối với từng nhóm và 100% TTHC tại 4 cấp chính quyền được công bố công khai.

Chính vì vậy, theo ông Hiền, áp dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong quá trình khám, chữa bệnh là điểm mấu chốt để cải cách TTHC trong ngành y. Bệnh viện Bạch Mai đã và đang áp dụng phương pháp mới này và đạt được nhiều kết quả tích cực. “Khi Bảo hiểm xã hội Việt Nam cấp thẻ mã vạch chứa thông tin hai chiều thì ngay lập tức bệnh viện không yêu cầu người bệnh photo thẻ bảo hiểm y tế nữa. Trước đây, nếu không photo, rất nhiều trường hợp thẻ bảo hiểm đã hết hạn nhưng chúng tôi không kiểm tra được hoặc kiểm tra mất rất nhiều thời gian. Tuy nhiên, từ khi có thẻ mã vạch, việc này trở nên rất đơn giản và nhẹ nhàng”, ông Hiền dẫn chứng.

Đồng tình với quan điểm này, đại diện Sở Nội vụ thành phố Hà Nội cho rằng, hoạt động cải cách hành chính phải gắn liền với ứng dụng CNTT. Lấy ví dụ về việc Bộ Tư pháp đang phối hợp với Bộ Công an, Bảo hiểm thực hiện giấy khai sinh, đăng ký hộ khẩu và cấp bảo hiểm y tế, đại diện Sở Nội vụ khẳng định, nếu không ứng dụng CNTT thì người dân sẽ rất khổ sở, vất vả bởi đơn vị nào cũng yêu cầu lưu hồ sơ giấy. Như vậy, người dân phải chuẩn bị tới ba bộ hồ sơ. Nếu ứng dụng CNTT, cơ quan đầu vào chỉ tiếp nhận hồ sơ, các cơ quan khác sẽ sử dụng bản scan lưu hồ sơ của cơ quan đầu tiên. “Nếu có sự vào cuộc của cơ quan quản lý Nhà nước về ứng dụng CNTT ngay từ khi ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì sẽ thuận lợi hơn cho các bộ, ngành trong việc thể chế hóa ứng dụng CNTT trong quá trình xây dựng quy trình cải cách TTHC”, đại diện Sở Nội vụ thành phố Hà Nội nhấn mạnh.

Theo ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Bộ Tư pháp, năm 2015, cải cách TTHC tập trung vào vấn đề an sinh xã hội, nông nghiệp, nông thôn. Thứ hai là giảm thiểu thủ tục khám chữa bệnh cho người dân. Nếu thực hiện việc đó thì bức tranh cải cách TTHC sẽ có những thay đổi tích cực, quan hệ giữa người dân và chính quyền sẽ thân thiện hơn và người dân sẽ hiểu chính quyền hơn.

Theo báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới thì Việt Nam đã sụt hạng từ vị trí 58/134 quốc gia (năm 2008) xuống vị trí 116/144 (năm 2013). Môi trường thể chế đứng thứ 92/144 quốc gia.