06:22 24/06/2012

Cao lá vằng giúp nông dân Cam Nghĩa xóa đói giảm nghèo

Nhiều năm qua, người dân thôn Định Sơn và Nghĩa Phong, xã Cam Nghĩa, huyện Cam Lộ (Quảng Trị) đã nấu thành công cao lá vằng, một bài thuốc dân gian có lợi cho sức khỏe.

Nhiều năm qua, người dân thôn Định Sơn và Nghĩa Phong, xã Cam Nghĩa, huyện Cam Lộ (Quảng Trị) đã nấu thành công cao lá vằng, một bài thuốc dân gian có lợi cho sức khỏe. Từ bài thuốc dân gian, sản phẩm này được tiêu thụ trong cả nước, mang lại nguồn lợi kinh tế lớn cho người dân vùng Cùa. Cao lá vằng ở đây được người dân ví như “vàng đen”, bởi nhờ nó mà bộ mặt làng xóm dần thay đổi, nhà cửa được xây dựng khang trang.


 

Bà Võ Thị Hãn (80 tuổi), thôn Định Sơn, xã Cam Nghĩa đang nấu cao lá vằng trên hệ thống bếp lò của gia đình.

 

Cây lá vằng, thuộc họ cây leo, mọc tự nhiên trên nhiều vùng đồi núi Quảng Trị. Lá cây này thường được người dân dùng để nấu nước uống, giống như nước trà xanh. Nước của lá cây có vị đắng, giúp ăn ngon miệng, ngủ sâu, giải nhiệt, bổ gan, lợi mật, kích thích tiêu hóa, tăng cường tuần hoàn máu, giảm béo. Nếu lấy lá vằng đun để tắm thì còn chữa được ghẻ, ngứa, lở loét. Để thuận lợi trong sử dụng, người dân nơi đây đã điều chế, nấu lá vằng cô đặc thành cao để bán ra thị trường.


Bà Võ Thị Hãn (80 tuổi), thôn Định Sơn cho biết, để nấu cao lá vằng, mỗi hộ phải xây hệ thống bếp lò lớn riêng. Để chưng cất ra khoảng 1 kg cao phải mất từ 7 - 10 kg lá vằng tươi (tùy theo mùa). Lá vằng tươi sau khi thu hái từ trên đồi rừng, được rửa sạch, nấu và lọc nhiều lần liên tục trong khoảng gần 20 giờ. Muốn có được miếng cao thơm, ngon, đòi hỏi tay nghề, kĩ thuật nấu và phương pháp chế biến riêng. Trong quá trình nấu, người chế biến phải thường xuyên trực, không để lửa quá lớn, cao sẽ trào ra ngoài và khó cô đều. Lá phải chọn loại lá tươi, mới hái về. Nếu lá bị héo, lượng cao sẽ rất ít, đặc biệt không được trộn lẫn với bất kì một loại lá nào khác, nếu không dù nấu bao lâu cũng không thành cao được. Trung bình mỗi tháng, mỗi hộ sản xuất được hơn 1 tạ cao lá vằng, có hộ sản xuất 3 - 4 tạ. Cao lá vằng được bán cho thương lái với giá 120.000 đồng/kg.


Sản phẩm cao lá vằng được gói trong những gói nhỏ sạch sẽ, gọn nhẹ, được tiêu thụ khắp nơi. Chỉ cần cắt một miếng cao nhỏ khoảng 2 gam hòa tan với 1 lít nước sôi uống sau khi ăn cơm sẽ có tác dụng rất tốt.


Sản phẩm cao lá vằng đã tạo được thương hiệu và trở thành đặc sản của xứ Cùa và người dân Quảng Trị. Xã Cam Nghĩa có trên 50 hộ gia đình chuyên nấu cao lá vằng, tạo việc làm thường xuyên cho trên 100 lao động trong xã. Nhờ chế biến cao lá vằng, cuộc sống của người dân ngày càng được nâng cao, trung bình mỗi hộ dân tham gia sản xuất cao lá vằng đều có thu nhập từ 7 - 10 triệu/tháng. Bà Võ Thị Hòe (58 tuổi), thôn Định Sơn, xã Cam Nghĩa, cho biết: “Ngày trước gia đình tôi thuộc hộ nghèo, cuộc sống khó khăn vất vả. Thu nhập của gia đình chỉ dựa vào mấy sào sắn. Sau khi nấu thành công cao lá vằng, cuộc sống thay đổi hẳn. Con cái được học hành, gia đình xây được nhà khang trang và mua sắm nhiều vật dụng tiện nghi”.


Cam Nghĩa vốn là một xã miền núi khó khăn của huyện Cam Lộ. Sản xuất cao lá vằng giờ đã trở thành một trong những hướng phát triển chủ đạo trong xóa đói giảm nghèo của người dân nơi đây. Để đảm bảo cho sự phát triển lâu dài, năm 2011, Hợp tác xã Nông nghiệp dịch vụ tiêu Cùa đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu bảo hộ cho cao lá vằng.


Tuy nhiên, cũng còn nhiều tồn tại trong hoạt động sản xuất và kinh doanh cao lá vằng. Hiện nay lượng lá vằng trên rừng núi ngày càng cạn kiệt. Các hộ chế biến, kinh doanh theo phương thức nhỏ lẻ, tự phát, không tập trung, nên chưa tạo được sức mạnh tổng hợp cho thương hiệu. Sản phẩm bị thương lái ép giá, ảnh hưởng đến quyền lợi nông dân. Ông Trần Hà, Chủ nhiệm Hợp tác xã Nông nghiệp dịch vụ nơi đây cho biết, HTX mong muốn chính quyền các cấp hỗ trợ nguồn giống để người dân có thể chủ động trong sản xuất; hỗ trợ các hộ dân cải thiện kỹ thuật chế biến, quảng bá thương hiệu, nhằm tạo hiệu quả kinh tế cao hơn.


Bài và ảnh: Thanh Thủy