06:23 28/06/2011

Cao su và rừng nghèo

Phát triển cây cao su trên vùng Tây Nguyên và Tây Bắc của đất nước là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta nhằm tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân, đặc biệt là đối với đồng bào các dân tộc thiểu số tại chỗ.

Phát triển cây cao su trên vùng Tây Nguyên và Tây Bắc của đất nước là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta nhằm tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân, đặc biệt là đối với đồng bào các dân tộc thiểu số tại chỗ. Đồng thời, thông qua các dự án trồng cao su, các doanh nghiệp sẽ đầu tư cơ sở hạ tầng cho miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, cải thiện bộ mặt nông thôn tại những vùng này, nâng cao trình độ phát triển của cả khu vực, tạo đà cho chương trình xây dựng nông thôn mới.

Trên thực tế, sau khi triển khai các dự án trồng cao su tại Tây Nguyên, Tây Bắc đã có hàng ngàn công nhân là con em đồng bào các dân tộc vào làm công nhân cao su với mức thu nhập khá; nhiều người đã được đào tạo thành những cán bộ quản lý. Tại nhiều thôn buôn, làng bản nhờ trồng cây cao su mà cuộc sống đã thay đổi. Người dân không chỉ có thu nhập cao, xóa bỏ vĩnh viễn cái đói, cái nghèo từ bao đời nay mà còn được thụ hưởng nhiều tiện ích từ những dự án đầu tư kết cấu hạ tầng thiết yếu; do đó chất lượng cuộc sống đã được nâng lên. Rất nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số làm cao su đã học tập được cách làm ăn một cách căn cơ, bài bản nên đã có cuộc sống khá giả, đã có nhũng hộ tỷ phú cao su ở Tây Nguyên.

Cây cao su đã có đất sống vô cùng vững chắc không chỉ với đất đai Tây Nguyên, Tây Bắc mà còn có vị trí hàng đầu trong suy nghĩ của người dân tìm hướng thoát nghèo để làm giàu. Cũng nhờ cây cao su mà hàng vạn ha đất trống, đồi trọc, đất hoang hóa đã trở thành những vườn cây cao su, sản sinh ra dòng “vàng trắng”.

Cây cao su xứng đáng với tên gọi là “Cây đa mục đích” để thay thế những cánh rừng nghèo. Biến rừng nghèo thành đất trồng cao su cũng là một chủ trương của Nhà nước; đồng thời đó cũng là một yêu cầu đối với việc triển khai các dự án trồng cao su.

Tuy nhiên, trên thực tế, để có đất trồng cao su một số doanh nghiệp đã dùng nhiều thủ đoạn để biến rừng giàu thành “rừng nghèo” rồi tận thu lâm sản. Chẳng hạn ở Kon Tum, để có 30.000 ha đất cho 7 công ty cao su triển khai dự án thì người ta phải phá rừng nghèo (rừng ít cây cối). Nhưng theo ghi nhận tại hiện trường của phóng viên báo Tin Tức thì đi vô rừng 5 km đã gặp ngay hai khu đất rộng chừng 2.000 m2 chứa đầy gỗ, trong đó có những cây gỗ dài 3-5m, đường kính tới trên 1m; và khi vô rừng sâu hơn lại bắt gặp nhiều bãi gỗ tương tự.

Điện Biên cũng là một tỉnh có nhiều dự án phát triển cây cao su. Nhưng theo ý kiến của nhiều người, cũng có hiện tượng một số doanh nghiệp đang ra sức tận thu “rừng nghèo” với các loại gỗ quí có đường kính lớn. Một cán bộ của Sở NN và PTNT tỉnh này cho hay, gỗ quí có kích thước lớn được bán công khai ở nhiều nơi; và đương nhiên đó không phải là sản phẩm của rừng nghèo.

Rõ ràng là việc biến rừng giàu thành rừng nghèo là thủ đoạn làm giàu của một số doanh nghiệp, nó không chỉ lợi dụng một chủ trương đúng đắn của Nhà nước mà còn làm sai lệch chủ trương đó. Bởi vì trồng cao su và giữ rừng là hai việc làm đều có ý nghĩa to lớn đối với việc phát triển kinh tế, xã hội của toàn vùng. Cây cao su chỉ thật sự có ích khi thay thế các cánh rừng nghèo, không còn khả năng che phủ, không sinh lợi. Ngược lại, sẽ là “lợi bất cập hại” khi phá rừng giàu để trồng cây cao su.

Thiết nghĩ, các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan bảo vệ pháp luật cùng chính quyền địa phương phải có biện pháp xử lý thích đáng các sai phạm của các doanh nghiệp này để cao su và rừng cùng “chung sống hòa bình”.

Nguyễn Quang Vinh