12:10 25/12/2014

Cắt giảm 1/4 chi phí thực hiện thủ tục hành chính

Thời gian xử lý thông quan trung bình đối với hàng luồng xanh không quá 3 giây, cắt giảm 290 giờ thực hiện thủ tục hành chính thuế, tiết kiệm hơn 1.241 tỷ đồng/năm chi phí tuân thủ thủ tục cho nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất…

Thời gian xử lý thông quan trung bình đối với hàng luồng xanh không quá 3 giây, cắt giảm 290 giờ thực hiện thủ tục hành chính thuế, tiết kiệm hơn 1.241 tỷ đồng/năm chi phí tuân thủ thủ tục cho nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất… Những cải cách trong lĩnh vực hải quan hay những bước đi tiến tới cắt giảm 54% thời gian thực hiện thủ tục thuế, cải cách thủ tục hành chính (CCTTHC) trong hình thành và thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất đã khiến bức tranh CCTTHC năm 2014 có những chuyển động rõ nét. Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Bộ Tư pháp) Ngô Hải Phan đã dành cho phóng viên báo Tin tức (TTXVN) cuộc phỏng vấn về những kết quả trên lĩnh vực này.

Chi cục Thuế thành phố Lạng Sơn triển khai Nghị quyết 63/NQ-CP của Chính phủ về giải pháp trong lĩnh vực thuế nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp. Ảnh: Hoàng Hùng – TTXVN


Ông có đánh giá gì về kết quả CCTTHC năm 2014 và những dự định trong công tác này năm 2015?

Kết quả CCTTHC năm 2014 cho thấy Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có những chỉ đạo quyết liệt, thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, đảm bảo an sinh, phúc lợi xã hội, đẩy mạnh quá trình CCTTHC, tạo điều kiện dễ dàng cho doanh nghiệp và nhân dân khi tiếp cận, sử dụng các dịch vụ hành chính công. Các bộ, ngành, địa phương tích cực, chủ động trong thực hiện các Nghị quyết của Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và đặc biệt là công tác CCTTHC tiếp tục nhận được sự ủng hộ, tham gia của người dân và doanh nghiệp.

Ở nhiều lĩnh vực, CCTTHC đã thu được kết quả đáng ghi nhận. Chẳng hạn, ở lĩnh vực thuế, kết quả đạt được trong CCTTHC thời gian qua là doanh nghiệp được sử dụng hóa đơn tự in; giảm tần suất kê khai thuế từ tháng thành quý; kê khai thuế qua mạng… Trong lĩnh vực hải quan, việc thực hiện hải quan điện tử trên phạm vi toàn quốc; chính thức vận hành hệ thống thông quan tự động VNACCS/VCIS cho doanh nghiệp XNK đã giảm thời gian tiếp nhận và đăng ký tờ khai chỉ còn 3 giây.

Đối với lĩnh vực đầu tư, đất đai xây dựng, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 43/NQ-CP ngày 6/6/2014 về một số nhiệm vụ trọng tâm CCTTHC trong hình thành và thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất. Theo Nghị quyết 43, đối với dự án phải thực hiện quy trình phức tạp nhất sẽ giảm 12/33 thủ tục và cùng với việc thực hiện liên thông hay cho phép thực hiện song song, đồng thời giúp giảm bớt thời gian thực hiện TTHC từ 155 - 865 ngày làm việc xuống còn khoảng 80 - 385 ngày làm việc (cắt giảm từ 75 - 480 ngày làm việc) tương ứng tiết kiệm khoảng hơn 1.241 tỷ đồng/năm chi phí tuân thủ TTHC cho nhà đầu tư; nguồn kinh phí tiết kiệm này có thể được sử dụng để tái đầu tư phát triển kinh tế, xã hội.

Ông có thể cho biết, cơ sở nào để lựa chọn 13 nhóm quy định, TTHC này? Cụ thể đó là những nhóm nào?


Căn cứ vào các quy định của Chính phủ, trên cơ sở tổng hợp những khó khăn, vướng mắc, đề xuất kiến nghị của người dân, doanh nghiệp về quy định hành chính, nghiên cứu các văn bản quy phạm pháp luật có quy định TTHC về các ngành, lĩnh vực nêu trên, Bộ Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với Hội đồng Tư vấn CCTTHC của Thủ tướng Chính phủ lựa chọn 13 nhóm TTHC gồm: Xuất khẩu thủy sản từ giai đoạn nuôi trồng, khai thác, nhập khẩu nguyên liệu, chế biến đến xuất khẩu. Sản xuất, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật trên cạn từ khi nuôi, sử dụng con giống đến phân phối, xuất khẩu. Công nhận giống, sản phẩm vật tư nông nghiệp mới, tiến bộ khoa học kỹ thuật từ khi sản xuất hoặc nhập khẩu để khảo nghiệm, thử nghiệm, phân tích đến khi công nhận. Hoạt động của các cơ sở in.

Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh từ khi có quyết định thành lập hoặc giấy đăng ký kinh doanh hoặc giấy chứng nhận đầu tư đến khi đi vào hoạt động. Khám, chữa bệnh cho người dân; tuyển sinh, đào tạo đại học và sau đại học. Ưu đãi về giáo dục đối với người có công với cách mạng và con của họ đang học tại các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân. Quản lý biên giới trong xuất cảnh, nhập cảnh tại cửa khẩu cảng biển và cửa khẩu biên giới đất liền. Cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự đối với các ngành nghề kinh doanh có điều kiện thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công an. Tuyển dụng, nâng ngạch đối với công chức. Tuyển dụng, nâng ngạch, bổ nhiệm, đề bạt đối với viên chức. Lý lịch tư pháp. Yêu cầu nộp bản sao giấy tờ có công chứng, chứng thực.

Trong Kế hoạch có đưa ra mục tiêu cắt giảm tối thiểu 25% chi phí tuân thủ TTHC đối với từng nhóm. Liệu có khả thi không, thưa ông?

Mục tiêu này hoàn toàn khả thi vì xuất phát từ thực trạng xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện TTHC ở Việt Nam, cũng như kinh nghiệm triển khai Đề án 30, kinh nghiệm quốc tế và chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 30c/NQ-CP với yêu cầu giai đoạn 2011 - 2015 “mỗi năm đều có tỷ lệ giảm chi phí mà cá nhân, tổ chức phải bỏ ra khi giải quyết TTHC tại cơ quan hành chính nhà nước”.

Chúng tôi đưa ra mục tiêu này căn cứ trên thực trạng vướng mắc, bất cập của các quy định, thực hiện TTHC và khả năng cải cách của các nhóm TTHC tại Kế hoạch. Ví dụ chúng ta cải cách để giảm thời gian, chi phí thực hiện nhóm thủ tục xuất khẩu thủy sản từ giai đoạn nuôi trồng, khai thác, nhập khẩu nguyên liệu, chế biến đến khi xuất khẩu bằng mức trung bình của ASEAN-6, có nghĩa là giảm từ 21 ngày hiện nay xuống 14 ngày sẽ cắt giảm được 7 ngày, tương ứng tỷ lệ cắt giảm 33,3%. Hoặc đối với nhóm thủ tục liên quan đến thi tuyển công chức, nếu chỉ cần thay đổi phương thức thực hiện bằng cách người dự thi không cần nộp đầy đủ hồ sơ ngay khi đăng ký thi mà có thể chỉ nộp đơn, tự chịu trách nhiệm về tính chính xác về những thông tin trong sơ yếu lý lịch và yêu cầu những người thuộc diện trúng tuyển nộp đầy đủ hồ sơ để kiểm tra làm cơ sở ban hành Quyết định tuyển dụng thì đã cắt giảm được một lượng rất lớn chi phí thực hiện của xã hội.

Trước khi tiến hành xây dựng dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tư pháp đã nghiên cứu các văn bản quy phạm pháp luật có quy định về TTHC ở các ngành, lĩnh vực đã nêu trên; tìm hiểu thực tế việc tiếp nhận, giải quyết TTHC; tổng hợp các ý kiến của cá nhân, tổ chức về những vướng mắc, khó khăn của việc thực hiện các TTHC. Đồng thời tổ chức ba Hội thảo tại Hà Nội, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh để lấy ý kiến các chuyên gia quản lý, nhà khoa học, cá nhân, tổ chức và đối tượng tuân thủ có liên quan đến các lĩnh vực dự kiến đưa vào Kế hoạch đơn giản hóa và gửi xin ý kiến các bộ, ngành, địa phương và một số cơ quan, tổ chức liên quan về dự thảo Quyết định.

Xin cảm ơn ông!

Chu Thanh Vân (thực hiện)