06:22 23/06/2015

Cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ cán đích trước hẹn

Đến trung tuần tháng 6, trên công trường dự án nâng cấp đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, những hạng mục nhỏ cuối cùng của công trình đang được nhà đầu tư tập trung hoàn thiện, để đảm bảo cán đích vượt dự kiến.

Đến trung tuần tháng 6, trên công trường dự án nâng cấp đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, những hạng mục nhỏ cuối cùng của công trình đang được nhà đầu tư tập trung hoàn thiện, để đảm bảo cán đích vượt dự kiến.

Cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ sắp hoàn thành nâng cấp.


Có mặt trên công trường dự án những ngày đầu tháng 6/2015, bất chấp cái nắng dữ dội, đỉnh điểm của mùa hè, khiến nền nhiệt độ mặt đường nhiều lúc lên tới xấp xỉ 60 độ C, nhưng tập thể cán bộ, công nhân Công ty cổ phần đường bộ 471 - Tổng Công ty Xây dựng Công trình giao thông 4 (Cienco4 - Bộ GTVT) vẫn miệt mài thi công hoàn thiện các hạng mục còn lại của công trình như: Lắp đặt hệ thống chiếu sáng, hàng rào hộ lan, sơn kẻ vẽ làn đường, trồng cây xanh... nhằm đưa công trình về đích vượt dự kiến Bộ GTVT giao, góp phần tạo điều kiện thuận lợi và an toàn cho người và phương tiện lưu thông trên tuyến đường cửa ngõ phía nam vào Thủ đô.

Theo ông Bùi Đình Hoàng, Phó giám đốc điều hành dự án, đến cuối tháng 5/2015, công trình nâng cấp đường Pháp Vân - Cầu Giẽ (đoạn Km 192+000 - Km 199+500) do Công ty cổ phần Đường bộ 471 đảm nhận thi công, với tổng giá trị xây lắp 250 tỷ đồng đã hoàn thiện các hạng mục chính, về đích trước 1 tháng so với yêu cầu của Bộ GTVT (ngày 30/6).

Dẫn phóng viên đi kiểm tra toàn tuyến dự án, ông Bùi Đình Hoàng chia sẻ: Một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của dự án này là dù chỉ thi công, nâng cấp đoạn tuyến dài 7,5 km, vừa thi công, cào bóc lớp mặt đường đến công đoạn thảm mặt đường, vừa phải đảm bảo an toàn cho phương tiện lưu thong, vì đây tuyến đường cửa ngõ phía nam Thủ đô, có mật độ phương tiện lớn nhất trong các tuyến quốc lộ và thường xuyên xảy ra ùn tắc vào giờ cao điểm, ngày nghỉ, lễ. Điều này đòi hỏi nhà thầu thi công cần phải có biện pháp đảm bảo giao thông hết sức bài bản và chuyên nghiệp.

“Để hoàn thành được nhiệm vụ trên, ngoài việc phối hợp chặt chẽ với lực lượng CSGT và các cấp chính quyền sở tại, Công ty cổ phần Đường bộ 471 đã bố trí một ban điều hành có 8 - 10 cán bộ, kỹ sư dày dạn kinh nghiệm, đã từng tham gia điều hành thi công các công trình lớn như đường vành đai 3 trên cao, đường nối từ cầu Nhật Tân về sân bay quốc tế Nội Bài, nâng cấp QL3 cũ... trực tiếp điều hành trên công trường 24/24 giờ, để đôn đốc hai đội thi công chính, vừa thi công vừa đảm bảo giao thông”, ông Bùi Đình Hoàng cho hay.

Dự án nâng cấp cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ có tổng mức đầu tư hơn 6.700 tỷ đồng, được chia làm hai giai đoạn. Dự kiến, giai đoạn I hoàn thành trước 30/6/2015 và giai đoạn II tiến hành giải phóng mặt bằng trong năm 2015 - 2016, dự kiến hoàn thành vào năm 2017 và đưa vào khai thác đầu năm 2018.

Trong quá trình thi công, Ban điều hành công trường chủ động tính toán, sắp xếp các mũi thi công theo giờ và đảm bảo yêu cầu kỹ thuật. Cụ thể, mỗi mũi thi công nằm cách nhau hơn 1 km, thi công 1/2 mặt cắt ngang đường (tính cho một chiều lưu thông), thi công đoạn nào dứt điểm ngay đoạn đó, tránh tình trạng bố trí các mũi thi công tràn lan, mất an toàn.

Để công trình không bị gián đoạn, các mũi thi công luôn được duy trì triển khai, phối hợp một cách nhuần nhuyễn theo quy trình tuần hoàn, luân phiên giữa các hạng mục vừa đảm bảo duy trì tính ổn định, liên tục, cũng như đảm bảo sức khỏe cho công nhân thi công.

Có những thời điểm, Công ty cổ phần Đường bộ 471 đã bố trí trên công trường tới 250 cán bộ, kỹ sư, công nhân, hơn 60 đầu thiết bị các loại (gấp ba lần các dự án có cùng quy mô) bám công trường làm việc dưới thời tiết khắc nghiệt. Ngoài ra, để tăng cường hiệu quả lao động, Ban điều hành công trường đã chủ động bố trí hai trạm trộn bê tông đặt tại hai đầu tuyến, với công suất 120 và 160 tấn/giờ, đảm bảo cho hai dây chuyền thảm hoạt động. Bước vào giai đoạn cao điểm, nước rút, Ban điều hành đã huy động tăng cường lên ba trạm trộn, để đảm bảo tiến độ và phù hợp với thiết kế điều chỉnh, tương đương thảm hơn 3.000 tấn bê tông nhựa/ngày, kỷ lục cho một gói thầu thi công của các công trình lớn hiện nay.

Xác định “chất lượng công trình là sự sống còn của doanh nghiệp”, tại dự án này, một trong những yếu tố giúp dự án về đích vượt dự kiến, đảm bảo chất lượng, xuất phát chính từ sự chủ động của nhà thầu trong việc lựa chọn và ổn định nguồn vật liệu từ khâu đặt hàng đầu vào. Suốt quá trình triển khai dự án, công ty luôn chủ động nguồn vật liệu, đặt hàng với các chủ cung cấp vật liệu tại Hà Nam, Ninh Bình, thậm chí phải chấp nhận giá cao hơn để đảm bảo ổn định đầu vào của vật liệu, không để tình trạng vừa làm vừa lo vật liệu xảy ra, dẫn đến thi công bị động, ảnh hưởng đến chất lượng công trình theo tiêu chuẩn.
“Ngoài ra, để đảm bảo tiến độ thi công các hạng mục dự án, dù là nhỏ nhất, sau mỗi ngày thi công, Ban điều hành công trường luôn tổ chức kiểm tra, đánh giá và rút kinh nghiệm với các đội thi công, mũi thi công, để bố trí công trường cũng như điều chỉnh hợp lý cho ngày hôm sau. Đây chính là chìa khóa của thành công”, ông Bùi Đình Hoàng cho hay.
Tiến Hiếu