09:10 07/09/2011

Cấp thiết cần một chiến lược về nhân tài

Trong tình hình mới, nhất là khi Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đã phê duyệt chiến lược phát triển kinh tế- xã hội 10 năm, nước ta nhất thiết phải có chiến lược quốc gia về nhân tài.

Trong tình hình mới, nhất là khi Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đã phê duyệt chiến lược phát triển kinh tế- xã hội 10 năm, nước ta nhất thiết phải có chiến lược quốc gia về nhân tài. Đó là nhận định chung được thống nhất tại hội thảo khoa học “Công tác nhân tài ở Việt Nam- một số vấn đề lý luận và thực tiễn” do Ban Tổ chức Trung ương tổ chức sáng qua (6/9) tại Hà Nội.

Trao Bằng khen của Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam cho các thủ khoa tại Lễ tuyên dương 30 thủ khoa kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ và 27 học sinh đoạt giải Olympic quốc tế năm 2011 (ngày 27/8/2011). Ảnh: Bích Ngọc – TTXVN


Bất cập trong công tác nhân tài

Nhiều năm qua, công tác nhân tài ở nước ta đã được Đảng và Nhà nước ta quan tâm, tuy nhiên, vẫn còn nhiều bất cập khiến hiệu quả của việc sử dụng nhân tài còn kém, thậm chí lãng phí. Phát biểu đề dẫn tại hội thảo, đồng chí Hồ Đức Việt- nguyên ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Trưởng Ban Tổ chức Trung ương đánh giá, nước ta còn thiếu những mục tiêu cụ thể, những chương trình, kế hoạch tổng thể, những giải pháp mang tính chiến lược trong công tác phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, thu hút và trọng dụng nhân tài. Theo GS.TS Dương Phú Hiệp, nguyên Tổng Thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương, thời gian vừa qua, công tác nhân tài của nước ta còn rời rạc, chưa đồng bộ, “mạnh địa phương nào thì địa phương đó làm, chưa hành động thống nhất, vì thế, hiệu quả còn kém”.

Nhiều ý kiến tại hội thảo đều thừa nhận một thực tế là nhân tài ở nước ta đã có, nhưng nhiều người còn thiếu môi trường thuận lợi để phát huy tài năng. Theo GS TS Dương Phú Hiệp, có hai vấn đề đáng lưu ý: Một là cách đào tạo nhân tài của nước ta còn thiên về lý thuyết, ít có điều kiện thực hành; hai là, người được đào tạo thiên về chạy theo bằng cấp, ít chú ý đến ứng dụng kiến thức vào thực hành để làm ra các sản phẩm có chất lượng cao hoặc vận dụng lý thuyết để giải quyết những vấn đề do thực tế cuộc sống đặt ra. Dẫn con số 6.422 cán bộ công chức xin thôi việc trong giai đoạn 2003 - 2007, GS.TS Dương Phú Hiệp cho rằng, đây là tiếng chuông báo động đối với việc sử dụng cán bộ nói chung và nhân tài nói riêng. “Chính sách đãi ngộ với nhân tài trong điều kiện mới cũng chưa được nghiên cứu thực thi đầy đủ nên chưa phát huy được tác dụng, chưa thu hút được nhiều người có tài”, đồng chí Hồ Đức Việt nói.

Cần xem lại việc trọng dụng, đãi ngộ

Thời gian tới, việc xây dựng một chiến lược quốc gia về nhân tài là một việc cấp thiết. Giải pháp đầu tiên là cần đẩy mạnh việc phát hiện, tuyển chọn và thu hút nhân tài. Theo đó, cần phải có cơ chế chính sách để khuyến khích, động viên toàn xã hội phát triển nhân tài và giao trách nhiệm cụ thể cho những tổ chức cá nhân chăm lo vấn đề này. Việc huấn luyện, đào tạo, bồi dưỡng và phát huy nhân tài là giải pháp tiếp theo cần làm liên tục, bài bản, hệ thống.
Trọng dụng, đãi ngộ và tôn vinh xứng đáng là những giải pháp quan trọng để phát triển nhân tài. Hiện nay, nhiều nơi “trải thảm đỏ” đón nhân tài, nhưng theo GS.TS Dương Phú Hiệp, rất ít “thảm đỏ” giữ được chân nhân tài. Hiện tượng chảy máu chất xám có nhiều nguyên nhân, trong đó, quan trọng là nguyên nhân “chiêu hiền đãi sĩ” chưa thỏa đáng. Do đó, cần xem xét lại việc đãi ngộ nhân tài cả về vật chất lẫn tinh thần. Hiện nay, mặc dù đời sống của trí thức nói chung và nhân tài nói riêng đã được nâng lên so với trước kia, nhưng nhiều nhà khoa học vẫn còn khó khăn về đời sống, nhiều người phải làm thêm việc khác để kiếm sống. GS Hoàng Chí Bảo- Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương cho rằng: Thái độ ứng xử tinh tế với nhân tài qua việc DÙNG và TIN chính là nhân tố có sức thúc đẩy mãnh liệt để nhân tài cống hiến cho sự phát triển của đất nước, như cây nến cháy đến giọt sáp cuối cùng.

Trên cơ sở khẳng định vai trò của nhân tài là chìa khóa để phát triển đất nước và hưng thịnh quốc gia, GS.TS Hoàng Chí Bảo cho rằng: Trước hết, cần thay đổi nhận thức về giáo dục, cần có một cuộc cách mạng không chỉ về mục tiêu, về nội dung giáo dục mà còn là về phương pháp giáo dục để có nhân tài và phát triển nhiều nhân tài. Lâu nay, việc đào tạo nhân tài đã được thực hiện qua hệ thống trường chuyên, lớp chọn, và việc này được khuyến khích duy trì tiếp. Theo TS Vũ Ngọc Hoàng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, việc phát hiện nhân tài từ khi còn là “mầm” và đào tạo nhân tài không thể theo phương pháp áp đặt, mà phải có sự đồng hành về phương pháp luận.

Chiến lược quốc gia về nhân tài, theo đồng chí Hồ Đức Việt, phải gắn chặt với chiến lược phát triển kinh tế xã hội, quy hoạch phát triển nguồn nhân lực, phát triển giáo dục và đào tạo để từ đó đề ra những mục tiêu, giải pháp, nhất là những giải pháp đột phá.

Mạnh Minh