12:10 02/12/2011

Cấp thiết bảo tồn động vật hoang dã: Nhiều loài có nguy cơ biến mất

Việc xâm phạm rừng, làm biến đổi môi trường sống của các loài theo hướng tiêu cực đang là một trong những nguyên nhân chính khiến nhiều loài động vật trong Sách Đỏ Việt Nam bị tuyệt chủng. Một số rất hiếm hoi còn lại thì... “đứng trên bờ vực” tuyệt chủng.

Việc xâm phạm rừng, làm biến đổi môi trường sống của các loài theo hướng tiêu cực đang là một trong những nguyên nhân chính khiến nhiều loài động vật trong Sách Đỏ Việt Nam bị tuyệt chủng. Một số rất hiếm hoi còn lại thì... “đứng trên bờ vực” tuyệt chủng.

Sinh cảnh bị tác động

Thiếu thức ăn, xung đột với người, giảm số lượng là thực tế đang diễn ra đối với đàn voi ở Đồng Nai - đàn voi nội địa duy nhất của Việt Nam, hiện sinh sống trên diện tích phân bố gần 130.000 ha. Theo ông Bùi Minh Tân, Chi cục Kiểm lâm Đồng Nai, voi ở tỉnh này đang đứng trước nhiều nguy cơ đe dọa và xung đột.

Các đối tượng săn bắt cùng tang vật bị lực lượng chức năng bắt giữ ngày 20/7/2011, tại huyện Ninh Hải (Ninh Thuận).


Ông Tân cho biết, mỗi cá thể voi cần 150 kg thức ăn, 160 - 300 lít nước và muối khoáng mỗi ngày. Nhưng hiện nay, vùng sinh cảnh của voi đang bị tác động xấu khiến nguồn thức ăn cho voi dần cạn kiệt. Chính vì vậy, voi thường di chuyển đến các khu dân cư để kiếm ăn, dẫn tới xung đột với người.

Dù xung đột chưa dẫn đến thiệt hại về người nhưng đã gây hoang mang, lo lắng và gây xáo trộn sinh hoạt cho cộng đồng dân cư. Xung đột voi - người thường xảy ra tại xã Tà Lài (huyện Tân Phú), xã Phú Lý, xã Mã Đà (huyện Vĩnh Cửu), xã Thanh Sơn, Gia Canh (huyện Định Quán). Voi phá mía, điều, xoài, chuối, lúa, bắp, sắn, dừa...; làm đổ nhà của dân. Có trường hợp voi phá nhà để tìm gạo, đã dùng vòi đưa 1 em bé 6 tuổi khi đó đang ở trong nhà ra ngoài. Voi cũng đưa vòi vào cửa sổ trạm kiểm lâm kéo mùng, mền của kiểm lâm để tìm muối. Nhiều nơi, ban đêm người dân phải cử người trực canh voi và luôn trong tư thế sẵn sàng “chạy voi”. Nhiều gia đình đã phải bỏ hẳn đi nơi khác.

Nhưng điều đáng nói, theo ông Bùi Minh Tân là, vì mất sinh cảnh sống nên voi có thể bị chết, phá vỡ cơ cấu đàn, mất khả năng sinh sản, giảm số lượng đàn voi...

Chuyện đàn voi Đồng Nai chỉ là một ví dụ nhỏ. Thực tế, còn rất nhiều loài đang bị đe dọa bởi những xáo trộn về sinh cảnh sống. Voọc đen má trắng là một ví dụ. Đây là loài linh trưởng cỡ lớn được xếp loại nguy cấp trong Sách Đỏ Việt Nam 2007. Thế giới ghi nhận hiện chỉ Việt Nam và Trung Quốc còn loài này. Riêng ở Việt Nam, loài này chỉ còn rất ít ở một số nơi và đang đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng.

“Có 5 mối đe dọa quần thể voọc đen má trắng và sinh cảnh sống của chúng hiện nay”, ông Phạm Anh Tuấn, cán bộ Chi cục Kiểm lâm Thái Nguyên cho biết. Đó là: Nạn săn bắn động vật hoang dã, khai thác gỗ, đào đãi vàng, phá rừng làm nương rẫy và cháy rừng. Trong đó, nghiêm trọng nhất là nạn khai thác gỗ.

Lo ngại “làn sóng tuyệt chủng”

Tại buổi Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) công bố thông tin “cá thể tê giác một sừng cuối cùng của Vườn quốc gia (VQG) Cát Tiên đã bị giết chết” vào cuối tháng 10/2011, nhiều nhà khoa học đã thốt lên: “Thật đau xót!”. Sự ra đi của con tê giác này cũng là hồi chuông báo động về khả năng “tồn vong” của hàng loạt loài khác cũng có tên trong Sách Đỏ tại VQG này.

VQG Cát Tiên có 40 loài nằm trong Sách Đỏ. Điều đáng lo ngại là “tất cả vùng rừng ngập nước của VQG Cát Tiên đã sắp khô cạn, thu hẹp khu vực sinh sống của tê giác và các loài khác” - WWF cảnh báo.

Một ví dụ khác là số phận của các loài thú tại Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ (Bắc Kạn). Thống kê của Cục Kiểm lâm (Tổng cục Lâm nghiệp - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho thấy, ở đây có 34 loài thú quý hiếm có tên trong Sách Đỏ Việt Nam. Có 5 loài thú đang có nguy cơ tuyệt chủng rất cao là: Voọc mũi hếch, hổ, báo hoa mai, hươu xạ, sóc bay lông tai. Còn nhiều loài đang ở mức độ nguy cấp như: Voọc đen má trắng, tê tê vàng, báo gấm... Điều đáng nói, số loài quý hiếm bị đe dọa nghiêm trọng tập trung tại vùng rừng thuộc huyện Na Rì - nơi diễn ra khai thác vàng. Việc người dân vào khai thác lâm sản, làm rẫy ở nhiều khu vực vùng đệm gần khu vực rừng bảo tồn và hoạt động khai thác vàng ở xã Kim Hỷ gây ô nhiễm môi trường, là nguyên nhân chính gây mất sinh cảnh sống của khá nhiều loài động vật - Cục Kiểm lâm cảnh báo.

Cũng theo Cục Kiểm lâm, khu bảo tồn này hiện nay chưa được nghiên cứu sâu, nên danh sách loài chưa đầy đủ. Cục Kiểm lâm kiến nghị cần có những nghiên cứu kỹ hơn trong thời gian tới.

Trong một lần trao đổi với báo chí gần đây, TS. Lê Xuân Cảnh, Viện trưởng Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật cho biết, hiện nay, theo Sách Đỏ Việt Nam 2007, số loài động - thực vật hoang dã trong tự nhiên bị đe dọa lên tới 882 loài, tăng 161 loài so với năm 1992. “Sự tồn tại của nhiều loài động vật hoang dã bị đe dọa khi chỉ còn những quần thể nhỏ bé, bị chia cắt mạnh. Nếu xu hướng này tiếp diễn như hiện nay, trong thời gian không xa của thế kỷ 21, có thể ta sẽ phải chứng kiến “làn sóng tuyệt chủng” của một số loài động, thực vật hoang dã của Việt Nam với mức độ chưa từng thấy trong lịch sử, kèm theo các thiệt hại về môi trường và kinh tế” - TS Lê Xuân Cảnh cảnh báo.